Sau một thời gian điều trị biến chứng “bàn chân tiểu đường” tại Mỹ, cụ bà 80 tuổi được các bác sĩ thông báo phải cắt bỏ chân trái để bảo toàn tính mạng. Bệnh nhân bay về Việt Nam và được các bác sĩ chữa thành công chân trái đang trong tình trạng hoại tử nặng.
Thông tin Y học

Bác sĩ ở Mỹ thông báo cắt chân, cụ bà về Việt Nam và được chữa khỏi

Hồ Quang 07/08/2024 18:35

Sau một thời gian điều trị biến chứng “bàn chân tiểu đường” tại Mỹ, cụ bà 80 tuổi được các bác sĩ thông báo phải cắt bỏ chân trái để bảo toàn tính mạng. Bệnh nhân bay về Việt Nam và được các bác sĩ chữa thành công chân trái đang trong tình trạng hoại tử nặng.

Cụ bà D.T.C (80 tuổi, người Mỹ gốc Việt) bị bệnh cao huyết áp và tiểu đường nhiều năm qua. Gần đây, bà C. đau và sưng 2 bên chân do biến chứng “bàn chân tiểu đường”. Bệnh nhân được người nhà đưa đến 1 bệnh viện ở Mỹ điều trị. Sau thời gian điều trị 10 ngày tại đây, chân trái bà C. bị hoại tử đen nghiêm trọng, mủ chảy hôi thối, nguy cơ không thể giữ được chân và có thể nhiễm trùng huyết gây tử vong. Các bác sĩ thông báo bà C. cần phải cắt bỏ chân trái để bảo toàn tính mạng.

bac-si-my-thong-bao-cat-chan-cu-ba-bay-ve-viet-nam-duoc-chua-khoi-hinh-anh.png
Cụ bà D.T.C đã được các bác sĩ cứu chữa thành công chân trái - Ảnh: BVCC

Nhận được thông tin “sét đánh” trên, gia đình quyết định đưa bà C. về Việt Nam với hy vọng có thể cứu vãn, giúp bà không bị tàn phế trong những ngày cuối đời. Chị Phượng (cháu bà C.) cho biết, sau khi tham khảo một số bệnh viện, gia đình quyết định đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ.

BSCK2 Ngô Minh Tuấn, Trưởng Đơn vị can thiệp mạch máu tạng - ngoại biên cho biết, bệnh nhân bị tắc động mạch ngoại biên. “Rất may là chúng tôi chỉ nong mạch máu tái thông mà không phải cần đặt stent. Sau đó, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc phần chi đã hoại tử. Chính nhờ sự kết hợp này, chúng tôi đã thành công giữ được khớp gối và một phần cẳng chân trái cho bệnh nhân”, bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm: “Sau gần 2 tuần điều trị bằng kháng sinh chống nhiễm trùng tích cực kết hợp dùng thuốc tăng khả năng lưu thông máu qua những vị trí tắc nghẽn, kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt, bệnh nhân đã được xuất viện trong niềm vui của gia đình và đội ngũ bác sĩ”.

Phân tích của bác sĩ Tuấn cho thấy, các bệnh lý động mạch ngoại biên có 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là tắc cấp tính, người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột đau, lạnh, tím tái, tê tay chân; nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ đoạn chi sẽ rất cao. Nhóm thứ hai là tắc mạch máu mạn tính ở những người bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu... Biểu hiện ở nhóm này là đau khi vận động, đi lại. Diễn tiến đau sẽ càng nghiêm trọng khiến người bệnh khó khăn trong đi đứng, thậm chí không thể đi được quá 10 mét vì tê mỏi chân, phải nghỉ vài phút mới có thể đi lại và triệu chứng lại tái lập.

bac-si-o-my-thong-bao-cat-chan-cu-ba-bay-ve-viet-nam-duoc-chua-khoi-hinh-anh-1.png
Bàn chân hoại tử đã chuyển sang đen do biến chứng bệnh tiểu đường - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân mắc bệnh lý động mạch ngoại biên thường gặp ở nhóm người có nguy cơ cao như: hút thuốc lá nhiều năm, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, rối loạn mỡ máu… Khám lâm sàng có thể phát hiện bệnh mạch máu chi mức độ nặng (mất mạch, tím chi...) để chẩn đoán sớm có thể dùng siêu âm mạch máu, CT mạch máu.

Theo bác sĩ Tuấn, đây là trường hợp điển hình của biến chứng “bàn chân tiểu đường” sau khi bị tiểu đường nhiều năm, nhất là trong trường hợp đường huyết khó kiểm soát, lớn tuổi. Ở nam giới hút thuốc lá nhiều kèm tiểu đường… nguy cơ biến chứng tổn thương mạch máu chi là rất cao. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử chi như trường hợp này và phần lớn sẽ dẫn đến cắt cụt chi.

Hiện nay với sự phát triển của công nghệ chẩn đoán và can thiệp mạch máu, y học đã giảm đáng kể số ca đoạn chi trên toàn cầu… Tuy nhiên, việc chẩn đoán và điều trị cần có đội ngũ y bác sĩ nhiều chuyên khoa như tiểu đường, can thiệp mạch máu, cơ xương khớp… cùng với đó là máy móc hiện đại.

Việc điều trị không thể thiếu vai trò chăm sóc hằng ngày của các điều dưỡng, phải kiên trì lau rửa, vệ sinh chăm sóc cho những bàn chân đang hoại tử… Nếu không có sự chăm chút, phối hợp, kiên trì thì đa số các “bàn chân tiểu đường” thường phải đoạn chi. Một số trường hợp người bệnh không đến bệnh viện hoặc đắp thuốc nam tại nhà nên dẫn đến nhiễm trùng huyết lan rộng, và một số ca đã tử vong.

Bài liên quan
Dinh dưỡng giúp kiểm soát đường huyết, biến chứng tiểu đường
Nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14.11, Hội Nội tiết - Đái tháo đường kết hợp với Công ty Vinamilk tổ chức hai hội nghị khoa học tại Hà Nội và TP.HCM nhằm cập nhật đến nhân viên y tế những kiến thức về điều trị và dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bác sĩ ở Mỹ thông báo cắt chân, cụ bà về Việt Nam và được chữa khỏi