Ba đời liên tiếp, từ ông nội rồi đến cha con anh Từ Ngọc Quí (53 tuổi) đều là thợ sửa khóa. Cái nghề không giúp họ lên tột đỉnh vinh quang của sự giàu có nhưng nhờ nó, họ có cuộc sống no đủ. Và hơn hết cũng từ nghề, họ rèn dũa bản thân vào những quy tắc đạo đức đáng được ngưỡng mộ và học tập.

Bài 1: Những cám dỗ mê hoặc trong đời thợ sửa khóa

Thanh Nguyên | 05/12/2020, 15:51

Ba đời liên tiếp, từ ông nội rồi đến cha con anh Từ Ngọc Quí (53 tuổi) đều là thợ sửa khóa. Cái nghề không giúp họ lên tột đỉnh vinh quang của sự giàu có nhưng nhờ nó, họ có cuộc sống no đủ. Và hơn hết cũng từ nghề, họ rèn dũa bản thân vào những quy tắc đạo đức đáng được ngưỡng mộ và học tập.

Những lần bất đắc dĩ làm việc với công an

Ở góc đường Ngô Quyền và đại lộ Hòa Bình (P.Tân An, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cái tủ kiếng cũ nát dán đề can 3 chữ: “Làm chìa khóa” kèm số điện thoại của anh Quí nằm khiêm tốn, chẳng hề nổi bật. Nhưng đó là cơ ngơi làm việc của anh Quí mấy chục năm qua. Nhờ vào cái tủ kiếng ấy mà vợ và 2 con của anh Quí có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

2(1).jpg
Hành nghề sửa khóa, anh Quí nhiều lần bất đắc dĩ bị công an mời lên phường - Ảnh: Thanh Nguyên

Anh Quí cho biết túc trực thường xuyên ở tiệm là người em họ, phụ việc cho anh mấy năm nay. Còn hằng ngày anh thường xách xe máy, chở theo thùng đồ nghề đi khắp TP.Cần Thơ để mở, sửa khóa tận nhà cho khách, khi có người kêu. Anh Quí kể cha của anh học nghề sửa khóa từ ông nội rồi truyền lại cho, lúc anh còn là 1 cậu bé. Tính đến nay anh Quí đã có 40 năm hành nghề. Những đắng cay với nghề sửa khóa anh dường như đã nếm trải hết. Những câu chuyện anh kể và bài học anh rút ra rất đáng để suy ngẫm vì có thể một lúc nào đó, nó sẽ vận vào mỗi người.

Hai năm trước trong lúc đang ngồi làm chìa khóa cho khách, anh Quí bị công an mời lên phường làm việc. Vốn đã quá quen với việc này anh Quí không lấy làm lạ, nhưng anh cũng không biết mức độ của câu chuyện lần này nghiêm trọng đến mức nào. Số là công an yêu cầu anh cho lời khai về việc anh từng làm chìa khóa cho 1 chiếc xe máy và sau đó chiếc xe này bị đánh cắp.

“Chuyện đầu đuôi nó vậy. Một cậu sinh viên ở trọ được gia đình mua 1 chiếc xe tay ga đời mới, giá trị cao. Cậu sinh viên này cho bạn cùng dãy trọ mượn xe để chở bạn gái đi chơi. Cậu bạn này đem chìa khóa xe tới chỗ tôi đánh thêm 1 chìa khóa mới rồi mới đem xe về trả cho bạn bình thường. Tôi nhìn xe người ta đang chạy, khách có nhu cầu đánh thêm chìa khóa sơ cua (dự phòng) thì có gì đâu mà lạ, nên mới làm. Nhưng mấy ngày sau, cậu sinh viên kia mất xe rồi trình báo công an. Qua rà soát công an nghi vấn và mời cậu bạn mượn xe kia lên lấy lời khai. Rồi cậu ta khai đi làm chìa khóa ở chỗ tôi, vậy là tôi bị mời lên cho lời khai”, anh Quí kể.

Một chuyện khác còn nghiêm trọng hơn xảy ra với quá trình hành nghề sửa khóa của anh Quí. Đó là chuyện xảy ra gần 10 năm trước, khi 1 đại gia ở trung tâm TP.Cần Thơ bán 1 ngôi nhà được gần 4 tỉ đồng. Ông ta nhận tiền giao nhà rồi về 1 ngôi nhà khác để tiền vào két sắt. Qua hôm sau, vị đại gia này đi TP.HCM khám bệnh, con gái của vị đại gia này gọi anh Quí đến mở khóa két sắt. “Thiệt tình tôi có nghĩ gì đâu. Đúng nhà của cha cô này, không có gì nghi ngờ, thì tôi nhận mở khóa thôi. Ai ngờ đâu ôm họa vô người”, anh sửa khóa kể.

Quá trình anh Quí mở két sắt khá khó khăn, anh chạy đi chạy lại lấy thêm đồ nghề. Lúc anh Quí đi lại khiến hàng xóm ở đây sinh nghi ngờ vì anh không phải là người ở khu vực này. Rồi không rõ từ đâu, thông tin anh Quí đến mở khóa két sắt nhà vị đại gia kia được trình báo đến công an hình sự. Anh Quí ngao ngán kể: “Khi cánh cửa két sắt vừa mở ra thì công an cũng ập vào, bắt tôi và cả cô con gái vị đại gia kia về đồn. Sau một hồi thanh minh với cán bộ công an, lấy lời khai các bên xong, mất cả ngày tôi mới được cho về. Hóa ra là cô gái này làm ăn nợ nần, biết cha mình mới bán nhà có nhiều tiền nên muốn trộm tiền của cha mình. Cô này sau đó cũng được cha tha thứ nên không bị gì”.

Chết cười với những vị khách đãng trí

Sau những lần gặp phải chuyện trời ơi như vậy, anh Quí tự dặn lòng phải cẩn thận hơn. Nhưng rồi cái nghiệp như đeo bám anh, những chuyện dính líu tới pháp luật, anh thỉnh thoảng vẫn bất đắc dĩ dây vào. Một bận anh được người quen nhờ tới mở khóa của 1 ngôi nhà mới mua. Ngặt nỗi, do là khu nhà phố, 1 dãy nhà cái nào cũng giống nhau. Anh chủ nhà mắt nhắm mắt mở thế nào, lại yêu cầu anh mở khóa nhà… hàng xóm cũng đang vắng chủ.

“Tôi mở xong thì anh ta vào nhà, đi mới tới phòng khách ảnh hét lên mở cửa lộn nhà rồi. Tôi đứng như trời trồng, biết tính sao giờ”, anh Quí kể. Để giải quyết, anh Quí đề nghị báo công an đến lập biên bản, rồi trưởng khu vực tìm cách liên hệ chủ nhà để gọi về. Kết cục là anh kia phải mua ổ khóa mới đền và hết lời xin lỗi hàng xóm thì chuyện mới qua.

1(1).jpg
Anh Quí bên “cơ ngơi” làm ăn của mình mấy chục năm qua - Ảnh: Thanh Nguyên

Đúc kết lại anh Quí cười nói: “Mọi chuyện đều có khả năng xảy ra. Điều quan trọng là mình trung thực, không làm gì phạm pháp thì trước sau gì mình cũng an toàn”. Ở cái tiệm làm chìa khóa nhỏ xíu của anh Quí, hàng ngày anh phải chứng kiến nhiều chuyện mà chính bản thân anh cũng không thể ngờ tới.

Anh kể: “Rất nhiều người đến chỗ tôi, mặt mày lấm lét, nhìn trước nhìn sau, tay cầm cục xà bông hay cục đất sét có in hình chìa khóa, nói tôi đánh cho họ một cái chìa. Nhìn là biết họ không có mục đích gì tốt đẹp rồi. Không 1 người thợ sửa khóa nào có tâm mà đi nhận những người khách như vậy. Rồi cũng có người cầm điện thoại đến, chìa ra 1 tấm ảnh chụp 2 mặt của 1 chiếc chìa khóa, nói rằng bị mất chìa giờ chỉ có tấm hình, nhờ tôi dũa 1 chìa khóa mới. Dù họ có kể khổ hay trả giá cao bao nhiêu tôi cũng lắc đầu”.

“Đó khả năng là những người làm công, người ở cho những gia đình khá giả. Khi chủ nhà sơ suất để chìa khóa đâu đó, những người làm này mới chụp hình lại, hoặc ấn vào cục xà bông, đất sét lấy mẫu đem đi đánh chìa mới. Mục đích móc nối với người bên ngoài, hoặc chính bản thân họ sẽ thừa cơ trộm tài sản. Những bản sao chìa như vậy tuy mất thời gian nhưng tôi vẫn có thể làm được chìa mới. Nhưng mà mình đoán biết mục đích họ không đứng đắn thì không thể nhận được”, anh Quí cho hay.

Hơn 10 năm trước 1 bảo vệ của 1 cơ quan nhà nước tìm đến rỉ vào tai anh rằng, cơ quan anh ta mới được chuyển về món tiền hơn 1 tỉ đồng. Thời đó đấy là số tiền rất lớn, có thể mua cả căn nhà mặt phố. “Anh ta nói nhỏ với tôi đề nghị nửa đêm mở khóa đột nhập lấy đi số tiền này rồi chia nhau. Chưa nghe hết câu tôi đã đuổi anh ta đi. Những chuyện như vậy, tôi gặp rất nhiều. Vì vậy, những người có của cải họ luôn bị một ai đưa vào tầm ngắm, cẩn thận không bao giờ là thừa”, anh Quí đúc kết.

Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề sửa khóa, anh Quí cho biết, không có ổ khóa nào là anh không mở được. Đối với ổ khóa mới, anh chỉ cần đủ thời gian là có thể nghiên cứu để hóa giải. Không có ổ khóa nào làm khó được anh nhưng với những lời răn dạy của cha ông, anh cho biết không thể làm gì trái lương tâm hay vi phạm pháp luật.

Đó là lý do vì sao gần 40 năm qua anh sống được với nghề và tự hào mình nuôi sống gia đình bằng đôi bàn tay. Nhiều thế hệ học trò của anh còn gắn bó với nghề ở các tỉnh, cũng được anh rèn dũa những bài học đạo đức khi mới vào nghề. “Nghề gì cũng vậy, khi mình đủ tâm huyết với nó, nó sẽ không bạc đãi mình”, anh đúc kết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Những cám dỗ mê hoặc trong đời thợ sửa khóa