Trong thời gian bị bắt, ông Sáu Ngừng được đưa về giam giữ tại Trung tâm 3 và trại giam Bình Phú của Công an tỉnh. Ông liên tiếp kêu oan, mẹ ông dù lớn tuổi nhưng lặn lội đi gặp những cán bộ lãnh đạo cấp thị xã, Tỉnh ủy Bến Tre gửi đơn kêu oan cho ông. Ai cũng hứa sẽ xem xét, nhưng ông Ngừng vẫn bị giam giữ…

Bài 2: Lý giải về số tiền đòi bồi thường hơn 150 tỉ đồng

Hùng Anh | 12/11/2016, 12:16

Trong thời gian bị bắt, ông Sáu Ngừng được đưa về giam giữ tại Trung tâm 3 và trại giam Bình Phú của Công an tỉnh. Ông liên tiếp kêu oan, mẹ ông dù lớn tuổi nhưng lặn lội đi gặp những cán bộ lãnh đạo cấp thị xã, Tỉnh ủy Bến Tre gửi đơn kêu oan cho ông. Ai cũng hứa sẽ xem xét, nhưng ông Ngừng vẫn bị giam giữ…

Bài 1: Bất ngờ lâm cảnh tù tội vì oan án từ trên trời rơi xuống

Hơn 136 triệu đồng bồi thường 2.605 ngày oan ức

Đến ngày 20.1.1993, ông Châu Ngọc Ngừng (Sáu Ngừng) đang lao động trong trại giam Bình Phú thì được cán bộ quản giáo gọi lên phòng giám thị. Tại đây, ông nghe giám thị trại giam thông báo quyết định trả tự do vì Công an tỉnh Bến Tre thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú, chờ ngày ra tòa xét xử.

Ngày 28.10.1993, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử ông Sáu Ngừng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN và nhận hối lộ” diễn ra, nhưng ngay sau phần thẩm vấn thì đại diện Viện KSND rút quyết định truy tố ông Ngừng về 2 tội danh trên. Do đó ngày 1.11.1993, TAND tỉnh Bến Tre tuyên ông Sáu Ngừng không phạm tội. Tính ra, từ lúc bị bắt giam đến lúc được tuyên vô tội, ông Sáu Ngừng đã ở trong tù 771 ngày.

Tuy ông được tuyên vô tội nhưng Viện KSND tỉnh Bến Tre vẫn kháng nghị yêu cầu TAND thu hồi hơn 66 triệu đồng tiền hoa hồng ông đã nhận trong quá trình làm trung gian mua bán phân bón. “Mặc dù tui phản đối nhưng tòa phúc thẩm vẫn buộc tui phải trả lại hơn 66 triệu đồng tiền hoa hồng, nên tui phải bán 1 căn nhà và 364m2 đất để thi hành án, thật bất công”, ông Sáu Ngừng nhớ lại.

Và tháng 8.1994, ông Sáu Ngừng được Thị ủy Bến Tre tiếp nhận làm việc lại, nhưng phân công về đơn vị nào ông Sáu cũng không thể làm được vì cán bộ, nhân viên ở đó không chấp nhận công tác chung với mộtkẻ từng vào tù ra khám. Vì vậy đến năm 2004 ông Sáu Ngừng quyết định nghỉ việc và bắt đầu hành trình đi kêu oan, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hồ sơ kêu oan của ông Sáu Ngừng được gửi tới tất cả các cơ quan hữu trách của thị xã và tỉnh Bến Tre, gửi lên các cơ quan Trung ương đóng tại TP.HCM và gửi ra tận Hà Nội. Ở Bến Tre, ông Sáu Ngừng đạp xe đi tới từng cơ quan gửi đơn; ở TP.HCM và Hà Nội thì ông gửi hồ sơ qua đường bưu điện.

Vì đi khiếu nại kêu oan mà năm 2010 ông Ngừng bị tai nạn giao thông, mất chân trái và hỏng mắt trái

“Hồi đó tui đi khiếu nại kêu oan nhiều đến mức các cán bộ tiếp dân của cơ quan khi thấy tui vào cổng là họ tìm cách lánh mặt. Nhưng do họ im lặng không giải quyết nên tui cứ kiên trì áp dụng chiến thuật: cứ 15 ngày đạp xe đi 1 vòng cơ quan tỉnh gửi 1 bộ hồ sơ kêu oan, sau đó ra bưu điện gửi hồ sơ lên Trung ương, đều đặn như vậy suốt nhiều năm”, ông Ngừng nhớ lại.

Lúc đó, ông Ngừng yêu cầu Viện KSND tỉnh Bến Tre phải bồi thường cho ông số tiền hơn 2,3 tỉ đồng, bao gồm tổn thất tinh thần của 771 ngày ngồi tù, 575 ngày tại ngoại mang thân phận tù tội, tổn thất sức khỏe, thiệt hại về kinh tế do bị bắt giam oan sai. Về phía cơ quan CSĐT, ông Sáu Ngừng yêu cầu bồi thường hơn 1,4 tỉ đồng do thất thoát tài sản từ các giấy tờ cho vay, hợp đồng kinh tế bị thu giữ khi ông bị bắt.

Do không thể im lặng trước những chồng hồ sơ kêu oan ngày một dày của ông Sáu Ngừng nên tháng 11.2008 TAND TX.Bến Tre đưa vụ kiện của ông ra xét xử, nhưng sau đó tuyên Viện KSND tỉnh Bến Tre chỉ phải bồi thường số tiền 63.940.000 đồng, còn cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre bồi thường 360.000 đồng. Ông Ngừng tiếp tục khiếu nại nên đến tháng 5.2015 TAND tối cao ra quyết định tái thẩm, hủy các bản án của TAND các cấp trước đó.

Tháng 5.2016 TAND tỉnh Bến Tre đưa vụ kiện ra xét xử lại. Tại phiên xử này, TAND tỉnh Bến Tre xác định ông Ngừng được bồi thường đến 2.605 ngày oan khuất; tuyên buộc Viện KSND tỉnh Bến Tre phải công khai xin lỗi và bồi thường cho ông Ngừng số tiền hơn 136 triệu đồng, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bến Tre bồi thường số tiền 397.500 đồng.

Vì sao đòi bồi thường hơn 150 tỉ đồng?

-Thưa ông, vì sao được xin lỗi, bồi thường oan sai mà ông vẫn tiếp tục khiếu nại?

- Ông Châu Ngọc Ngừng: Tui bị bắt giam oan, bị thiệt hại thì những cơ quan gây ra oan sai cho tui phải xin lỗi, bồi thường là chuyện đương nhiên. Sau 23 năm họ mới xin lỗi, bồi thường là quá chậm. Nhưng họ chỉ làm qua loa, bồi thường chưa thỏa đáng nên tui tiếp tục khiếu nại.

- Bồi thường chưa thỏa đáng là như thế nào, thưa ông?

- Làm sao thỏa đáng được. TAND tỉnh Bến Tre xác định tui bị tù đày oan ức, được bồi thường tổng cộng 2.605 ngày, nhưng cho rằng mỗi ngày tù, chịu đựng oan sai chỉ được bồi thường hơn 52.000 đồng. Trong khi đó toàn bộ giấy tờ thể hiện tài sản của tui bị mất thì CSĐT đổ thừa đã bàn giao cho Viện KSND, Viện lại đổ thừa CSĐT không bàn giao hồ sơ, rồi huề cả làng, chỉ có tui bị thiệt hại.

Đơn khởi kiện đòi bồi thường hơn 150 tỉ đồng của ông Sáu Ngừng

Ngoài ra những thiệt hại về kinh tế của gia đình, bản thân trong suốt thời gian tui bị bắt giam và chưa được minh oan thì không được ai xem xét bồi hoàn.

- Chính vì vậy mà ông tiếp tục có đơn yêu cầu bồi thường số tiền lên đến hơn 150 tỉ đồng?

- Số tiền đó thực chất là tổng giá trị tài sản thể hiện trên giấy tờ của tui bị CSĐT thu giữ lúc bắt tui, gồm biên nhận cho vay, chơi hụi, các hợp đồng làm ăn kinh tế… có đánh số từ 1 đến 59 và tui có ký tên vào từng hồ sơ thu giữ. Trong số này giá trị nhất là 4 bộ hợp đồng mua gỗ với số lượng hơn 12.000m3, trong đó có 877m3 gỗ sắp nhận với 450.957.000 đồng tiền tui ứng trước cho chủ gỗ.

Cứ tính giá trị của lô gỗ trong các hợp đồng và số tiền của tui ứng trước bị mất hết, nhân với lãi suất, trượt giá từ năm 1993 đến nay thì sẽ ra số tiền rất lớn mà tui bị thiệt hại. Hồi đó tui đã nói những hợp đồng này không liên quan đến vụ phân bón nên không cần thu giữ nhưng CSĐT không đồng ý, nói phải giữ để đảm bảo có tài sản thi hành án.

Bây giờ họ làm mất hết thì phải bồi thường cho tui, cụ thể là CSĐT phải bồi thường tổng cộng 145 tỉ đồng, Viện KSND tỉnh phải bồi thường 7 tỉ đồng. Đó là chưa nói đến vụ cuốn sổ tiết kiệm, khi ra tòa thì Hội đồng xét xử cũng tính lãi cho số tiền trong sổ, nhưng chẳng thèm tính lãi nhập vốn. Bởi vậy mà cuối cùng tòa chỉ yêu cầu CSĐT trả cho tui 397.500 đồng tiền vốn và lãi của cuốn sổ tiết kiệm trong suốt 26 năm bị thu giữ, gửi tiết kiệm ở chỗ nào mà rẻ mạt như vậy?

- Nhưng số tiền hơn 150 tỉ đồng là rất lớn, khả năng bồi thường không khả thi, thưa ông?

- Ừ, bạn bè tui nghe chuyện cũng nói với tui như vậy, nên tui đã suy nghĩ lại. Vì vậy tui đã làm đơn khởi kiện tiếp tục để yêu cầu CSĐT và Viện KSND tỉnh bồi thường 877m3 gỗ và 450 triệu đồng bị mất, tính lãi suất đầy đủ theo từng thời điểm, những thiệt hại khác bỏ qua.

- Nghe nói trong quá trình đi kêu oan ông từng bị tai nạn giao thông suýt chết?

- Lúc đó là tháng 7.2010, tui đang chạy xe gắn máy ra TP.Bến Tre gửi đơn khiếu nại kêu oan thì bất ngờ bị chiếc xe tải tông thẳng vào, bất tỉnh nhân sự. Gia đình đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nằm gần 1 tháng, hết tiền phải về nhà nằm, bị cắt mất chân trái và hỏng luôn con mắt trái. Mấy khoản này cũng là tổn hại sức khỏe do đi kêu oan, nhưng đâu có ai xem xét bồi thường cho tui.

Người bị oan là em vợ nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ

Ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, là anh vợ ông Ngừng,cho biếtlúc ông đương chức, ông Ngừng cũng có gửi đơn kêu oan. Tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết không phải của Thanh tra Chính phủ.

“Biết em mình bị oan, nhưng tôi cũng không thể can thiệp sâu được, vì sẽ bị dị nghị là giúp người thân. Vụ việc này, các cơ quan gây oan sai cần phải xem xét lại tài sản bị thiệt hại của ông Ngừng và có đền bù để giảm một phần mất mát cho người bị oan” - ông Truyền nói.

Hùng Ngọc
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Lý giải về số tiền đòi bồi thường hơn 150 tỉ đồng