Cho đến nay, không có một giải pháp chắc chắn nào để phòng tránh ung thư. Tuy vậy, vẫn có những điều bạn có thể thực hiện để làm giảm nguy cơ mắc ung thư.

Bài 3: Có thể phòng tránh ung thư được không?

Một Thế Giới | 19/08/2014, 06:31

Cho đến nay, không có một giải pháp chắc chắn nào để phòng tránh ung thư. Tuy vậy, vẫn có những điều bạn có thể thực hiện để làm giảm nguy cơ mắc ung thư.

Ung thư có lây lan không?

Trong quá khứ, người ta thường giữ khoảng cách với các bệnh nhân ung thư vì họ sợ rằng bản thân có thể bị lây bệnh. Nhưng sự thật là ung thư không giống cúm hay cảm lạnh! Bạn không thể bị lây ung thư qua việc ở gần hay chạm vào cơ thể người bệnh. Bởi thế, đừng lo lắng khi tiếp xúc với một người bị ung thư và nên biết rằng họ rất cần sự hỗ trợ và động viên từ gia đình và bạn bè.

Có thể phòng tránh ung thư không?

Cho đến nay, không có một giải pháp chắc chắn nào để phòng tránh ung thư cả. Tuy vậy, vẫn có những điều bạn có thể thực hiện để làm giảm nguy cơ mắc ung thư.

Thuốc lá

Nhiều ung thư có thể được phòng tránh nếu chúng ta không hút thuốc lá.

Thuốc lá tàn phá gần như mọi cơ quan trong cơ thể con người và chiếm khoảng 30% tất cả các trường hợp tử vong do ung thư. Thuốc lá điếu, xì gà, tẩu thuốc và những sản phẩm thuốc lá nhai (không khói) đều có thể gây ung thư và không nên sử dụng. Người hay hút thuốc lá nên cố gắng từ bỏ nó! Những nghiên cứu cho thấy một cách rõ ràng là những người đã bỏ thuốc mắc ung thư ít hơn những người vẫn tiếp tục hút.

Tốt nhất là không bao giờ dùng thuốc lá và tránh xa hút thuốc lá thụ động!

Thức uống có cồn

Uống rượu cũng liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc một vài loại ung thư.

Một số người nghĩ rằng có một vài loại rượu an toàn hơn các loại khác. Nhưng cồn (ethanol) là thành phần của rượu được tìm thấy trong tất cả các thức uống có cồn, dù cho chúng là bia, rượu vang hay rượu mạnh chưng cất. Nhìn tổng thể, lượng thức uống có cồn được tích lũy theo thời gian dường như mới là yếu tố quan trọng nhất làm tăng nguy cơ ung thư, chứ không phải là loại thức uống.

Nếu bạn uống rượu, hãy giới hạn lượng uống vào không quá 2 ly mỗi ngày đối với đàn ông và 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ. Điều này có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc ung thư.

Uống rượu và hút thuốc

Vừa sử dụng thức uống có cồn vừa hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư họng miệng, thanh quản, thực quản cao hơn nhiều so với tác động riêng lẻ của chỉ uống rượu hoặc chỉ hút thuốc lá.
Bai 3: Co the phong tranh ung thu duoc khong?
 Lối sống giúp chúng ta phòng tránh ung thư

Tia tử ngoại (UV) và ánh nắng mặt trời

Bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư da bằng cách:

- Tránh ở ngoài nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều

- Đội nón, mặc áo khoác, đeo kính mát khi hoạt động ngoài trời nắng

- Sử dụng kem chống nắng với SPF (sun protection factor, yếu tố bảo vệ da khỏi tác hại của ánh sáng mặt trời)  từ 15 trở lên bởi vì các hoạt chất trong kem chống nắng có thể “khóa” các tia tử ngoại lại, không cho chúng cơ hội tiếp xúc gây bỏng và tổn thương da (từ đó tăng nguy cơ mắc ung thư da). Kem chống nắng tốt nhất có thể “khóa” cả tia cực tím A và B (UVA, UVB). Trong đó, UVB là tia cực tím có bước sóng từ 315 đến 280 nm (gây bỏng da); UVA có bước song từ 380 đến 315 nm (gây ra các thương tổn khác và không gây bỏng da).

- Không sử dụng giường phát tia cực tím hoặc đèn mặt trời để làm sạm da

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống có liên quan đến một số loại ung thư, nhưng nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số thông tin chỉ ra rằng thực hiện chế độ ăn uống dưới đây có thể làm giảm nguy cơ ung thư:

- Ăn nhiều rau và trái cây tươi (ít nhất 2.5 chén mỗi ngày)

- Sử dụng hạt toàn phần (hạt thô) hơn là hạt tinh và đường tinh luyện

-Hạn chế thịt đỏ (bò, heo, cừu)

- Hạn chế thịt chế biến sẵn

- Ăn lượng thức ăn giúp chúng ta đạt tới và duy trì ở mức cân nặng tốt cho sức khỏe

- Hạn chế thức uống có cồn còn tối đa 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa 2 ly mỗi ngày đối với đàn ông

Tiêm chủng giúp giảm nguy cơ ung thư

Chúng ta biết rằng một số ung thư có nguồn gốc từ nguyên nhân truyền nhiễm trước đó, phần lớn là do virus. Loại virus gây ung thư được biết đến nhiều là HPV, liên quan đến ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, một số ung thư sinh dục, ung thư đầu và cổ. Có 2 vaccine giúp phòng ngừa nhiễm HPV, từ đó ngăn ngừa nguy cơ ung thư gây ra do HPV. 
Tuy nhiên, hầu hết người trưởng thành đều đã nhiễm HPV, và vaccine chưa được chứng minh là có thể giúp những người này ngăn ngừa ung thư. Vì thế, những người trẻ chưa quan hệ tình dục có thể hạn chế nguy cơ bị ung thư trong tương lai nếu họ tiêm 1 trong 2 vaccine trước khi phơi nhiễm với virus này. 
Hiệp hội ung thư Hoa Kì khuyến cáo tiêm vaccine ngừa HPV cho trẻ em gái từ 11, 12 tuổi, nhưng trẻ em cả trai và gái vẫn có thể được tiêm vaccine từ năm 9 tuổi.

Phát hiện sớm

Để phát hiện sớm ung thư (khi còn ở giai đoạn đầu và trước khi nó di căn), người trưởng thành nên làm các xét nghiệm thường quy được gọi là các xét nghiệm tầm soát. Những xét nghiệm này giúp bác sĩ phát hiện những ung thư phổ biến trước khi chúng gây ra các triệu chứng lâm sàng. 
Hãy hỏi bác sĩ bạn nên làm xét nghiệm tầm soát nào. Nếu ung thư được phát hiện sớm, việc điều trị có thể dễ dàng hơn. Thời gian sống cũng kéo dài hơn ở những bệnh nhân phát hiện sớm ung thư.

Theo cancer.org (Hiệp hội Ung thư học Hoa Kỳ)

Soạn dịch và chú giải: Online Research Club

Trần Diễm Nghi (Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Phước Long (Biomedera Education), Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y- Đại học Nagasaki, Nhật Bản).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 3: Có thể phòng tránh ung thư được không?