Trong 2 ngày 27 và 28.12.2004, với tinh thần “Trí tuệ - Hợp tác - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần 5 Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự đại hội có 434 đại biểu gồm các ủy viên Hội đồng Trung ương (khóa 4), các đại biểu đến từ 56 hội ngành toàn quốc, 36 liên hiệp hội địa phương và một số tổ chức khoa học - công nghệ.
Đại hội vinh dự đón tiếp các vị lãnh đạo Phan Diễn, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Huỳnh Đảm, Đỗ Nguyên Phương, Cù Thị Hậu, đại diện nhiều bộ ban ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng.
Trải qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 11.11.1998 của Bộ Chính trị, Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp hội) đã phát triển thêm một bước quan trọng cả về quy mô tổ chức, nội dung, phương thức và hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở sơ kết tình hình và kết quả đạt được trong thời gian đó, ngày 9.7.2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa 9) đã ban hành văn bản số 145-TB/TW “Thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW đối với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2010”.
Thông báo của Ban Bí thư nêu rõ: “Qua 5 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Liên hiệp hội đã có bước phát triển mới về tổ chức; các hoạt động chính trị - xã hội, tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng rõ nét; các công tác phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội đạt nhiều kết quả. Vai trò, vị trí và uy tín của Liên hiệp hội trong xã hội ngày càng được nâng cao".
Thông báo của Ban Bí thư khẳng định: “Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò và vị trí của Liên hiệp hội ngày càng quan trọng. Vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa 8) xây dựng Liên hiệp hội thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội, ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhấn mạnh:
Liên hiệp hội, dù ở trung ương hay địa phương, đều là một tổ chức chính trị - xã hội chịu sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên các cấp ủy đảng phải có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động của Liên hiệp hội. Chúng ta phải xây dựng Liên hiệp hội thành tổ chức vững mạnh về chính trị - tư tưởng và hoạt động có hiệu quả.
Liên hiệp hội cần tiếp tục thu hút các lực lượng trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp, tham gia vào hoạt động của Liên hiệp hội. Ngoài ra, Liên hiệp hội cần thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia hoạt động của hội, đóng góp cho đất nước.
Liên hiệp hội cần bám lấy cuộc sống, dựa vào các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã được quy định trong điều lệ, để tìm ra được những cách làm phù hợp, có hiệu quả.
Liên hiệp hội ở trung ương đã thành lập được trên 20 năm, nhưng liên hiệp hội địa phương có nơi mới thành lập. Đây là tổ chức chính trị - xã hội chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng và là một tổ chức quan trọng của đội ngũ trí thức. Do đó, cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp chính quyền để cho tổ chức này lớn mạnh. Các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo chính quyền thực hiện thật tốt Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị khóa 8 và Thông báo số 145-TB/TW của Ban Bí thư khóa 9 về Liên hiệp hội.
Trong bức thư chào mừng đại hội, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải khẳng định:
“Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 45 và Thông báo số 145 của trung ương về Liên hiệp hội. Chính phủ sẽ quyết định cụ thể việc hỗ trợ các mặt cho hoạt động của Liên hiệp hội ở trung ương và địa phương, ban hành các chính sách liên quan tới Liên hiệp hội theo tinh thần của chỉ thị và thông báo nêu trên”.
Đại hội đã bầu Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội (khóa 5) gồm 212 ủy viên, trong đó có 180 ủy viên thay mặt cho các hội thành viên và 32 ủy viên là các cán bộ chuyên trách công tác hội, cán bộ lãnh đạo một số cơ quan và trí thức tiêu biểu. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Hội đồng Trung ương đã bỏ phiếu bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 29 ủy viên và Ủy ban Kiểm tra gồm 9 ủy viên.
Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội nhiệm kỳ 5 (2004-2009)
- GS-VS Vũ Tuyên Hoàng - Chủ tịch.
- PGS-TS Hồ Uy Liêm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký.
- GS-TSKH Nguyễn Hữu Tăng - Phó chủ tịch chuyên trách.
- GS-TS Trần Ngọc Hiên - Phó chủ tịch.
- GS-TS Phạm Mạnh Hùng - Phó chủ tịch.
- Ông Phạm Quốc Anh - Phó chủ tịch.
- GS-TSKH Nguyễn Năng An - Ủy viên.
- PGS-TSKH Trần Đức Cường - Ủy viên.
- Ông Đoàn Ngọc Đấu - Ủy viên.
- GS-TS Nguyễn Ngọc Giao - Ủy viên.
- PGS-TS Chu Hảo - Ủy viên.
- GS-VS Nguyễn Văn Hiệu - Ủy viên.
- TS Trần Việt Hùng- Ủy viên.
- BS Nguyễn Xuân Hướng - Ủy viên.
- GS-TS Nguyễn Mạnh Kiểm - Ủy viên.
- PGS-TS Nguyễn An Lương - Ủy viên.
- PGS-TS. Chu Tuấn Nhạ - Ủy viên.
- GS-TS Nguyễn Thu Nhạn - Ủy viên.
- GS-TS Trình Quang Phú - Ủy viên.
- Ông Dương Trung Quốc - Ủy viên.
- PGS-TS Phạm Bích San - Ủy viên.
- TS Phạm Văn Tân - Ủy viên.
- Ông Nguyễn Văn Thát - Ủy viên.
- TS Hàn Mạnh Tiến - Ủy viên.
- TS Lê Đình Tiến - Ủy viên.
- GS-TS Hà Học Trạc - Ủy viên.
- PGS-TS Tô Bá Trọng - Ủy viên.
- PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh - Ủy viên.
- GS-TS Võ Tòng Xuân - Ủy viên.
Ủy ban Kiểm Tra Liên hiệp hội nhiệm kỳ 5 (2004 - 2009)
- GS-TSKH Nguyễn Hữu Tăng - Chủ nhiệm.
- GS-TSKH Nguyễn Thiện Phúc - Phó chủ nhiệm.
- PGS-TS Huỳnh Văn Hoàng - Phó chủ nhiệm.
- BS Đỗ Thị Vân - Ủy viên thường trực.
- TS Trần Bảo - Ủy viên.
- ThS Lê Công Lương - Ủy viên.
- TS Lê Minh Nghĩa - Ủy viên.
- TS Ngô Đức Nguyên - Ủy viên.
- Ông Trần Văn Tư - Ủy viên.
NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT TRONG NHIỆM KỲ 5
Sau đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5, Liên hiệp hội bước vào một thời kỳ mới hoạt động sôi nổi và thu nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Liên hiệp hội đã cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký xây dựng dự thảo Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương, Liên hiệp hội tổ chức thành công hội thảo khoa học với sự tham dự của đại biểu các hội ngành toàn quốc và liên hiệp hội địa phương đóng góp ý kiến cho bản dự thảo này. Sau khi Nghị quyết 27-NQ/TW được thông qua, Liên hiệp hội, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội đã tổ chức quán triệt tình hình của nghị quyết trong toàn hệ thống Liên hiệp hội, chương trình hành động đã được Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội thông qua.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Liên hiệp hội cùng với các hội thành viên đã tiến hành tổng kết 10 năm (1998-2008) thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 11.11.1998 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp hội. Trên cơ sở Nghị quyết 27-NQ/TW và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, Liên hiệp hội soạn thảo một chiến lược phát triển Liên hiệp hội giai đoạn 2010-2020.
Kể từ sau Đại hội 5, Liên hiệp hội đã được đón tiếp và làm việc với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ngày 9.4.2007), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (3.7.2007 và 5.10.2007), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi (tháng 10.2009).
Phát huy vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp hội luôn luôn tích cực và chủ động hưởng ứng các phong trào do Mặt trận phát động, đặc biệt là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo sự hiệp thương và hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc các cấp, 16 đại biểu của các tổ chức thuộc Liên hiệp hội đã được bầu vào Quốc hội khóa 12.
Kế thừa những kết quả đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước, Liên hiệp hội tích cực ký kết và thực hiện các văn bản thỏa thuận với các tổ chức và cơ quan khác, như Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Hội Khuyến học Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong việc vinh danh các nhà khoa học, tuyển chọn công trình và trao tặng giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam, tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc…
Nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác giáoo dục và đào tạo, một mặt Liên hiệp hội và các hội thành viên đã áp dụng hình thức dài hạn với gần chục trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề được thành lập, hàng vạn sinh viên, học viên được đào tạo và cấp chứng chỉ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị, kinh doanh. Mặt khác, hình thức ngắn hạn được áp dụng phổ biến với hàng ngàn khóa đào tạo chuyên môn, hàng vạn lớp tập huấn dành cho các cán bộ hội và các tầng lớp nhân dân.
Bằng nguồn tài chính huy động được từ các tổ chức ở trong và ngoài nước, Liên hiệp hội và các hội thành viên đã cấp hàng nghìn suất học bổng với tổng trị giá lên đến nhiều tỉ đồng cho các học sinh, sinh viên nghèo, vượt khó, học giỏi, trao phần thưởng cho các tập thể, cá nhân sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong việc tham gia nghiên cứu khoa học, hoặc học sinh đoạt giải trong các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc quốc gia về Toán học, Tin học, Cơ học, Hóa học và Vật lý.
Trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, mạng lưới gần 170 ấn phẩm định kỳ và khoảng 40 trang tin điện tử tạo thành lực lượng chủ yếu của Liên hiệp hội và các hội thành viên chiếm khoảng 1/3 tổng số báo chí khoa học và công nghệ cả nước.
Tiếp theo trang tin điện tử www.vusta.vn đã được thành lập và đi vào hoạt động từ nhiệm kỳ trước, việc triển khai dự án Cổng điện tử sẽ tăng cường tiềm lực công nghệ thông tin và phục vụ đắc lực cho mọi mặt hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên.
Kể từ khi thành lập vào ngày 19.8.2005 đến năm 2009, Nhà xuất bản Tri Thức đã cho ra đời khoảng 230 đầu sách, trong đó có hơn 20 đầu sách thuộc dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới với sự tài trợ của Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh.
Nhiều hình thức khác như xuất bản các tài liệu khoa học, tổ chức và tham gia cuộc triển lãm, duy trì các câu lạc bộ thời sự khoa hộc đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức của Liên hiệp hội và các hội thành viên.
Với đội ngũ chuyên gia phong phú, thuộc những lĩnh vực khác nhau, Liên hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường.
Tiếp tục thực hiện chức năng là một đầu mối kế hoạch khoa học và công nghệ theo Quyết định 1300-QĐ/KH ngày 19.8.1997 của Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường, Liên hiệp hội tổ chức và tạo điều kiện cho các hội thành viên và đơn vị 81 triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và dự án phát triển công nghệ, trong đó có đề tài “Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” tại 20 tỉnh, góp phần đưa xã Quý Lộc (H.Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) trở thành đơn vị “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.
Thông qua Bộ Kế hoạch - Đầu tư (từ năm 1994), trong 5 năm Liên hiệp hội tiếp tục triển khai 43 dự án điều tra cơ bản với kinh phí 7.500 triệu đồng.
Kể từ năm 2006, Liên hiệp hội trở thành đầu mối kế hoạch phân bổ kinh phí của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Nhờ vậy, việc triển khai 86 dự án bản vệ môi trường gặp nhiều thuận lợi, trong đó có những dự án được thực hiện trong hai năm. Năm 2009, Liên hiệp hội phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức thành công “Ngày môi trường thế giới” tại Hải Phòng và “Ngày làm sạch thế giới” tại tỉnh Phú Thọ.
Từ các nguồn nêu trên, trung bình hằng năm, Liên hiệp hội được cấp 21.653 triệu đồng (cả 5 năm là 108.265 triệu đồng) từ nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, hằng năm các hội thành viên và đơn vị trực thuộc còn huy động được khoảng 50 đến 100 tỉ đồng từ nguồn viện trợ của nước ngoài, 40 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và doanh nghiệp cho các hoạt động trên đây.
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội tiếp tục là hoạt động quan trọng của Liên hiệp hội và các hội thành viên. Trước hết đó là việc đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như Báo cáo chính trị trình Đại hội 10 của Đảng, Hiến pháp sửa đổi, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường, Luật Giáo dục bổ sung, sửa đổi, Luật về hội, Nghị định 88 bổ sung, sửa đổi. Cùng với nhiều hội thành viên, Liên hiệp hội tổ chức đánh giá và tư vấn về chất lượng chương trình giảng dạy, sách giáo khoa và thiết bị dạy học các trường phổ thông, đề án tài chính giáo dục, đề án tài chính y tế, kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, đạt hiệu quả tại khu công nghệ cao TP.HCM, hiệu quả các khu công nghiệp ở một số địa phương, quy hoạch xây dựng thành phố bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử, chương trình khai thác bô xít tại Tây Nguyên và nhiều dự án khác.
Tại các hội thành viên, nổi bật lên là các sự kiện Tổng hội Xây dựng Việt Nam công bố danh sách 59 công trình có thất thoát trong đầu tư xây dựng, đồng thời tuyên dương 31 công trình đạt chất lượng tiêu biểu trong 5 năm 2000-2005, Hội Giống cây trồng Việt Nam đánh giá “Dự án phát triển 1 triệu hecta lúa 2”, góp phần đưa kinh phí dự kiến từ 1.200 tỉ đồng xuống còn 46 tỉ đồng, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát hiện xăng pha aceton, sữa chế biến từ sữa bột nhưng lại được nhà sản xuất công bố là sữa tươi…
Hoạt động phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo của Liên hiệp hội, các hội thành viên tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giáo dục pháp luật, đào tạo tập huấn và nâng cao năng lực cộng đồng, phòng chống HIV/AIDS ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh phí phục vụ cho hoạt động này được huy động một phần từ các nguồn trong nước, còn phần chủ yếu từ các nguồn tài trợ quốc tế (trung bình hằng năm 2 - 3 triệu đô la Mỹ).
Trong nhiệm kỳ 5, hoạt động hợp tác quốc tế của Liên hiệp hội tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Cùng với việc duy trì sự hợp tác với các tổ chức liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN, Hiệp hội khoa học và công nghệ Trung Quốc (CAST), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ sư Lào (LUSEA), Liên hiệp hội đã thiết lập được quan hệ với các đối tác mới là Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Quỹ Rosa Luxemburg.
Trong khuôn khổ các quan hệ hợp tác đó, Liên hiệp hội đã cử các đoàn cán bộ đi thăm nhiều nước như các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đức… trong đó bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm của các đối tác, Liên hiệp hội cũng đã giới thiệu một số tình hình hoạt động thành công của các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam. Năm 2006, Liên hiệp hội đã phối hợp với Trung tâm Đông - Tây của Mỹ tổ chức thành công cuộc hội thảo về phát triển bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu quốc tế. Trong số các dự án hợp tác quốc tế, nổi bật lên là dự án “Nâng cao năng lực của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam” do Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tài trợ với tổng trị giá hơn 1,3 triệu đô la Mỹ.
Trong nhiệm kỳ 5 (2004-2009), trong danh sách các hội thành viên của Liên hiệp hội có thêm 10 hội ngành toàn quốc và 17 liên hiệp hội địa phương.
- Hội ngành toàn quốc
Năm 2005:
- Hội Kinh tế môi trường Việt Nam.
- Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
- Hội Môi trường giao thông vận tải Việt Nam.
- Hội Khoa học kỹ thuật hàng không Việt Nam.
Năm 2006:
- Hội Thống kê Việt Nam.
- Hội Cơ điện tử Việt Nam.
- Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Năm 2007:
- Hội Thư viện Việt Nam.
- Hội Nghề cá Việt Nam.
- Hội Thủy lợi Việt Nam.
- Liên hiệp hội địa phương
Năm 2005:
- Liên hiệp hội tỉnh Tiền Giang.
- Liên hiệp hội tỉnh Cao Bằng.
- Liên hiệp hội tỉnh Nam Định.
- Liên hiệp hội tỉnh Hà Nam.
- Liên hiệp hội tỉnh Hòa Bình.
Năm 2006:
- Liên hiệp hội tỉnh Quảng Bình.
- Liên hiệp hội tỉnh Kon Tum.
- Liên hiệp hội tỉnh Gia Lai.
- Liên hiệp hội tỉnh Vĩnh Long.
Năm 2007:
- Liên hiệp hội tỉnh An Giang.
- Liên hiệp hội tỉnh Bình Phước.
- Liên hiệp hội tỉnh Sóc Trăng.
- Liên hiệp hội tỉnh Bến Tre.
- Liên hiệp hội tỉnh Trà Vinh.
- Liên hiệp hội tỉnh Hậu Giang.
Với các hội thành viên mới được thành lập, đến thời điểm này, Liên hiệp hội có 123 hội thành viên, trong đó có 4 tổng hội, 64 hội ngành toàn quốc, 55 liên hiệp hội địa phương. Ngoài ra, trong toàn hệ thống Liên hiệp hội còn khoảng 500 đơn vị hoạt động theo Nghị định 81/2002/NĐ-CP, trong đó gần 250 đơn vị 81 do Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội thành lập.
Tại lễ kỷ niệm lần thứ 25 ngày truyền thống (26.3.1983 - 26.3.2008), Đảng và Nhà nước đã trao tặng Liên hiệp hội Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.