Một phân tích mới cảnh báo rằng số lượng ngày càng tăng các phòng thí nghiệm đang làm tăng nguy cơ vô tình phát tán các loại vi rút gây bệnh nguy hiểm.
Chuyên gia an toàn sinh học Filippa Lentzos thuộc Trường cao đẳng Hoàng gia London (Anh) cho biết: "Càng có nhiều phòng thí nghiệm và nhiều người làm việc với các mầm bệnh nguy hiểm thì rủi ro càng tăng lên".
Trên toàn thế giới, có 51 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4) tại 27 quốc gia, theo báo cáo của Phòng thí nghiệm Sinh học toàn cầu năm 2023 được công bố vào ngày 16.3. Các phòng thí nghiệm này có tiêu chuẩn an toàn và bảo mật ở mức cao nhất. Nhiều phòng thí nghiệm BSL-4 đã được xây dựng sau khi bệnh than tấn công nước Mỹ vào năm 2001.
Các phòng thí nghiệm BSL-4, chứa các mầm bệnh thực sự nguy hiểm như COVID-19, Ebola, vi rút Marburg chết người (tỷ lệ tử vong khoảng 88%). Nơi đây có thể nghiên cứu "thăm dò chức năng" (gain-of-function research), một phương pháp khoa học vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhằm tìm cách thao túng mầm bệnh để khiến chúng có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, biểu hiện tác động tiềm tàng của vi rút đối với con người.
Do đó, các phòng thí nghiệm này phải có nguồn cung cấp không khí chuyên dụng riêng, nhân viên phải mặc bộ quần áo điều áp với nguồn cung cấp oxy riêng và họ chỉ sử dụng các tủ an toàn sinh học an toàn nhất. Ngoài ra, phòng thí nghiệm BSL-4 nên được đặt trong một tòa nhà riêng biệt (trong khu vực bị hạn chế ra vào) với các phòng nghiên cứu khác.
Song 3/4 số phòng thí nghiệm BSL-4 lại ở khu vực thành thị, tạo ra rủi ro cho nhiều người hơn nếu mầm bệnh thoát ra ngoài. 18 phòng thí nghiệm BSL-4 dự kiến sẽ mở cửa trong vài năm tới, hầu hết ở các nước châu Á như Ấn Độ và Philippines, những nơi muốn tăng cường ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Báo cáo cũng ghi nhận 57 phòng thí nghiệm BSL-3+, là nhóm cơ sở có mức an toàn sinh học cao hơn 3, nhưng thấp hơn 4 đang hoạt động, chủ yếu ở châu Âu. Các nhà nghiên cứu thường sử dụng các phòng thí nghiệm này để nghiên cứu mầm bệnh động vật như cúm gia cầm H5N1 độc lực cao.
Mặc dù hầu hết các phòng thí nghiệm BSL-4 và BSL-3+ đều ở châu Âu và Bắc Mỹ song châu Á cũng là nơi có nhiều cơ sở nghiên cứu mầm bệnh nguy hiểm ở người và động vật. Số lượng phòng thí nghiệm BSL-4 sẽ tăng gấp đôi trong vài năm tới.
Những lo ngại về việc ngày càng có nhiều phòng thí nghiệm BSL-4 và BSL-3 không phải là mới song mức độ đã gia tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2019. Bà Lentzos cho biết việc số lượng các phòng thí nghiệm gia tăng là điều đáng lo ngại, đặc biệt là ở châu Á, do khu vực này thiếu các chính sách quản lý rủi ro sinh học. Bên cạnh đó các quy tắc an toàn tại cơ sở BSL-3+ vẫn chưa được chuẩn hóa.
Báo cáo nói trên cho thấy mầm bệnh phổ biến nhất đang được nghiên cứu tại các cơ sở BSL-3+ là cúm gia cầm. Một số nhà khoa học lo ngại đây chính là vi rút có khả năng gây ra đại dịch tiếp theo, sau COVID-19.
Từ năm 1963 - 1978, trước khi hướng dẫn BSL-4 có hiệu lực, 80 người ở Anh đã bị nhiễm bệnh và 3 người chết khi vi rút đậu mùa bị rò rỉ từ hai phòng thí nghiệm. Một nhiếp ảnh gia y tế tại Trường Y Birmingham tử vong sau khi hệ thống thông gió bị lỗi từ phòng thí nghiệm ở tầng dưới khiến cô bị nhiễm vi rút.
Trên thế giới, đã có ít nhất 6 trường hợp được ghi nhận về việc SARS1, loại vi rút đe dọa lây lan khắp thế giới vào đầu những năm 2000, thoát khỏi các phòng thí nghiệm vi rút học ở Trung Quốc đại lục, Singapore và Đài Loan.