Lộ trình thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sắp sửa được đưa ra nhằm giải quyết một phần bài toán thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, việc thoái vốn nói trên không nhằm nhiều vào mục tiêu ngân sách mà hướng tới những lợi ích lâu dài hơn.

Bài toán ngân sách và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

Một Thế Giới | 20/11/2015, 07:49

Lộ trình thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sắp sửa được đưa ra nhằm giải quyết một phần bài toán thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, việc thoái vốn nói trên không nhằm nhiều vào mục tiêu ngân sách mà hướng tới những lợi ích lâu dài hơn.

Thâm hụt ngân sách, thoái vốn giải "nguy"
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về Tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước tháng 10.2015 và kế hoạch trọng tâm tháng 11.2015 của ngành Tài chính, tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2015 đạt 777.000 tỉ đồng, bằng 85,3% dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2014. 
Tuy nhiên, chi ngân sách trong 10 tháng đã lên tới 918.400 tỉ đồng, bằng 80,1% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, chi trả nợ và viện trợ trong 10 tháng là 127.300 tỉ đồng; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 10 tháng là 645.100 tỉ đồng. Về cân đối NSNN, bội chi NSNN 10 tháng ước tính lên tới con số 141.400 tỉ đồng, bằng 62,6% dự toán năm.
Trong bối cảnh ngân sách hết sức khó khăn như hiện nay, Chính phủ đưa ra “nước cờ” thoái vốn 10 DNNN với giá trị vốn hóa thị trường được tính rơi vào khoảng 7 tỉ USD. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), quyết định này của Chính phủ đang cho thấy những bước đi và thay đổi rất tích cực từ phía chính sách, đồng thời còn hỗ trợ cho bài toán cân đối thu chi ngân sách, vốn đang gặp nhiều thách thức không chỉ trong năm 2015 mà còn cả 2016. Một số “ông lớn” hay doanh nghiệp “gà đẻ trứng vàng” được đưa ra để thực hiện “nước cờ” thoái vốn, trong đó có: CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom), Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia. 
Đây là những doanh nghiệp từng được đưa vào danh mục đầu tư dài hạn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), theo đề án tái cơ cấu phê duyệt cuối năm 2013. Việc bán bớt cổ phần Nhà nước tại một số doanh nghiệp, theo như Chính phủ dự kiến sẽ thu về 10.000 tỉ đồng trong năm nay và 30.000 tỉ đồng trong năm 2016. 
Song, với động thái này, Ủy ban Tài chính ngân sách lại khuyến nghị, đây chỉ là một giải pháp mang tính ngắn hạn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NSNN sẽ tiếp tục gặp áp lực trong thời gian tới vì tình hình chi vượt thu, đầu tư công lớn. Ngoài ra, do kinh tế còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguồn thu từ thuế giảm, thêm vào đó là lộ trình giảm thuế nhập khẩu khi nước ta tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 
Thoái vốn ở các ngành nghề nhà nước không cần nắm giữ
Không thể phủ nhận việc SCIC thoái hết vốn tại 10 DNNN là một giải pháp quan trọng giúp cải thiện thị trường tài chính, dù là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc thoái vốn này không nhằm vào mục tiêu ngân sách, mà điều này nằm trong kế hoạch thực hiện định hướng của Chính phủ là thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (quan điểm của ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính). 
Những lĩnh vực kinh doanh của 10 doanh nghiệp cần thoái vốn đều là những ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ. Chính vì vậy, nếu bỏ qua vấn đề rằng đây là giải pháp giải quyết bài toán ngân sách thì rõ ràng việc thoái vốn trên sẽ mở ra cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường VCBS lấy ví dụ cụ thể ở Vinamilk, việc mở cửa cho tư nhân, Vinamilk có thể thay đổi cách làm, cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại. Việc thoái vốn có thể đưa Vinamilk từ doanh nghiệp đầu ngành sữa ở Việt Nam đến dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. 
Mới đây, Chính phủ vừa yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, nơi Nhà nước đang nắm giữ phần vốn tương đương khoảng 3 tỉ USD. Đây cũng là những doanh nghiệp có cổ phiếu được nhà đầu tư, trong đó có khối ngoại chờ đón trên sàn chứng khoán. Trong đó, câu chuyện bán vốn Nhà nước từ “ông lớn” Vinamilk như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất đang được nhiều chuyên gia trong ngành bàn luận. Có nhiều phương án được đưa ra như: nới tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài để tăng giá trị, thông qua sàn chứng khoán và đấu giá toàn bộ cổ phần.

10 doanh nghiệp nằm trong danh sách SCIC cần thoái hết vốn bao gồm: tổng CTCP Bảo Minh (tỉ lệ vốn nhà nước đang nắm giữ là 50,7%); tổng CTCP tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (40,4%); CTCP cơ khí và khoáng sản Hà Giang (46,6%); CTCP nhựa thiếu niên Tiền Phong (37,1%); CTCP hạ tầng và bất động sản Việt Nam (47,6%); CTCP nhựa Bình Minh (38,4%); CTCP sữa Việt Nam (45,1%); CTCP xuất nhập khẩu Sa Giang (49,9%); CTCP FPT (6,0%); CTCP viễn thông FPT (50,2%).

Trang Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài toán ngân sách và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước