Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, doanh nghiệp Việt hiện nay thiếu cạnh tranh, thiếu liên kết, lệ thuộc Nhà nước, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo…

Doanh nghiệp Việt lệ thuộc, chộp giật, chậm đổi mới, tầm nhìn ngắn hạn…

Một Thế Giới | 19/11/2015, 05:25

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, doanh nghiệp Việt hiện nay thiếu cạnh tranh, thiếu liên kết, lệ thuộc Nhà nước, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo…

Doanh nghiệp Việt “chậm lớn”

Trong hội thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP”, PGS.TS Trần  Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp Việt hiện nay thiếu cạnh tranh, thiếu liên kết, lệ thuộc Nhà nước, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo, chậm lớn, khó trưởng thành. Doanh nghiệp có tầm nhìn nhỏ hẹp và ngắn hạn, động cơ chộp giật, kiếm chác…

Trong khi đó, muốn phát triển công nghiệp buộc phải chú trọng đến các ngành công nghệ cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở Việt Nam tham gia ngành công nghệ cao chỉ chiếm 2%, nhưng đa số tham gia công đoạn có  giá trị gia tăng thấp.

Các doanh nghiệp ngành công nghệ thấp chiếm tới 55%. Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm tuyệt đại đa số (95-96%), thiếu các Tập đoàn tư nhân lớn làm trụ cột

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, công nghiệp Việt Nam hiện nay đang hết sức lạc hậu, rời rạc, ở đẳng cấp rất thấp và lệ thuộc.

Trong một báo cáo mới đây của Bộ KHCN đã chỉ ra rằng, phần lớn các doanh nghiệp Việt nam đang sử dụng công nghệ (CN) tụt hậu 2 – 3 thế hệ so với trung bình thế giới; 80% - 90% CN đang sử dụng là ngoại nhập; 76% máy móc, dây chuyền CN nhập thuộc thế hệ 1950–1960, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% là đồ tân trang.

Tính chung, thiết bị hiện đại chỉ 10%, trung bình: 38%, lạc hậu và rất lạc hậu: 52%. Đặc biệt ở khu vực sản xuất nhỏ, thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm 75%. Tỷ lệ sử dụng CN cao chỉ 2% so với 31% của Thái Lan; 51% của Malaysia và 73% của Singapore.

Theo TS Thiên, ở Việt Nam chưa chú trọng phát triển tăng trưởng kinh tế dựa vào năng suất lao động và hiệu quả đầu tư, hay còn gọi là năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Đây là tăng trưởng theo chất lượng, phát triển theo chiều sâu và các quốc gia phát triển trên thế giới đều đi theo hướng này.

Trong khi đó, ở Việt Nam tốc độ tăng TFP quá thấp chỉ chưa đến 1% (2008-2013), trong khi Trung Quốc là 4%, Indonesia gần 2%. Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ASEAN.

Ông Thiên cũng cho rằng, Việt Nam hiện nay đã có công nghiệp công nghệ cao, muốn phát triển ngành công nghiệp và để tận dụng được các lợi thế trong TPP cần phải chú trọng phát triển công nghệ cao. Thời đại đang chuyển sang công nghệ cao rất nhanh, công nghệ và trí tuệ quyết định thành công.

Ngoài ra, ông Thiên cũng đưa ra nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam GDP 200 tỉ USD nhưng có rất nhiều cảng biển và vô số khu công nghiệp. Điều này không hợp lý và hiệu quả chưa xứng với tiềm năng.

Công nghệ quyết định sự phát triển.

Theo ông Thiên, cục diện mới của xã hội hiện đại sẽ rất khác. Lực lượng sáng tạo tri thức và vận hành công nghệ có vai trò quan trọng. Nước nào vươn nhanh về công nghệ sẽ thắng.

Bên cạnh đó, ở thời đại toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập sâu rộng, hình thành các mạng lưới, chuỗi sản phẩm toàn cầu và tuân theo luật chơi toàn cầu đẳng cấp cao.

Song song với đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ của “những gã khổng lồ” sẽ nảy sinh cục diện phát triển mới (phá vỡ cân bằng cũ) và bùng nổ lực lượng trung lưu. Trong đó, phát triển tốc độ cao là thuộc tính cơ bản. Đồng thời tiềm ẩn xung đột, bất ổn, bất định, khó dự đoán, rủi ro cao.

Viện Trưởng Viện Kinh tế Trung Ương cũng đưa ra các điều kiện và lợi thế mới mà Việt Nam đang có như các tuyến đường cao tốc mới, triển vọng sân bay Long Thành, Cái Mép – Thị Vải là cảng trung chuyển quốc tế, triển vọng kênh đào Kra (cắt ngang Thái Lan), Trung tâm mới nổi Đô thị cảng Dawey (Myanma), các tuyến hội nhập mới: TPP, AEC, FTA Việt Nam-EU, FTA Việt Nam-Hàn Quốc…

Và để tận dụng được thời cơ và phát triển, ông Thiên cho rằng, Việt Nam không lệ thuộc nhập khẩu đầu vào. Phải có định hướng công nghệ cao, vươn lên, tránh bẫy thu nhập trung bình.

Công nghiệp phải dựa trên nền tảng khu vực doanh nghiệp nội địa (tư nhân), trụ cột là các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Căn cứ vào lợi thế tĩnh (tài nguyên nông nghiệp nhiệt đới và tài nguyên du lịch) và tạo ra lợi thế động (nguồn nhân lực kỹ năng).

Cần thiết phải định vị tương lai, nghiên cứu xem nước công nghiệp nào là hình mẫu cho Việt Nam. Theo ông Thiên, đi sau, thuộc Đông Á, nên chọn mẫu Hàn Quốc, cả chân dung cơ bản lẫn cách thức triển khai. Đi sau, nhưng không “đi theo” mà đi khác để tiến vượt lên.

Ngoài ra, phải đổi mới mô hình tăng trưởng là sống còn: triệt để thị trường hiện đại như áp dụng kinh tế thị trường: khu vực tư nhân là động lực chính, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn là trụ cột.  Nhà nước pháp quyền cần bảo đảm dân chủ, phục vụ thị trường và quản lý quá trình hội nhập. 

Hoàng Long

Bài liên quan
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6
Ngày 15.1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam". Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp Việt lệ thuộc, chộp giật, chậm đổi mới, tầm nhìn ngắn hạn…