Một con gà khoảng 3 kg đang được bán với giá chỉ khoảng 20.000 đồng, rẻ hơn giá rau. Mức giá này khiến nhiều người nuôi phải “khóc ròng” vì lỗ nặng.
Giá gà thấp chưa từng thấy, rẻ hơn giá rau
Hiện nay, giá gà công nghiệp tại nhiều tỉnh thành phía Nam đang xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg. Đây được coi là mức giá thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi của Việt Nam. Giá gà quá rẻ trong bối cảnh các tỉnh thành khu vực phía Nam do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 khiến nhiều hộ chăn nuôi phá sản phải treo chuồng. Thực trạng này được nhiều địa phương phản ánh với tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Tây Ninh, hiện nay, giá gà trắng trên địa bàn đã giảm xuống còn khoảng 7.000 đồng/kg. Một con gà khoảng 3kg, giá bán chỉ khoảng 20.000 đồng, rẻ hơn cả giá 1 ký rau.
Không chỉ giá xuống thấp, các trại chăn nuôi gà ở Tây Ninh đang phải “kêu trời” vì hầu như không tiêu thụ được. Trên địa bàn tỉnh này đang có khoảng 1 triệu con gà trắng bị ế đọng. Vì thế, một số cơ sở chăn nuôi phải đốt bỏ hàng triệu con gà con do không có chuồng để thả nuôi và khó khăn về nguồn thức ăn. Đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi điều này đồng nghĩa với việc sẽ thiếu hụt hàng triệu con gà thương phẩm khi thị trường thịt gà trở lại bình thường.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ nhiệm hợp tác xã chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát (chủ một chuỗi 7 trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho biết năm 2020, dịch COVID-19 khiến gà công nghiệp lông trắng rớt giá xuống 8.000 đồng nhưng cũng chỉ có vài ngày là phục hồi, bật tăng. Còn năm nay, người chăn nuôi gà vô cùng khốn khổ khi giá gà đang giảm sâu, chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng.
“Giá gà chưa biết khi nào chạm đáy, khả năng sẽ còn giảm tiếp và điều khiến người chăn nuôi lo lắng hiện nay là giá gà rất rẻ rồi mà vẫn không thể xuất bán”, ông Quyết nói.
Về nguyên nhân khiến giá gà giảm sâu như hiện nay, ông Quyết cho rằng ở khu vực phía Nam, nhiều cơ sở giết mổ gia cầm quy mô lớn đã ngừng hoạt động. Trong khi đó, chăn nuôi ở quy mô công nghiệp thì gà phải qua giết mổ mới có thể đưa đến các kênh tiêu thụ, đây chính là mấu chốt khiến hàng triệu con gà đang tồn trong trại.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà (đơn vị chiếm thị phần lớn về thịt gà tại TP.HCM) cũng thông tin San Hà nói riêng và người nuôi gà nói chung đang phải khóc với giá gà.
Bà Hà nói rằng năm nay, do giá thức ăn tăng cao, nên giá thành gà trắng nuôi trong chuỗi liên kết của San Hà lên tới 25.000-26.000 đồng/kg. Khi dịch bệnh bùng phát, TP.HCM và các tỉnh trong khu vực phải giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ gà trắng giảm tới một nửa bởi hàng loạt nhà máy đóng cửa, sinh viên, học sinh cũng đang phải nghỉ ở nhà. Cộng với những khó khăn trong khâu lưu thông, giá gà trắng trên thị trường đã giảm mạnh xuống còn 8.000 đồng/kg.
Trong khi đó, mỗi con gà mà San Hà thu mua trong chuỗi liên kết vẫn theo mức giá ấn định trong hợp đồng, vào khoảng 40.000 đồng/con. Cộng với các chi phí giết mổ, vận chuyển, giá thành một con gà thành phẩm là 60.000 đồng/con. Nhưng do giá gà hơi trên thị trường giảm mạnh, San Hà phải bán ra với giá khoảng 40.000 đồng/con. Mỗi ngày San Hà đưa ra thị trường khoảng 50.000 con gà nên đang bị lỗ khoảng 1 tỉ đồng/ngày.
Cần kích hoạt lò mổ hoạt động trở lại
TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho hay qua ghi nhận, tại các tỉnh phía Nam có khoảng 60 triệu con gia cầm đến ngày xuất chuồng nhưng đang tắc đầu ra. Gà trắng ở Nam Bộ đang ứ đọng với số lượng rất lớn, nếu kéo dài nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản. Do đó, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ gà trắng cần phải giải quyết ngay những điểm nghẽn trong khâu lưu thông và giết mổ.
Các khu giết mổ tập trung hiện gần như không hoạt động vì dịch COVID-19. Nếu như tắc ở khâu giết mổ, gà vẫn ở chuồng không bán được thì người chăn nuôi không thể vào đàn mới, hậu quả sẽ là đứt gãy sản xuất, một thời gian sau sẽ thiếu hụt nguồn cung thực phẩm.
“Giải pháp hiện giờ là cho phép lò giết mổ hoạt động hết công suất để cứu giá gia cầm, giá lợn hơi. Các tỉnh cần ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động ở các lò giết mổ, đội ngũ vận chuyển để duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng”, ông Sơn đề nghị.
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng việc cơ sở giết mổ dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay, ông Nam đề nghị các địa phương bằng mọi biện pháp phải “giữ bằng được” các cơ sở giết mổ, không để dịch xâm nhập vào.
Ông Nam cũng đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm chống dịch tại các cơ sở giết mổ, vừa thực hiện nguyên tắc "5K”, nhưng đồng thời phải xét nghiệm cho người lao động, để kích hoạt các lò mổ hoạt động trở lại.