Ngay cả trong giai đoạn tỏa sáng rực rỡ nhất của mình, mỗi người đều có mặt tối - như vùng tối của mặt trăng.
Chúng ta chỉ thấy được phía đang tỏa sáng của mặt trăng
Lúc đó là năm giờ rưỡi sáng và vợ chồng tôi đang lái xe băng qua sa mạc Arizona dưới những tia sáng đầu tiên trong ngày. Chúng tôi cố gắng đi được càng xa càng tốt trước khi ba đứa trẻ tỉnh giấc ở băng ghế sau.
Những tia sáng màu hồng pha vàng chiếu xuyên qua bầu trời, bắt đầu thắp sáng những vách đá đỏ và những đỉnh núi dọc theo đường cao tốc, trong khi vầng trăng tròn phát ra quầng sáng trắng nổi bật trước khi nói lời tạm biệt. Đó là một trong những khoảnh khắc ấn tượng mà bạn thừa biết không có chiếc máy ảnh nào có thể nắm bắt trọn vẹn.
Khi tôi đang mải mê với bầu trời hừng đông nơi sa mạc thì vợ tôi, Naomi, cảm thán một câu khiến tôi giật mình như thể vừa có hòn đá bắn vào cửa kính xe: “Anh biết không, cách chúng ta nhìn nhận thành công của người khác cũng giống với khi chúng ta nhìn mặt trăng - chúng ta chỉ thấy được phía đang tỏa sáng mà không thể thấy được vùng tối phía sau”.
Suy nghĩ của cô ấy thật sự khiến tôi tỉnh cả người, mặc dù khi đó tôi đang trong hành trình lái xe hai mươi tiếng cùng ba đứa trẻ, chỉ mới ngủ được vài giờ ít ỏi và uống vội một cốc cà phê ở trạm xăng.
Tôi ngẫm nghĩ những lời của vợ mình. Ngay cả trong giai đoạn tỏa sáng rực rỡ nhất của mình, mỗi người đều có mặt tối - như vùng tối của mặt trăng. Cho dù trông có vẻ thành công đến mức nào đi nữa, ai cũng đều có “mặt trái”, nơi không rạng rỡ hoặc hiển hiện trước mắt người khác.
Có thể nói, mỗi bức ảnh đăng trên Instagram hay Facebook luôn có một câu chuyện mà người ta không thể hiện rõ qua bức ảnh đó. Ví dụ như bức ảnh chụp gia đình tôi đứng trước Hồ Treo trên đỉnh núi ở Colorado. Đó là một bức ảnh tuyệt đẹp - gia đình tôi đứng sát bên nhau trước một thác nước hùng vĩ đổ vào một hồ nước trong xanh ở độ cao hơn hai ngàn mét trên đỉnh núi. Đó cũng là một chuyến leo núi khó quên.
Mọi câu chuyện đều luôn có hai mặt
Thế nhưng lý do chúng tôi túm tụm vào nhau như thế là vì tuyết rơi không ngừng trong suốt chuyến đi! Điều khiến chuyến đi trở nên khó quên là ở mỗi chặng khác nhau, tôi đều tự hỏi liệu chúng tôi có thể quay về an toàn không. Tôi bắt đầu tưởng tượng hai chúng tôi được lên bản tin lúc mười giờ, nội dung là một đôi vợ chồng đã thiếu suy nghĩ khi mang theo con nhỏ đi bộ lên núi, trong khi ở ngay chân núi người ta đã cắm một biển báo to đùng với đại ý: “Này, những kẻ ngốc! Cung đường này rất khó đi. Đừng mang theo trẻ nhỏ hoặc chó. Chúng tôi sẽ không mang trực thăng đến để giải cứu đâu!”.
Có một thời điểm, tôi vừa bế đứa con tám tháng tuổi đang sốt cao vừa cõng đứa bốn tuổi đang khóc không kiểm soát được trên lưng tôi. Thật ra thì đứa trẻ nào cũng khóc không kiểm soát. Rồi điều tất yếu xảy ra: tuyết bắt đầu rơi dày đặc trên đường chúng tôi đi bộ trở xuống, con đường mòn phủ đầy những tảng đá trơn ướt. Tôi trượt chân một lần và suýt mang theo hai đứa trẻ ngã lăn quay xuống những tảng đá bên dưới.
Bằng cách nào đó chúng tôi đã quay về an toàn, nhưng bây giờ mỗi lần nghe tôi nhắc đến chuyện leo núi là mấy đứa nhỏ lại bắt đầu nhăn nhó và giả vờ không khỏe. Và đương nhiên bạn không thể nào biết được đầu đuôi câu chuyện này khi chỉ nhìn vào bức ảnh tôi đã đăng trên Instagram.
Mọi bức ảnh chụp, mọi cuộc đời, mọi câu chuyện đều luôn có hai mặt, cũng giống như hai mặt của mặt trăng vậy. Mặt trời không thể cùng lúc chiếu sáng tất cả các vùng của mặt trăng, cũng như không mấy ai có thể thật sự nói rằng mọi phương diện trong cuộc sống trưởng thành của họ đều rất tốt đẹp và diễn ra đúng như dự định. Và theo kinh nghiệm thương đau của tôi,những người nói như vậy một cách dõng dạc và tự hào nhất thường là những người có “vùng tối của mặt trăng” tối tăm nhất.
Trong khi vợ tôi tiếp tục chiêm nghiệm “Thuyết đường trường so sánh hai mặt của mặt trăng” của cô ấy, tôi lại nảy ra một ý nghĩ khác về mặt trăng.
Bất kể bạn thấy mặt trăng trông như thế nào trên bầu trời - một mảnh sáng mờ nhạt hoặc hoàn toàn bị che khuất sau những đám mây, hay tròn đầy và sáng lung linh - thì mặt trăng vẫn luôn có kích thước như vậy, không hề thay đổi.
Một số người có vẻ luôn tỏa ra hào quang rạng rỡ, trong khi chúng ta có lúc không biết ánh sáng của mình đã lạc mất ở đâu. Thế nhưng chúng ta đều là con người. Chúng ta có cùng “kích cỡ”.
Không ai có tầm quan trọng và giá trị ít hay nhiều hơn ai. Ngay cả khi bạn cảm thấy ánh hào quang của người nào đó có vẻ chói lòa đến nhức mắt, thì họ cũng có kích thước như bao người khác mà thôi. Chỉ là bạn không thể nhìn thấy điều đó từ góc độ của mình.