Như thường lệ, cứ vào dịp Trung thu, người tiêu dùng lại đặt ra những câu hỏi thường trực về chất lượng sản phẩm, về an toàn thực phẩm, về giá trị dinh dưỡng, nguồn gốc thành phần của nguyên liệu... làm bánh Trung thu.

Bánh trung thu: Góc nhìn về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm

Một Thế Giới | 03/09/2015, 10:15

Như thường lệ, cứ vào dịp Trung thu, người tiêu dùng lại đặt ra những câu hỏi thường trực về chất lượng sản phẩm, về an toàn thực phẩm, về giá trị dinh dưỡng, nguồn gốc thành phần của nguyên liệu... làm bánh Trung thu.

Đa dạng về kiểu dáng và chủng loại
Mặc dù mới tháng 7 âm lịch, nhưng như một thông lệ, chuẩn bị đến Tết Trung thu là trên thị trường có rất nhiều dòng sản phẩm bánh Trung thu phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Các chủng loại bánh đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng riêng biệt như người tiểu đường, béo phì, cao huyết áp... 
Các sản phẩm bánh Trung thu này thông thường được sản xuất từ 3 nguồn: bánh Trung thu của các công ty (hãng), bánh của các nhà sản xuất tư nhân (thủ công) và của các gia đình tự sản xuất (gọi là bánh home-made). Nếu trước đây chỉ có bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm theo truyền thống, thì bây giờ các loại bánh rất đa dạng: bánh gà quay, lạp xưởng, bào ngư, nấm đông cô, hải sâm, trứng… đến khoai môn, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, hạt sen, sữa dừa, rau câu… và một số loại bánh chay, bánh cho người ăn kiêng, tiểu đường, béo phì...
Bánh Trung thu cổ truyền thường ít hương vị, bao bì không hấp dẫn, độ ngọt cao và chất béo nhiều. Tuy nhiên do giữ được nét truyền thống, lại là bánh gia truyền nên được người lớn tuổi và trẻ nhỏ ưa thích. Ngoài ra các loại bánh home-made cũng đang rất thịnh hành, bánh này hình thức tuy không đẹp nhưng ghi điểm bằng sự sáng tạo, mới lạ cũng như nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, những người trẻ thường thích các loại bánh hiện đại của các công ty sản xuất theo dây chuyền với bao bì đẹp mắt.
Trước kia, bánh Trung thu sản xuất với số lượng ít, phục vụ chủ yếu là đối tượng trẻ em. Nhưng ngày nay Tết Trung thu không chỉ của thiếu nhi mà cả của người lớn, thậm chí Tết Trung thu còn được “biến tấu” phục vụ nhu cầu biếu xén (một hộp bánh kèm theo một chai rượu quý giá). Số lượng bánh được sản xuất hàng năm đã lên tới vài nghìn tấn và số lượng tăng dần từ 10-15%/ năm (trong đó số lượng sản xuất của tư nhân và gia đình chưa thống kê được).
Do phải cung cấp số lượng lớn ra thị trường, các công ty thường phải sản xuất trước đó vài tháng, mặc dù thời hạn sử dụng thông thường của dòng sản phẩm này chỉ từ 1 - 2 tháng. Lợi nhuận của bánh Trung thu cao, các hãng đua nhau sản xuất khối lượng lớn, giá chiết khấu cho các đại lý rất cao thậm chí lên tới trên 30%, vì thế bánh được bày bán khắp nơi, trên các vỉa hè - nơi rất đặc trưng mà chỉ có mùa Tết Trung thu mới xuất hiện.
Banh trung thu: Goc nhin ve dinh duong va an toan thuc pham-hinh-anh-1
Trước kia, bánh Trung thu sản xuất với số lượng ít, phục vụ chủ yếu là đối tượng trẻ em. Nhưng ngày nay Tết Trung thu không chỉ của thiếu nhi mà cả của người lớn.
Thành phần dinh dưỡng của bánh Trung thu
Bánh Trung thu rất ngọt và béo ngậy, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng. Với trẻ thừa cân béo phì và những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng, đây là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe. Những trẻ trẻ thừa cân béo phì sẵn sàng thanh toán gọn ghẽ, thậm chí bánh càng ngọt càng béo chúng lại càng thích. Vì vậy, sau tết Trung thu, bao nhiêu công tập luyện, chế độ ăn kiêng của trẻ trước đó coi như vô ích.
Về thành phần dinh dưỡng của 1 chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170 gam, nó cung cấp 566 Kcal, 16,3 g đạm, 6,6 g lipid, 110,2 g glucid; 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648 Kcal (năng lượng gấp 2 – 2,5 lần bát phở bò). Còn trong 1 cái bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706 kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; 1 chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g cung cấp 648 Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid. Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2 – 3 bát cơm (1 bát cơm 258 g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.
Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.
Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại, chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng có chút acid béo không no có lợi. Lượng chất béo trong 1 chiếc bánh Trung thu bằng 1 – 2 lần lượng chất béo trong 1 bát phở bò hoặc phở gà. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt sẽ dẫn đến bị ôi, mốc gây ra ngộ độc. Các vitamin trong bánh Trung thu không nhiều, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.
Góc độ an toàn thực phẩm của bánh Trung thu
Bánh Trung thu là một sản phẩm có chứa nhiều loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia... Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm: dùng thực phẩm bị ôi thiu; thực phẩm nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh (nấm mốc, tụ cầu, tả, lỵ,...); nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh, chất bảo quản, chất tạo màu cấm sử dụng); sản phẩm quá thời hạn sử dụng, bảo quản không đúng yêu cầu; hoặc trong khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh (từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh)...
Bên cạnh đó, trong một chiếc bánh Trung thu thường có một gói hút ẩm, mặc dù vậy bánh không bảo quản được lâu (tối đa là 2 tháng sau khi xuất xưởng). Vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định, các công đoạn, các quy trình về an toàn thực phẩm, làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Những điều lưu ý khi chọn mua và sử dụng bánh Trung thu
Khi lựa chọn bánh Trung thu, để đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau:
Về nhãn mác: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng gồm: tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản... Sản phẩm phải có ngày sản xuất, có thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng.
Về chất lượng: Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ. Không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Về cách sử dụng: Ăn bánh Trung thu sẽ khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật. Vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ. Ăn xong trẻ cần súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là với bánh dẻo sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn.
Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Nếu ăn 1/2 cái bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm thì có thể cho trẻ hoạt động thể dục, đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.
Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và chất béo. Mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.
Theo Bs. Nguyễn Văn TiếnViện Dinh dưỡng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bánh trung thu: Góc nhìn về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm