Những phản ứng kiểu sáng nắng chiều mưa của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã thể hiện trong các vấn đề trên thế giới, bao gồm cả cuộc gặp gỡ gần đây với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã làm dấy lên những nghi ngờ về lòng thành của Mỹ giữa các đồng minh.

Báo chí Vùng Vịnh kêu gọi Mỹ hành động khi Trung Quốc bá quyền tại Biển Đông

29/06/2018, 14:15

Những phản ứng kiểu sáng nắng chiều mưa của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã thể hiện trong các vấn đề trên thế giới, bao gồm cả cuộc gặp gỡ gần đây với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã làm dấy lên những nghi ngờ về lòng thành của Mỹ giữa các đồng minh.

Trung Quốc chiếm đóng phi pháp một cơ sở trên Biển Đông - Ảnh: Internet

Chính sách bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông được thể hiện rõ qua các động thái quân sự hóa các thực thể trên biển gần đây, gây lo lắng cho quốc tế. Không chỉ các nước trong khu vực mà ngay các nước ở Vùng Vịnh cũng lo ngại. Cần nhớ, đường xuất khẩu dầu của các nước Vùng Vịnh sang Đông Bắc Á phải đi qua Biển Đông nên họ rất e ngại một nước nào đó định biến vùng biển quốc tế thành ao nhà.

Tờ báo hàng đầu Vùng Vịnh, Gulf News vừa có bài viết với tựa đề: Mỹ cần thể hiện vai trò lãnh đạo tại Biển Đông kèm theo tấm hình Trung Quốc như một chú bạch tuộc đe dọa an ninh tàu bè. Trong quan niệm phương Tây trước kia thì bạch tuộc là quái vật hung dữ trên biển còn bây giờ thì nó là hình ảnh mô tả sự bành trướng, thao túng, thâu tóm và tham lam.

Bài viết trên Gulf News dùng hình ảnh bạch tuộc để mô tả tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông

Trong bài viết, tác giả Manik Mehta nhận định: "Tại Diễn đàn đối thoại Shangri-La gần đây ở Singapore, những hiểm họa ở Biển Đông đã được nêu bật. Các chuyên gia an ninh mô tả khu vực là "chiến trường trong tương lai", nơi các nước nhỏ e ngại chủ quyền của họ bị đe dọa bởi Trung Quốc đang phô trương sức mạnh hải quân và không quân".

"Trung Quốc thường sử dụng “lý do lịch sử” (tác giả để cụm từ "lý do lịch sử" trong ngoặc kép) để khẳng định chủ quyền đối với các đảo, trong khi Mỹ cho rằng tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế là quyền của mọi quốc gia và sử dụng nó để chống lại sự thống trị của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ muốn một "trật tự có nguyên tắc" ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương".

Trung Quốc đơn phương khẳng định chủ quyền hơn 80% Biển Đông, một huyết mạch hàng hải 5 nghìn tỉ USD mỗi năm. Trong động thái đáng chú ý, Mỹ đã thay đổi danh xưng của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", để Ấn Độ tham gia vào cuộc chơi trong khu vực như Lầu 5 góc kỳ vọng.

Nhưng những phản ứng kiểu sáng nắng chiều mưa của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã thể hiện trong các vấn đề trên thế giới, bao gồm cả cuộc gặp gỡ gần đây với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã làm dấy lên những nghi ngờ về lòng thành của Mỹ với các đồng minh. Những thông điệp không rõ ràng của Mỹ đã khiến các đối tác cảm thấy khó hiểu. Điều này có thể dẫn tới việc họ quay sang bắt tay với Trung Quốc.

Theo tác giả Manik Mehta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có quan điểm giống như người tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ Ash Carter về tự do hàng hải trên Biển Đông và hưởng ứng sự phản đối của quốc tế đối với các tuyên bố lãnh hải đơn phương của Trung Quốc.

Ông Mattis kêu gọi sự đoàn kết giữa các đồng minh, đặc biệt với các nước ASEAN, vốn cảm thấy chủ quyền của họ đang bị Trung Quốc đe dọa. Mattis thấy rằng thái độ hung hăng của Trung Quốc có thể dẫn đến sự cô lập quốc tế, buộc họ phải xem lại hành động của mình. Chính vì vậy, Mỹ đã loại Trung Quốc khỏi cuộc tập trận Rimpac năm nay - một "hình phạt nhỏ" bắt Trung Quốc phải trả giá, theo Mattis.

Nhưng những tuyên bố của Mattis hay kể cả việc thực hiện hình phạt nhỏ kia cũng không làm các đối tác của Mỹ ở châu Á yên tâm. Theo tác giả Manik Mehta, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng khiến các quốc gia châu Á hoài nghi. Đáng ra Mỹ cần tham gia TPP để tạo niềm tin và củng cố liên kết với các nước châu Á trong một khối do Mỹ dẫn đầu thì họ làm ngược lại, đẩy các đối tác ra xa vòng tay.

Vì thế thái độ của Đông Nam Á với Trung Quốc càng thận trọng. Tác giả Manik Mehta viết: "Nỗi lo sợ chính sách bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đi kèm với sự hoài nghi gia tăng đối với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI). Có sự lo lắng rằng "các khoản đầu tư" được hứa hẹn, trên thực tế là các khoản vay làm cho các quốc gia yếu thế rơi vào tình trạng thiếu nợ và phụ thuộc vào Trung Quốc".

Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, sau khi đắc cử, đã xếp xó các phán quyết của Tòa án Hague vốn ủng hộ Philippines trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Thay vào đó, Duterte đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để đổi lấy một số lợi ích kinh tế. Mặc dù Duterte gần đây đã chỉ trích Trung Quốc về tranh chấp về nguồn lợi trên biển, nhưng thái độ lâu dài của ông đối với Bắc Kinh có thể rất phụ thuộc vào việc chính quyền Trump có xua tan được những lo ngại từ các đồng minh về cam kết lâu dài của Washington đối với an ninh của khu vực hay không.

Theo tác giả Manik Mehta, nhiều nhà chiến lược cảm thấy rằng một liên minh hải quân trong khu vực có thể ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Việc hình thành khối Quad, bao gồm bốn cường quốc quân sự lớn: Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản - là một bước đi đúng hướng, nhưng vấn đề là Ấn Độ có sẵn lòng tham gia hay không. Các nhà tư tưởng Ấn Độ vẫn còn nặng lòng với phong trào không liên kết.

Anh Tú (lược dịch)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo chí Vùng Vịnh kêu gọi Mỹ hành động khi Trung Quốc bá quyền tại Biển Đông