Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em. Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 10 là 2 vụ giáo viên mầm non hành hạ trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội.
Cụ thể, 2 đoạn video ghi lại cảnh một cháu bé 2 tuổi bị cô giáo nhốt ngoài cửa, nhặt rác ăn. Tiếp đó, tối 5.10, dư luận xã hội lại phải đau xót khi xảy ra việc 3 cô giáo điểm mầm non Sơn Ca (TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) ra sức ghì đè một cháu bé mới 15 tháng tuổi, trói chân tay, nhét giẻ vào mồm cháu chỉ vì… cháu khóc.
Trước thực trạng đáng báo động này, PV báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý.
-Thưa tiến sĩ, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Bà có bình luận gì về vấn đề này?
-TS Nguyễn Kim Quý: Thực ra, tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt trong những năm trở lại đây, tần suất đó ngày càng liên tục mặc dù xã hội, các cấp chính quyền đã lên tiếng phản ánh rất nhiều rồi.
|
Bạo hành trẻ em là hệ quả tất yếu của nền giáo dục chưa tốt |
-Theo bà, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này?
-TS Nguyễn Kim Quý: Suy cho cùng, lòng nhân ái của con người trong xã hội đã bị suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt là lòng nhân ái, tình thương yêu con người của một bộ phận những người thầy, người cô đã bị giảm sút đến mức đáng báo động. Điều này được chứng minh bởi các trường hợp bạo hành trẻ em do các thầy cô đánh xảy ra liên tục.
-Nói vậy có đồng nghĩa với việc nhận thức pháp luật của cộng đồng nói chung, các thầy cô giáo nói riêng về trẻ em còn hạn chế?
-TS Nguyễn Kim Quý: Thực ra, những người này họ không hiểu chính trách nhiệm của họ là phải bảo vệ quyền của trẻ em. Trẻ em có quyền được bảo vệ, ngoài tư cách là một công dân thì trẻ em còn được nhà nước bảo vệ bằng Luật Trẻ em.
Việc các bậc phụ huynh, thầy cô xâm phạm trẻ em chính là xâm phạm về nhân quyền, vi phạm pháp luật. Ngay chính bản thân những người này cũng không hiểu được điều mình làm là vi phạm pháp luật.
Ngay những người được đào tạo bài bản để làm thầy cô nhưng việc giảng dạy, tuyên truyền trong nhà trường về các quyền của trẻ em cũng không được nghiêm túc, không được truyền đạt nhiều.
Nếu bây giờ cứ hỏi các thầy các cô về quyền trẻ em có những nhóm quyền gì thì tôi chắc chắn ít người đã biết.
|
Chế tài xử lý các vi phạm về Quyền trẻ em còn rất hạn chế. |
Bên cạnh đó là chế tài xử lý các vi phạm về trẻ em còn rất hạn chế. Các hình phạt còn quá nhẹ nhàng với các tội danh mà họ vi phạm nên không có sức răn đe. Điều này khiến các vi phạm liên tục tái diễn.
-Nói như vậy, tình trạng xâm hại trẻ em là hệ quả của ngành giáo dục có vấn đề?
-TS Nguyễn Kim Quý: Tôi xin nhấn mạnh lại là chính bởi sự vô cảm của con người đã xuất hiện trong xã hội từ lâu nay. Sự vô cảm, thiếu tình thương yêu con người, lòng nhân ái của con người đã không được xây đắp từ trước nên các sự việc xâm phạm trẻ em mà bấy lâu nay chúng ta vẫn phản ánh chính là hệ quả của việc này.
Đó là hậu quả tất yếu của nền giáo dục chưa thực sự tốt bên cạnh góc độ dưỡng dục từ gia đình.
Tại các trường học, vấn đề giáo dục nhân cách dường như ít được quan tâm, rồi nhất là trong môi trường sư phạm, việc giáo dục nhân cách của người thầy bị hạn chế; người ta ngày càng ít quan tâm hơn tới việc giảng dạy cho học sinh, sinh viên về tình thương yêu con người.
Từ đó dẫn tới việc đào tạo ra một bộ phận những con người vô cảm. Điều tất yếu xảy đến tiếp theo là khi các sinh viên này ra trường, đi dạy các trẻ nhỏ thì việc đánh đập các cháu là điều dễ xảy ra, cộng thêm sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật…
-Vậy theo bà, bây giờ cần những giải pháp nào để dần giảm và xóa nạn xâm phạm trẻ em?
-TS Nguyễn Kim Quý: Hệ thống quy phạm pháp luật cần phải có những hình thức xử phạt đích đáng, phạt thật nặng với những hành vi xâm phạm trẻ em.
Điều cần nữa là việc phải phòng ngừa từ xa chứ không phải để tới lúc sự việc xảy ra rồi mới xử phạt. Trong quá trình giáo dục từ gia đình, giáo dục trong nhà trường về lòng nhân ái, tình thương yêu con người phải thay đổi.
Đặc biệt là những người vào ngành giáo dục thì phải được rèn luyện về nhân cách của người thầy là điều hết sức quan trọng. Giáo dục nhân cách không cho phép có sản phẩm phế phẩm.
-Theo bà đánh giá, các hành vi xâm phạm trẻ em sẽ gây ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của trẻ?
-TS Nguyễn Kim Quý: Qua các sự việc bạo hành trẻ em mà báo chí phản ánh, các hành vi của các cô giáo sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới các cháu nhỏ. Ngay lập tức, nó gây hoảng loạn cho các cháu, các cháu yếu thần kinh thì đêm về sẽ giật mình, tỉnh ngủ vì sợ hãi. Các cháu sẽ sợ tiếp xúc với mọi người, thiếu tự tin, ngại giao tiếp và sẽ luôn thu mình lại. Nó gây rối nhiễu về mặt tâm lý.
Những hành hạ ghê gớm của các cô, đặc biệt là trong trường hợp cháu Long ở Quảng Bình, việc làm của các cô giáo sẽ ám ảnh cháu nếu không được giải tỏa, không được điều trị về mặt tâm lý. Sự việc ấy đã cho thấy hành động quá dã man, không còn tình người ở các cô giáo nữa.
-Vậy theo bà, trường hợp cháu bé 15 tháng tuổi bị 3 cô giáo xâm hại, bạo hành thì gia đình cháu cần liên hệ với các cơ sở nào để điều trị liệu pháp tâm lý cho cháu?
-TS Nguyễn Kim Quý: Trước tiên, gia đình cháu cần liên hệ với các cơ quan hữu trách tại địa phương và Trung tâm công tác xã hội của Quảng Bình để thực hiện các liệu pháp điều trị tâm lý, tránh ảnh hưởng xấu gây sang chấn tâm lý cho cháu và ảnh hưởng tới sự phát triển sau này.
Hiện nay, tại mỗi tỉnh thành đều có các trung tâm công tác xã hội và tại đó đều có việc điều trị, trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, chất lượng trị liệu sẽ còn tùy vào từng địa phương hoặc hỗ trợ qua các tổng đài bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Gia đình cháu Long có thể gọi tới đường dây tư vấn miễn phí 18001567 của Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH).
Nam Phong
>> 214 giáo viên kêu cứu vì bỗng dưng bị... cắt hợp đồng
>> Phá thai phải chứng minh bị hiếp dâm?
>> Theo chân Đàm Vĩnh Hưng đi săn hàng hiệu giảm giá
>> Hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn thường xuyên nhai đá lạnh
>> Kỳ 32: Những “lừa dối hào nhoáng” của Mao Trạch Đông