Chuyển đổi sang thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho các bên liên quan như cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), cơ sở khám chữa bệnh và đặc biệt là người tham gia BHYT.

Bảo hiểm y tế điện tử có lợi cho ai?

tuyetnhung | 25/11/2018, 17:23

Chuyển đổi sang thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho các bên liên quan như cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), cơ sở khám chữa bệnh và đặc biệt là người tham gia BHYT.

Quyết liệt mang BHYT điện tử đến cho người dân

Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử như kế hoạch đề ra là trước 1.1.2020 sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung và phát hành thẻ điện tử, như: Xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt Mẫu thẻ BHYT và phương án cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử; Xây dựng phương án để xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện, quy định về giải pháp công nghệ cho thẻ BHYT điện tử...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết thẻ điện tử phải được tích hợp an toàn và giao dịch dữ liệu của Ngành BHXH với các cơ sở dữ liệu của đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương có liên quan. Do đó, cần phải sử dụng thông tin sinh trắc học của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN để xác thực nhân thân.

Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, mục tiêu hướng tới BHYT điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi thực hiện giao dịch đăng ký đóng, hưởng chế độ BHYT.

Trong khi đó, nói về lợi ích của thẻ BHYT điện tử, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết BHYT điện tử sẽ mang lại ích lợi không nhỏ cho cả 3 bên là người dân, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH. Theo đó, người dân khám chữa bệnh BHYT được giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khi đi khám chữa bệnh.

Đối với cơ quan BHXH, việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp giải quyết tình trạng trục lợi lạm dụng quỹ BHYT do người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh phải thực hiện việc xác thực nhân thân của chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học sẽ ngăn chặn tình trạng mượn thẻ BHYT, đồng thời rút ngắn thời gian làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh. Giảm thời gian thực hiện công tác giám định và thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phương thức thủ công.

Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Vấn đề đặt ra cho việc cấp thẻ BHYT điện tử là đồng bộ dữ liệu. BHXH cơ sở dữ liệu hộ gia đình với những người tham gia BHYT. Trường hợp nào thông tin trùng khớp thì sẽ được cấp mã số mới là mã định danh cho người đó, và ai đã được cấp mã định danh thì sẽ được đồng bộ toàn bộ quá trình tham gia bảo hiểm được tính từ lúc đồng bộ đến thời điểm hiện tại.

Cũng liên quan tới việc cấp thẻ BHYT điện tử, Văn Phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 4173/VPCP-KSTT ngày 8.5.2018, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao cho BHXH VN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử.

Thủ tướng yêu cầu thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Về yêu cầu cụ thể, thẻ BHYT điện tử sẽ phải được tích hợp an toàn và giao dịch dữ liệu của ngành BHXH với các cơ sở dữ liệu của đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương có liên quan.

Ngoài ra, thẻ BHYT điện tử sẽ sử dụng thông tin sinh trắc học của người tham gia BHYT để xác thực nhân thân. Thông tin sinh trắc học sẽ được thu thập, quản lý và cập nhật trên thẻ điện tử theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, đồng bộ với quá trình triển khai...

Theo báo cáo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31.10 vừa qua, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,19 triệu người; BHXH tự nguyện là 251 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 12,13 triệu người; BHYT là 82,33 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số.

Toàn ngành đã giải quyết 11.084 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 70.690 người hưởng trợ cấp 1 lần; 838.483 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 10 tháng đầu năm đã giải quyết 101.766 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 676.605 người hưởng trợ cấp 1 lần; 8.025.482 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Cũng trong tháng 10, toàn ngành thực hiện chi BHXH, BHYT, BHTN 24.972 tỉ đồng. Lũy kế đến hết tháng 10.2018, số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 252.990 tỉ đồng, đạt 85,94% kế hoạch cả năm...

Mặc dù quá trình thực hiện để đưa BHYT điện tử đến người dân còn nhiều khó khăn, nhưng BHXH Việt Nam vẫn cam kết trước 1.1.2020 sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung và phát hành thẻ điện tử. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng ban hành.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo hiểm y tế điện tử có lợi cho ai?