Trang Nikkei của Nhật có đăng bài bình luận của Atsushi Tomiyama về tình hình khí thải của Việt Nam.
Việt Nam trong những tháng gần đây được đề cập nhiều về các dự án nhà máy nhiệt điện than gây tranh cãi. Nhưng đất nước này có một nguồn phát thải carbon lớn khác: xe máy phổ biến khắp nơi.
Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Việt Nam là nơi có khoảng 50 triệu xe máy - nhiều gấp 5 lần Nhật Bản. Doanh số bán hàng đã giảm 17% vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch nhưng vẫn đạt khoảng 2,71 triệu chiếc.
Tăng trưởng kinh tế đã góp phần thêm vào vấn đề, cho phép một số người sở hữu hai chiếc xe máy: một để đi làm và một để đi chơi. Thích hợp để di chuyển trên vô số các con phố nhỏ hẹp, chúng là phương tiện giao thông phổ biến nhất trên khắp cả nước.
Ô tô đắt tiền và phải chịu thuế cao, khiến nhiều người không thể với tới được. Chỉ có khoảng 400.000 chiếc xe bốn bánh được bán vào năm 2020.
Người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen thường xuyên nâng cấp mẫu xe máy của mình lên, điều này đồng nghĩa với việc đường phố tràn ngập xe hai bánh (đời cũ) gây ô nhiễm. Có rất ít chỗ cho các loại xe điện hoặc xe hybrid thân thiện với môi trường tham gia vào thị trường.
Ho Quoc Bang, một chuyên gia môi trường tại Đại học Quốc gia TP.HCM, đã đổ lỗi cho xe máy và các phương tiện giao thông khác là nguyên nhân gây ra 99% lượng khí thải carbon dioxide của thành phố. Bang cũng lo ngại về ô nhiễm không khí từ khí thải và bụi lốp.
Các dịch vụ đường sắt tại Hà Nội và TP.HCM có thể bắt đầu hoạt động vào thời gian tới. Nhưng chúng không thể khiến mọi người rời bỏ xe máy.
"Nếu phải đi bộ hàng trăm mét đến ga tàu thì thà chọn xe máy", một nhân viên văn phòng sống tại Hà Nội cho biết.
Xe máy đã len vào nếp sống hằng ngày ở Việt Nam và việc loại chúng khỏi mặt đường sẽ là một thử thách. Việc sản xuất xe đạp điện hoặc đánh thuế nặng các mẫu xe máy đã lỗi thời sẽ là điều bắt buộc. Các máy phát thải khí nhà kính hai bánh này là một vấn đề cấp bách hơn các nhà máy đốt than.
Hồi cuối tháng 2, Nikkei cũng đưa tin Mitsubishi đã quyết định rút khỏi dự án Nhà máy Nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 ở Việt Nam trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu.
Cũng theo Nikkei Asia, đây là lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than và tập đoàn này cũng sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy mới về nguồn nhiên liệu này sau dự án Vũng Áng 2.
Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương xác nhận thông tin Mitsubishi quyết định rút khỏi dự án Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 tại Bình Thuận.
Lý do được Mitsubishi đưa ra là, họ là tập đoàn đa quốc gia, có những cam kết cao về vấn đề môi trường. Tập đoàn này cho biết sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy mới nào nữa trong lĩnh vực này.