Trang Bankok Post của Thái Lan vừa có bài "Chiến lược gạo khôn ngoan của Việt Nam" kêu gọi học tập chiến lược sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam
Bài báo viết: "Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, trong tháng này đã có một động thái đáng ngạc nhiên khi bắt đầu nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Họ đang nhập khẩu gạo Ấn Độ rẻ hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước trong khi dồn sản lượng, hiện đang bán ở mức cao trong nhiều năm, cho thị trường xuất khẩu.
Giá gạo Việt Nam gần đây đang tốt hơn so với giá gạo của Thái Lan, vốn thường thu hút được mức giá cao. Một lý do là Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với EU, mở ra cánh cửa vào thị trường châu Âu béo bở. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết gần đây cũng sẽ mở ra nhiều thị trường hơn cho gạo giá cao.
Việt Nam đang ở vị thế tốt để tận dụng những cơ hội này, đã nỗ lực cải thiện chất lượng và chủng loại gạo của mình. Ngoài việc sản xuất ra nhiều loại gạo thơm chất lượng cao, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã và đang phát triển các giống hướng đến xu hướng thị trường, chẳng hạn như gạo trắng mềm, cũng như tổ chức lại phương thức sản xuất, cải thiện an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng, và tăng năng suất.
Những nỗ lực này đã tạo ra năng suất cao hơn, nhận diện thương hiệu tốt hơn và được toàn cầu khen ngợi, chẳng hạn như giành được giải loại gạo ngon nhất tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới năm 2019 và đứng thứ hai sau Thái Lan vào năm ngoái.
Thái Lan từng giữ ngôi vương là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng hiện đã tụt xuống vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Việt Nam. Thái Lan cần học hỏi từ cách Việt Nam điều chỉnh thương mại để phù hợp với diễn biến thị trường.
Gạo Thái Lan đã không còn được ưa chuộng trong những năm gần đây khi người tiêu dùng chuyển sang các loại gạo mềm hơn. Thái Lan có nguy cơ tụt xuống vị trí thứ năm trong thập kỷ tới nếu vẫn tự mãn và không phát triển một chiến lược gạo dài hạn đa dạng và cạnh tranh hơn.
Có một số dấu hiệu tích cực cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang hành động trên mặt trận này. Năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đã công bố chiến lược 5 năm nhằm đẩy nhanh sự phát triển của 12 giống lúa mới: 4 loại gạo trắng kết cấu cứng, 4 loại gạo trắng kết cấu mềm, 2 loại gạo thơm Hom Mali của Thái Lan, và hai giống lúa dinh dưỡng cao.
Tuy nhiên, Thái Lan sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để giành lại ngôi vị nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Để đánh giá từ kinh nghiệm của Việt Nam, toàn bộ chuỗi cung ứng cần được xem xét. Năng suất của Thái Lan cũng tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh cùng khu vực trong nhiều năm - năng suất lúa địa phương khoảng 450 kg / rai (1 hecta = 6,25 rai) so với 960kg của Việt Nam và 2 tấn của Trung Quốc.
Một cách Thái Lan có thể tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra là xây dựng vị thế của chúng ta với tư cách là một quốc gia sản xuất lương thực bằng cách gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả. Gạo sẽ là một nơi tốt để bắt đầu". (hết trích)
Đọc bài báo của người Thái Lan vừa đăng chiều nay thì chắc hẳn không chỉ tôi mà nhiều người Việt Nam cũng thấy vui lây. Trước kia chúng ta tự hào xuất khẩu gạo về số lượng nhưng vẫn chạnh lòng về chất lượng và giá trị. Nhưng giờ đây, người Thái đã phải ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong chiến lược phát triển gạo không chỉ lượng mà còn cả chất, không chỉ khâu sản xuất mà cả khâu xuất khẩu.
Gạo chỉ là một phần trong những so sánh của người Thái Lan với Việt Nam thời gian qua khi chỉ số kinh tế Thái Lan có dấu hiệu chững lại còn Việt Nam duy trì tỷ lệ phát triển tốt. Ngay cả thể thao thì người Thái Lan gần đây cũng thể hiện sự so kè rõ ràng với Việt Nam.
Nhưng như phân tích của báo Nhật trong bài viết gần đây thì dù Thái Lan chững lại, đẳng cấp kinh tế của họ vẫn ở trên Việt Nam nhờ nhiều năm phát triển. Các công ty của Thái Lan vẫn đang đầu tư và thâu tóm các công ty Việt Nam chứ không phải ngược lại.
Thậm chí trên thị trường gạo thì chúng ta vẫn còn quá nhiều thứ để phải đua để đuổi không chỉ với Thái Lan mà với cả Campuchia. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết hồi đầu tháng 11.2020, trong 9 tháng năm ngoái, xuất khẩu gạo của Việt Nam đi châu Âu đạt trên 10 triệu USD tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU hiện mới chỉ bằng 1/6 so với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia.
Có thể thấy người Thái dù đang có lợi thế đi trước nhưng họ không tự mãn mà vẫn rất cẩn trọng lo xa. Do vậy, người Việt Nam chúng ta không thể tự mãn bởi những con số vui trước mắt mà vẫn cần khiêm tốn, hoàn thiện từng điểm yếu của mình và tận dụng tốt mọi thời cơ. Mong rằng trong thời điểm đất nước đang bước vào giai đoạn quan trọng để hoạch định chính sách, chúng ta sẽ có con đường sáng suốt để tiếp tục phát triển thành công hơn nữa.