Bà Vũ Hoàng Yến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be Group cho rằng người Việt cần có ý thức bảo vệ "chủ quyền số" của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt phải liên kết, tạo nên hệ sinh thái số thuần Việt lớn mạnh.
Không chuyển đổi số toàn diện sẽ bị tụt hậu
Tại hội nghị chuyển đổi số ngày 25.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu. Nếu Việt Nam không chuyển đổi số nhanh, chuyển đổi số mạnh, chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, thì sẽ bị tụt hậu.
Thủ tướng cho biết chuyển đổi số cần sự quyết tâm, quyết liệt, đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cần có hệ thống hành lang pháp lý hoàn chỉnh, thuận lợi, luôn đòi hỏi phải điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế; cần nguồn lực lớn (cả nhân lực và vật lực) trong khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế.
"Chúng ta chưa có nhiều bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp được coi là kiểu mẫu, đi đầu trong chuyển đổi số. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiều doanh nghiệp chưa xác định đúng vị trí, vai trò, giá trị mà chuyển đổi số mang lại; chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi số và chưa dành nguồn lực tương xứng cho chuyển đổi số; hoặc thực hiện chuyển đổi số nhưng chưa có nhiều hiệu quả, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, 96% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn hẹp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, chiến lược dữ liệu của TP.HCM sẽ tập trung vào 3 nhóm: người dân; tài chính-doanh nghiệp; đất đai-đô thị.
Trong năm 2023, TP.HCM tiếp tục hoàn thiện và vận hành một số nền tảng, khai thác dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, gồm: Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội theo thời gian thực; hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua tổng đài 1022; hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở ban ngành, địa phương (DDCI); bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan thành phố; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố…
"Ngành tài nguyên môi trường của thành phố đang tổ chức thí điểm hệ thống thông tin đất đai trên phạm vi toàn thành phố; ngành giáo dục đang kết hợp với dữ liệu dân cư theo Đề án 06 để xác thực mã định danh cho học sinh, chuẩn bị công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp trực tuyến", lãnh đạo UBND TP.HCM thông tin.
Còn theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, trong quá trình triển khai thực hiện, thực tiễn của địa phương cho thấy cần tăng cường công tác quản lý, theo dõi, chia sẻ, khai thác các thông tin trên hệ thống thông tin nguồn toàn quốc (từ trung ương, các tỉnh) để làm giàu dữ liệu, hình thành Big data, từ đó phát huy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chức năng thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước.
“Bình Phước rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là hết sức quan trọng trong việc định hướng, chỉ đạo triển khai góp phần thay đổi cách làm cũ, truyền thống, minh bạch kết quả hoạt động của cơ quan hành chính trong việc phục vụ nhân dân”, bà Hiền nói.
Không để bị nước ngoài thâu tóm dữ liệu
Đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin, bà Vũ Hoàng Yến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be Group đánh giá, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có những chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. "Đây là thông điệp truyền cảm hứng rất nhiều cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt", bà Vũ Hoàng Yến bày tỏ.
Nhấn mạnh người Việt cần có ý thức bảo vệ "chủ quyền số" của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt phải cùng nhau liên kết, tạo nên hệ sinh thái số thuần Việt lớn mạnh, đủ sức mạnh cạnh tranh trên thị trường nội địa, cùng nhau vươn ra thị trường khu vực và thế giới, bà Vũ Hoàng Yến cho rằng cần hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ để có thể làm chủ thị trường nội địa, từng bước hội nhập khu vực một cách thuận lợi và có chiều sâu.
“Trong bối cảnh các siêu ứng dụng, nền tảng mở nước ngoài không ngừng gây ảnh hưởng tới người dùng trong nước, những doanh nghiệp công nghệ nội địa đạt chuẩn cần được tạo điều kiện hơn nữa để tham gia vào những dự án của chính phủ, của các bộ ngành, góp phần chung tay cùng chính phủ thực hiện mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số”, bà Yến nêu.
Ngoài ra, bà Yến cũng cho rằng các doanh nghiệp trong nước đang gặp hạn chế lớn về vốn, nên dù ý tưởng kinh doanh có tốt nhưng không có vốn để tăng trưởng. Khi đi kêu gọi đầu tư nước ngoài thì lại vấp phải vấn đề là các chính sách để thu hút vốn từ nước ngoài của Việt Nam chưa thực sự thông thoáng cho start-up (khởi nghiệp)… Do đó, cần thêm những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp start-up.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng ngoài các chính sách hỗ trợ, cần có phương án cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp và luật hóa việc kiểm soát dữ liệu người dùng. Thông tin giao thông, hạ tầng... là tài nguyên quốc gia cần được bảo vệ.
“Doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết với nhau để nhanh chóng tạo ra những "đại thụ" đủ năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài, không để mất thị trường nội địa, không để người Việt phải làm thuê, không để bị thâu tóm dữ liệu, dẫn tới về lâu dài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”, bà Yến nói.