ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) cho rằng việc các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ từ 1 mét vuông vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là không cần thiết và gây tăng thêm thủ tục cho các dự án.
Theo dòng thời sự

Bất cập khi chuyển đổi 1m2 đất lúa cũng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

Lam Thanh 05/11/2024 11:30

ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) cho rằng việc các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ từ 1 mét vuông vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là không cần thiết và gây tăng thêm thủ tục cho các dự án.

Sáng 5.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Công tác chuẩn bị dự án rất kém

Đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) cho biết theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%)... Trong đó, nổi cộm là chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án.

Theo ông, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trả lời chất vấn về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công có đánh giá: “Công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận, chủ trương thì mới bắt đầu thực hiện một cách thực tế và lúc đó lại mất thời gian để điều chỉnh, dẫn đến lãng phí rất nhiều thời gian”.

ha-2-huy.jpg
Đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn)

Theo ông Huy, trong báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân…

Nguyên nhân chủ yếu do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; một số bất cập trong cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi…

Ông Huy đề nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án; người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt…

“Việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới”, ông Huy nêu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc". Nguyên nhân của tình trạng trên là vấn đề nguyên vật liệu.

Theo ông Hạ, trong Luật Đấu thầu quy định nhà thầu khi tham gia đấu thầu chỉ phải đặt cọc 20% giá trị của gói thầu. Tuy nhiên, Nghị định 126 quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành nghĩa vụ là 90 ngày nên dẫn tới việc lợi dụng đấu giá lên xong bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần nguyên vật liệu mình đang có để trục lợi.

ha-1.jpg
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Ngoài ra, đại biểu Hạ cũng nêu rằng đối với những dự án nhỏ thì cát tại chỗ không thiếu nhưng không được cấp phép nên không khai thác được, vì vậy phải đi sang địa phương khác tìm mua, từ đó cũng khiến giá nguyên vật liệu tăng lên. Đây cũng là bất cập cần được gỡ sớm để hoàn thành được kế hoạch đầu tư công trung hạn vào năm 2025.

“Nguyên nhân sâu xa là do chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa tốt. Do đó, việc chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém nên dẫn đến chậm tiến độ”, ông Hạ nêu.

Thiếu vật liệu san lấp dự án, nhưng thủ tục rườm rà

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2025 còn lại chưa giao theo Quyết định số 1535 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên tại văn bản số 822 ngày 8.10.2024 của Bộ KH-ĐT về việc dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó thông báo vốn ngân sách địa phương cho tỉnh Hà Giang đã bị giảm 383,5 tỉ đồng.

Bà Hương cho rằng Hà Giang là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cắt giảm như trên sẽ gây khó khăn cho tỉnh Hà Giang trong việc cân đối bố trí vốn với các dự án đã quyết định đầu tư.

ha-3-huong.jpg
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang)

Đại biểu Vương Thị Hương cũng nêu rằng hiện nay nhu cầu về đất san lấp, vật liệu xây dựng trong các dự án, nhất là dự án cao tốc là rất lớn nhưng nguồn cung không thể đáp ứng. Lý do là Luật Khoáng sản quy định tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp là khoáng sản. Trong khi đó, trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà, tốn nhiều thời gian.

“Các vướng mắc này dẫn đến thiếu hụt nguồn thu đất, gia lấp, ảnh hưởng đến biến độ thi công và giải ngân vốn các của các phương án không giải quy định”, bà Hương nêu.

Ngoài ra, đại biểu Hương cho rằng việc các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ từ 1 mét vuông vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là không cần thiết và gây tăng thêm thủ tục cho các dự án, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn. Công tác chuyển đổi đất rừng, quy hoạch sử dụng đất để triển khai thực hiện các dự án cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định từng loại đất.

Vì vậy, đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép địa phương được giao làm cơ quan chủ quản dự án thực hiện các nội dung thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật, dự toán.

ha-4.jpg
Các đại biểu quốc hội tham gia phiên thảo luận

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.

Phó thủ tướng cho rằng cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Theo đại biểu quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), nếu tận dụng tốt cơ hội và đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực, hệ sinh thái và năng lượng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất cập khi chuyển đổi 1m2 đất lúa cũng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường