Tác giả xin cám ơn các độc giả đã góp ý, phản hồi bài viết 'Bắt cướp cũng cần có lòng nhân'. Theo ghi nhận tới lúc này, trên báo điện tử Một Thế Giới có 9 phản hồi, cả 9 đều không đồng ý với bài viết.

Bắt cướp cũng cần có lòng nhân (2)

27/04/2017, 11:18

Tác giả xin cám ơn các độc giả đã góp ý, phản hồi bài viết 'Bắt cướp cũng cần có lòng nhân'. Theo ghi nhận tới lúc này, trên báo điện tử Một Thế Giới có 9 phản hồi, cả 9 đều không đồng ý với bài viết.

Tài xế Nguyễn Văn Hoàng và chiếc tắc-xi bắt cướp - Nguồn: Internet

Bắt cướp cũng cần có lòng nhân

Tác giả xin cám ơn các độc giả đã góp ý, phản hồi bài viết "Bắt cướp cũng cần có lòng nhân". Theo ghi nhận của tác giả, tới lúc này: Trên Một Thế Giới có 9 phản hồi, cả 9 đều không đồng ý với bài viết.

Trên Fb của tác giả có 13 phản hồi (comment hoặc phản ứng), trong đó có 11 likes, 2 sads. Có 3 comments cho rằng không nên nhân từ với cướp giật.

Trên Fb chỉ gồm bạn, tức thành phần độc giả có chọn lọc, không ngẫu nhiên. Do đó tác giả xin dựa vào các phản hồi trên báo điện tử Một Thế Giới để bàn luận.

Trước hết xin thưa rằng tôi đã suy nghĩ và học hỏi từ các phản hồi. Tuy nhiên, tôi vẫn nghiêng về việc nên kêu gọi, vun đắp, xây dựng lòng nhân trong xã hội. Điều này về lâu dài và căn bản sẽ tạo nhiều tốt đẹp cho xã hội, cả làm giảm các vụ cướp giật.

Tôi đã từng bị mất cắp một chiếc xe máy khi hư hỏng ngoài đường. Từng bị giật điện thoại di động lúc đứng trên lề nói chuyện, suýt té xuống đường và trong lúc loạng choạng bị một chiếc xe máy thắng không kịp đâm vào, phải ngồi bên vệ đường một lúc mới đứng lên được. Ấn tượng mạnh nhất trong tôi là: NGUY HIỂM QUÁ!

Tôi cũng từng thấy một người đi xe máy đâm xe vào một chiếc xe của kẻ cướp giật. Hai chiếc xe ngã, ba người đàn ông văng xuống đất, lồm cồm và cà nhắc đứng dậy. Dân chúng ùa vào bắt người giật đồ. Ấn tượng mạnh nhất trong tôi là: NGUY HIỂM QUÁ!

Tôi biết, ở thành phố hiện nay, số người trải qua kinh nghiệm bị giật đồ không hiếm. Tôi biết, người bị giật đồ rất căm giận người giật, chỉ muốn bắt giữ. Thậm chí, có người muốn xông vào đập kẻ giật đồ một trận! Tôi thông cảm tâm lý này.

Tôi biết, người dân và chính quyền đều muốn giảm hiện tượng cướp giật. Tuy nhiên, qua những gì tôi quan sát và đánh giá, cố gắng của lực lượng chức năng như công an, dân phòng, chính quyền các cấp… đã không thành công trong việc làm giảm hiện tượng cướp giật. Trong khi đó, khi hiện tượng cướp giật tăng lên, hiện tượng những người cướp giật bị bắt và bị đánh cũng gia tăng tới mức đau lòng. Tôi từng chứng kiến tận mắt hai người giật tiền, một người trẻ măng trong bệnh viện, một người trạc ba mươi ngoài đường. Cả hai bị túm bắt, và bị đánh tơi tả. Hai con người run rẩy xuôi tay chịu những cú đánh, đạp cho tới lúc ngã lăn ra, máu vấy mặt mũi! Sao bây giờ số trường hợp cướp giật nhiều tới vậy, bạo lực tới vậy, nhẫn tâm tới vậy?

Người cướp giật gây nguy hiểm cho người khác. Khi bị bắt, họ cũng chịu nguy hiểm không kém. So sánh với xã hội cách đây bốn mươi năm, tôi thấy sự cách biệt thật là khủng khiếp. Trước kia, một sự việc xảy ra gây xôn xao cả thành phố, cả đất nước, còn bây giờ người ta thấy bình thường. Trước kia một vụ cướp của giết người là thương luân bại lý, có khi cả chục năm mới xảy ra một lần. Bây giờ chỉ cần thống kê trên báo chí cũng thấy hàng chục vụ một năm, toàn những vụ sát thủ máu lạnh. Xã hội chúng ta đã quen với những việc “ác nhân, thất đức”, những việc “trời không dung đất không tha” như vậy từ bao giờ?

Trong lúc đau lòng vì sự suy thoái lòng nhân qua các vụ cướp giật táo tợn, tôi vẫn nghĩ rằng kêu gọi mọi người tham gia bắt cướp, thành lập đội nhóm “hiệp sĩ đường phố” không là giải pháp căn cơ. Có thể nó cho chúng ta cảm giác yên tâm hơn trước mắt, nó vuốt ve sự tức giận của chúng ta, nó có thể làm giảm tần số trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nó có làm giảm sự hung bạo trong lòng người được không? Nếu cướp giật ngày càng xảy ra nhiều hơn, người lương thiện phản ứng lại ngày càng cứng rắn và hung bạo hơn, có phải xã hội ta ngày càng bị cuốn sâu vào cái vòng xoắn ốc lấy bạo lực “hợp pháp” đáp trả bạo lực “phạm pháp”? Khi số vụ việc cướp giật nhiều quá, ta nên nghĩ người cướp giật cũng là một sản phẩm của xã hội. Do đó, trong khi ngăn chặn cướp giật, cũng cần xem cải tạo xã hội như là một biện pháp. Tôi vẫn hoan nghênh tinh thần chặn cướp giật, nhưng tiến hành bằng cách đâm xe vào người cướp giật thì có phải vừa nguy hiểm, vừa vô tình nêu gương thiếu lòng nhân ái nếu lỡ kẻ cướp chết?

Tôi nghĩ, để giảm bớt cướp giật cần làm rất nhiều việc, cần nhiều nhà chuyên môn, kỹ trị thông thái. Thí dụ cần giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục, dân sinh, an ninh… Lại cần phải có giải pháp chính trị, tổ chức xã hội sao cho các đất nước có những người tài giỏi nhất đứng ra cáng đáng việc công…

Trong lúc chờ đợi đất nước có các điều kiện đó, hiện nay tôi tự nhủ mình đừng để các hiện tượng trước mắt lôi vào những giận ghét nhất thời. Càng tránh xa căm tức, hận thù, càng nghiêng về thấu hiểu, cộng tác, càng tỉnh táo hơn trong nhận định và tìm tòi giải pháp. Và tôi vẫn mong việc xiển dương lòng nhân được tiến hành như là một trong những giải pháp làm dịu sức nóng của tệ nạn cướp giật. Kẻ cướp giật nhân từ hơn một ít sẽ bớt giật đồ theo cách nguy hiểm tới tính mạng người bị giật.

Tất nhiên, mong muốn là một chuyện, thực thi được hay không là chuyện khác. Tuy nhiên, cho dù có những lúc chính mình không kìm cơn nóng giận, căm ghét, tôi vẫn không cho đó là con đường mình nên đi.

Mấy lời thật lòng giãi bày cùng anh chị, các độc giả quí mến. Và xin cám ơn các anh chị.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắt cướp cũng cần có lòng nhân (2)