Thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam đang hứng chịu tác động đòn kép: dịch COVID-19 và quy định xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định số 100/2019. Trong đó, COVID-19 khiến người mua dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến, còn Nghị định 100 tác động lên ngành ẩm thực.

Bất động sản bán lẻ đang lao đao vì ‘ngấm’ đòn kép

13/03/2020, 06:00

Thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam đang hứng chịu tác động đòn kép: dịch COVID-19 và quy định xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định số 100/2019. Trong đó, COVID-19 khiến người mua dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến, còn Nghị định 100 tác động lên ngành ẩm thực.

Khách hàng đang chuyển dần sang mua sắm trực tuyến vì COVID-19 - Ảnh: Phan Diệu

Bất động sản bán lẻ “ngấm đòn”

Theo chuyên gia của Savills Việt Nam, trong thời điểm thế giới đang có những căng thẳng về thương mại cùng nhiều diễn biến xã hội bất ổn, dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện đã gây thêm áp lực cho nền kinh tế tại các nước đang có dịch, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, COVID-19 đã và đang làm suy yếu những triển vọng của thị trường bất động sản.

Thị trường chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, theo sau đó là mảng văn phòng và thị trường nhà ở cũng không được “miễn dịch” bởi đại dịch này.

Bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn của Savills TP.HCM cho biết, có nhiều nhận định so sánh sự tương đồng giữa dịch COVID-19 và đại dịch SARS năm 2003 khi đây là 2 đại dịch gây ảnh hưởng hàng loạt đối với các nền kinh tế và đều xuất phát từ Trung Quốc sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nước.

Tuy nhiên, dịch SARS xuất hiện khi thị trường bất động sản đang ở thời kỳ suy thoái, khác với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát - thời điểm thị trường bất động sản đang trên đà phát triển. Điều này có thể gây ra những gián đoạn kinh tế theo diện rộng.

“Nếu sự bùng phát của COVID-19 tương tự như SARS, chúng ta có thể dự đoán được những thiệt hại sâu rộng tới nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020, nhưng nửa cuối năm sẽ ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng”, bà Trang dự đoán.

Bà phân tích, thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam đang hứng chịu tác động từ đòn kép, đó là dịch COVID-19 và quy định xử phạt nghiêm khắc đối với người uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Trong đó, dịch COVID-19 có thể khiến thị trường bất động sản bán lẻ chịu trận khi xu hướng dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến càng được đẩy nhanh tốc độ. Còn Nghị định số 100 sẽ tiếp thêm đòn tác động lên ngành ẩm thực.

“Hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ tác động tiêu cực đến cửa hàng truyền thống tại các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố. Ngoài ra, có thể tác động dài hơn như đẩy nhanh những thay đổi mang tính công nghệ trong phong cách sống, làm việc và mua sắm của người dân, trong khi các tác động khác chỉ mang tính tạm thời.

Giá thuê bất động sản bán lẻ sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung, các chủ đầu tư thương mại, chủ nhà sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho các khách thuê”, bà nói thêm.

Mặt bằng cho thuê ế ẩm

Kết quả khảo sát gần đây của Savills cho thấy, doanh thu một số nhà hàng trong tháng 2 đã giảm đến 50% so với các tháng trước đó. Nhiều khách thuê mặt bằng kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng. Trong khi đó, một số khách thuê vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh giữ chỗ hoặc tạm dừng hoạt động hoặc thương thảo giảm giá thuê.

Các nhà phố rao cho thuê tại các khu phố ẩm thực nổi tiếng tại TP.HCM như Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (quận 1) gặp khó khi tìm khách thuê nguyên căn, trong khi hợp đồng cho thuê kéo dài lên đến 10 năm. Đây là là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ.

Do vậy, để thu hút khách thuê, chuyên gia từ Savills khuyên các chủ cho thuê nhà kinh doanh cần giảm giá thuê từ 10% đến 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn.

Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà cũng có động thái thương lượng hỗ trợ khách về giá thuê. Đơn cử, một số chủ nhà chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng tiền thuê cho khách thuê kinh doanh nhà hàng hay giảm 30% đến 50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích.

Ngoài ra, dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19, chuyên gia Savills dự đoán các dự án bán lẻ hiện đại sẽ không tăng giá thuê, đồng thời các chủ đầu tư sẽ có động thái hỗ trợ khách thuê duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo tỷ lệ lấp đầy của dự án.

Một số nhà phát triển bất động sản bán lẻ cũng công bố sẽ triển khai thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho khách thuê với mức giảm khoảng từ 20-40%, tùy từng trường hợp và thời gian hỗ trợ linh động theo diễn biến của dịch bệnh.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
8 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất động sản bán lẻ đang lao đao vì ‘ngấm’ đòn kép