Dù ai trở thành tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc đi nữa, thì người đó cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn và thách thức: tăng trưởng kinh tế trì trệ, mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng, trả đũa của Trung Quốc liên quan đến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, và sự yếu kém của các tập đoàn kinh tế hàng đầu (chaebol).

Bầu cử tổng thống Hàn Quốc: Điểm mặt các ứng cử viên chính

10/04/2017, 06:25

Dù ai trở thành tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc đi nữa, thì người đó cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn và thách thức: tăng trưởng kinh tế trì trệ, mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng, trả đũa của Trung Quốc liên quan đến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, và sự yếu kém của các tập đoàn kinh tế hàng đầu (chaebol).

Ba ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc, từ trái qua phải: Moon Jae-in, Ahn Cheol-soo và Hyong Joon-pyo - Ảnh: Bloomberg

Năm tuần kể từ sau khi một cuộc bầu cử mới được bắt đầu để chọn ra vị tổng thống mới thay thế cho cựu Tổng thống Park Geun-hye, một cuộc đua tam mã đã chính thức được định hình. Ba ứng cử viên chính cho chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc đã được xác định: Moon Jae-in được xác nhận là ứng cử viên của đảng Dân chủ Hàn Quốc theo xu hướng cánh tả, Ahn Cheol-soo sẽ là đề cử của đảng Nhân dân theo xu hướng trung tả, và Hong Joon-pyo sẽ là đại diện cho đảng Tự do cánh hữu của cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Trong cuộc chạy đua tay ba này, hai ứng cử viên Moon và Ahn có nhiệm vụ chấm dứt khoảng thời gian 9 năm cầm quyền của các đảng phái cánh hữu có xu hướng bảo thủ, trong khi người còn lại – Hong, sẽ phải tìm cách đối mặt và vượt qua được cơn thịnh nộ của hàng triệu cử tri đã xuống đường biểu tình phản đối cựu Tổng thống Park và mối ác cảm với đảng Tự do của mình.

Mặc dù vậy, cho dù bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc chạy đua đến chức tổng thống Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại, thì người đó cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn và thách thức khác lớn hơn rất nhiều: tăng trưởng kinh tế trì trệ, mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng, trả đũa của Trung Quốc liên quan đến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, sự yếu kém của các tập đoàn kinh tế hàng đầu (chaebol).

Ứng cử viên đầu tiên là Moon Jae-in, người đang dẫn đầu trong các cuộc khảo sát ý kiến với tỷ lệ ủng hộ khoảng 31%: 64 tuổi và là cựu Chủ tịch của đảng Dân chủ Hàn Quốc, từng giữ nhiều cương vị tại Quốc hội. Cam kết hàng đầu của ông Moon là tìm biện pháp xử lý những mặt trái tiêu cực sâu xa trong xã hội Hàn Quốc. Nó đặc biệt được nhấn mạnh sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị điều tra và bắt giam vì những nghi ngờ liên quan đến hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Chính sách kinh tế đề xuất của ông Moon, cũng tương tự như những gì được đưa ra khi ông này ra tranh cử vào năm 2012, đó là tăng thu nhập cho người lao động và bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ hơn chống lại sức ép từ các chaebol. Ông cũng đồng tình với việc phải cải cách các chaebol nhưng theo một cách không làm tổn thương đến các khu vực khác của nền kinh tế có liên quan đến các chaebol này.

Quan điểm về chính sách đối ngoại với Bình Nhưỡng của ông Moon được đánh giá là mềm mỏng hơn so với bà Park Geun-hye, một phần xuất phát từ việc gia đình ông Moon có gốc gác từ Bắc Triều Tiên và di cư xuống Hàn Quốc trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên. Moon Jae-in kêu gọi thúc đẩy các cuộc đối thoại với Triều Tiên và đồng thời xem xét lại việc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc – việc đang khiến cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh tức giận. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến việc các đảng đối lập và các chính trị gia bảo thủ chỉ trích Moon và đảng Dân chủ Hàn Quốc có ý định bắt tay hoặc ít nhất là xuống nước với Bình Nhưỡng.

Ứng cử viên tiếp theo là Ahn Cheol-soo, người đang xếp thứ hai trong các cuộc khảo sát ý kiến với tỷ lệ ủng hộ khoảng 19%: 55 tuổi và là cựu Chủ tịch đảng Nhân dân, xếp thứ 3 về số nghị sĩ tại Hội đồng quốc gia. Cũng giống như Moon, Ahn Cheol-soo từng ra tranh cử vào năm 2012 nhưng sau đó chọn ủng hộ Moon Jae-in như một biện pháp chống lại Park Geun-hye. Năm 2016, ông Ahn từ chức lãnh đạo đảng Nhân dân sau vụ bê bối ghép nội tạng liên quan đến các cấp dưới.

Khá nhiều điểm trong chính sách tranh cử của ông Ahn có sự tương đồng với ông Moon Jae-in, như chủ trương thúc đẩy đàm phán với Bình Nhưỡng nhưng có kèm theo biện pháp trừng phạt nếu cần thiết. Ngoài ra, ông Ahn cho biết sẽ không xem xét lại quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, nhưng sẽ xem xét thu hẹp quy mô triển khai nếu Trung Quốc đồng ý hợp tác và gây sức ép lên Triều Tiên chấp nhận các cuộc đàm phán và đồng ý cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Về kinh tế, ứng cử viên này cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ hiện nay mới là vấn đề kinh tế cấp bách nhất của Hàn Quốc, chứ không phải là những chaebol hay tốc độ tăng trưởng chậm. Ông Ahn cam kết sẽ triển khai các chính sách trợ cấp để tăng thu nhập cho nhân viên ở các doanh nghiệp nhỏ, đồng thời cải thiện hệ thống giáo dục theo hướng tăng tính sáng tạo.

Ứng cử viên thứ ba là Hong Joon-pyo, người đang xếp thứ ba trong các cuộc khảo sát ý kiến với tỷ lệ ủng hộ khoảng 4%: 62 tuổi và giữ cương vị đứng đầu tỉnh Nam Gyeongsang, nhận được đề cử của đảng Tự do Hàn Quốc. Hong là cựu công tố viên và nhà lập pháp, xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo và tự lập sự nghiệp mà không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình. Hong tỏ ra là ứng cử viên mạnh mẽ nhất trong số 3 ứng viên hàng đầu, thể hiện rõ rệt trong các chính sách quan trọng nhất.

Về đối ngoại, Hong chủ trương nâng cao vị thế của Hàn Quốc trước các cường quốc khu vực như Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản. Ông Hong cũng cho biết sẽ đề xuất cho phép các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ thiết lập trên lãnh thổ Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy xây dựng hải quân mạnh để đối đầu với Triều Tiên. Điều tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, Hong Joon-pyo cho biết ông muốn giải thoát cho các công ty đang bị bóp nghẹt bởi các chính trị gia cánh tả đòi hỏi dân chủ hóa nền kinh tế, một hàm ý ám chỉ việc đòi hỏi cải cách các chaebol của nhiều chính trị gia Hàn Quốc hiện nay, để các công ty này đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm mới cho nền kinh tế.

Nói cách khác, chính sách tranh cử của Hong Joon-pyo có khá nhiều điểm tương đồng với những gì chính phủ của cựu Tổng thống Park Geun-hye thực hiện trong thời gian vừa qua. Nó có thể dấy lên sự phản đối từ phía một bộ phận không nhỏ người dân do ác cảm với cựu Tổng thống Park Geun-hye, nhưng nó cũng có thể đem lại sự ủng hộ của các đảng phái cánh hữu vốn đã nắm giữ chính trường Hàn Quốc suốt 9 năm qua.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu cử tổng thống Hàn Quốc: Điểm mặt các ứng cử viên chính