Nhiều năm quá, các đối thủ khi gặp Hà Nội T&T đều rất ngán ngại tiếng còi trọng tài. Mùa giải V.League nào cũng vậy, hết CLB này đến CLB khác kêu than vua sân cỏ, trừ đội bóng của bầu Hiển. Thế nên việc bầu Hiển chạy xuống sân mắng sa sả trọng tài Đinh Văn Dũng hôm 22.1 khi HN T&T đại bại trước Vissai Ninh Bình ngay tại sân Hàng Đẫy ở vòng 3 V.League 2014 được coi là… “chuyện lạ”.

Bầu Hiển mắng trọng tài: “Vua” đã chuyển dây

Một Thế Giới | 27/01/2014, 09:30

Nhiều năm quá, các đối thủ khi gặp Hà Nội T&T đều rất ngán ngại tiếng còi trọng tài. Mùa giải V.League nào cũng vậy, hết CLB này đến CLB khác kêu than vua sân cỏ, trừ đội bóng của bầu Hiển. Thế nên việc bầu Hiển chạy xuống sân mắng sa sả trọng tài Đinh Văn Dũng hôm 22.1 khi HN T&T đại bại trước Vissai Ninh Bình ngay tại sân Hàng Đẫy ở vòng 3 V.League 2014 được coi là… “chuyện lạ”.

Đại gia nào cũng sợ trọng tài, trừ một người
Lăn lộn với V.League mới khai sinh, nổi tiếng hào phóng nhưng bầu Đức phải nói “sợ trọng tài như sợ cọp”.
Trong buổi tọa đàm tại TP.HCM hậu mùa giải 2011, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai phải thốt lên: “Mỗi năm đổ 60-70 tỷ ra nuôi đội bóng nhưng chúng tôi rất sợ trọng tài, sợ họ ‘giết’ đội bóng mình ngay trên sân nhà. Ấm ức, tức điên nhưng khi gặp chúng tôi cũng giả bộ vui vẻ miễn cưỡng”. Bầu Đức nóng tính đã đành, đến bầu Thắng một người rất điềm đạm cũng nói: “Đã làm bóng đá tôi tâm niệm phải chơi sạch, nhưng tôi cảm nhận những đội bóng càng chơi sạch càng bị ép”.

Nỗi bức xúc quá lớn nên bầu Kiên khi quyết định tấn công VFF trong Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 bằng những phát biểu gây chấn động dư luận, đã chọn ngay điểm nóng trọng tài để công kích.

Bầu Kiên đã lấy ngay bằng chứng là các bằng hữu của ông ở Hòa Phát Hà Nội là bầu Tuấn và bầu Long đã từ bỏ bóng đá sau khi bị trọng tài Trần Công Trọng ép trắng trợn ở sân Lạch Tray trong chiến dịch 10 tỷ để giải cứu Xi măng Hải Phòng khỏi suất xuống hạng. Cá nhân bầu Kiên đã tiết lộ thông tin gây sốc là người gợi ý nếu CLB Hà Nội ACB chịu chung chi 500 triệu sẽ được trọng tài “thương”.

Ở thời điểm đó, nhiều người biết phía hậu trường của giới trọng tài bị một thế lực ở VFF thao túng để phục vụ cho những lợi ích của những ai thuộc nhóm thân hữu, mà nói như HLV Nguyễn Thành Vinh là “trọng tài Việt Nam có mafia đứng sau lưng giật dây”.

Suy cho cùng, những ông chủ CLB như bầu Kiên, bầu Đức, bầu Long hay bầu Thắng phản ứng trọng tài dữ dội đơn giản vì họ chẳng có lợi gì từ tiếng còi của trọng tài. Ngược lại, từ khi bước vào làm bóng đá, chưa bao giờ bầu Hiển - ông chủ HN T&T chỉ trích trọng tài dù một tiếng nhỏ cho cho đến sau trận đấu với V.Ninh Bình.

Thống kê đơn giản từ nhiều năm qua, Hà Nội T&T là đội gần như luôn được lợi từ những quyết định của trọng tài. Sự thân thiết quá mức hay việc các lãnh đạo VFF như ông Nguyễn Trọng Hỷ thường xuyên xuất hiện ở các trận đấu của HN T&T đủ khiến nhiều người "hiểu cách khác". Trong khi nhiều đối thủ khác vò đầu bứt tai vì chịu không nổi tiếng còi của các ông vua áo đen thì trên khán đài, bầu Hiển luôn có sự bình thản, tự tại.

“Muốn thao túng cuộc chơi, phải thao túng trọng tài”

Trong bóng đá, dù là bóng đá nghiệp dư người ta đều nằm lòng câu nói này vì trọng tài là người cầm cân nảy mực quyết định thành-bại của đội bóng. Với bóng đá thế giới, nhiều người hâm mộ đến giờ hẳn không quên ông trọng tài Moreno (Ecuador) đã “đè ngửa” Italia và Tây Ban Nha ra sao để đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002.

Ở Việt Nam, kể từ lần phanh phui trọng tài tiêu cực hồi cuối năm 2005 khiến gần chục vị vua áo đen phải “khoác áo Juventus” thì sau này, chuyện tìm kiếm bằng chứng vẫn khó như lên trời vì đứng sau trọng tài là cả một hệ thống dây mơ rễ má. Rất nhiều vụ tiêu cực trọng tài đã xảy ra nhưng VFF chọn cách chìm xuồng hoặc bí quá đem trọng tài ra trảm để dẹp dư luận.

Năm 2011, hai trọng tài Trần Công Trọng, Nguyễn Văn Quyết bị treo còi vĩnh viễn vì đã “trợ giúp” để XM.Hải Phòng trụ hạng. Cả hai trọng tài này đều câm nín chấp nhận như một thứ luật “Ormeta” dù ai cũng họ không thể đứng tự đạo diễn điệp vụ giải cứu V.Hải Phòng.

Như mùa giải 2013 vừa qua, việc tổ trọng tài Hà Nội bị tố nhận hối lộ 100 triệu đồng ở sân Thanh Hóa tưởng như một cơ hội không thể tốt hơn để phanh phui tiêu cực, rốt cuộc nghi án này được VFF “xử nội bộ” mà người bị xử nặng nhất hóa ra là hai ông Đoàn Phú Tấn, Dương Vũ Lâm - Trưởng, Phó ban Trọng Tài vì “tội” hớ hênh đã khi khai cho báo chí biết.

Dù đã trải qua cuộc cách mạng VPF do bầu Kiên khởi xướng nhưng vấn nạn trọng tài vẫn “mèo hoàn mèo” bởi VPF trên thực tế không nắm được Ban trọng tài lẫn Ban kỷ luật. Có nghĩa trọng tài vẫn chịu sự thao túng, giật dây từ thế lực của “kẻ mà ai cũng biết đó là ai”.

Chính vì sự bất lực trước công tác trọng tài nên bầu Đức, trong cương vị Phó Chủ tịch HĐQT công ty VPF, đã bức xúc tại Lễ tổng kết V.League 2013: “Lúc nào cũng vậy, cứ khi gặp là chúng ta lại chỉ trích trọng tài vì không thể chịu nỗi nữa”. Ông chủ HA.GL không ngần ngại quy trách nhiệm: “Lỗi trước hết phải là Chủ tịch VFF và Trưởng Ban trọng tài”. 
Chia sẻ với bầu Đức, ông Lê Hùng Dũng – Phó chủ tịch VFF phát biểu: “Chúng ta phải thay đổi triệt, toàn diện để khâu trọng tài trước khi quá muộn”.

“Vua” đã đổi dây?

Giới bóng đá có thuật ngữ: “Trọng tài phải đi theo dây”, tức trọng tài phải biết phò hay đi theo “dây” nào mạnh để được phân công làm việc hay được cho bắt những trận đấu “thơm”. Đổi lại để được vào “dây” thì trọng tài phải biết nghe lời, làm đúng ý “sếp” khi có việc cần. Đó là những mối quan hệ phức tạp, zíc-zắc liên quan hữu cơ với nhau để rồi trên những biểu hiện sinh động là có những CLB chẳng bao giờ chịu thiệt bởi tiếng còi của trọng tài, thậm chí còn được trọng tài cứu như trường hợp XM.Hải Phòng ở mùa 2011.

Vì căn cứ vào những biểu hiện trên sân cỏ, mối quan hệ bên ngoài nên việc bầu Hiển lần đầu tiên xông xuống sân mắng trọng tài đã khiến những người theo dõi mảng trọng tài giật mình. Vậy là đã đến lúc Hà Nội T&T phải nhận được “thuốc đắng” từ trọng tài mà lại ngay tại sân Hàng Đẫy – một điều khó tưởng tượng được trước đây. Một biểu hiện tưởng như rất bình thường nhưng lại báo hiệu một sự thay đổi rất lớn trong bộ máy quyền lực của VFF, nhất là sau khi ông Nguyễn Trọng Hỷ đã từ chức và ông Lê Hùng Dũng đang nắm chức Quyền chủ tịch.

Thay đổi đó tốt hay xấu thì còn phải chờ, nhưng có một điều chắc chắn là giới trọng tài Việt đang chuyển dịch mối quan hệ.

Đăng Khoa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu Hiển mắng trọng tài: “Vua” đã chuyển dây