“Việc bà Y bỏ trốn khỏi địa phương đã có đủ cơ sở để khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo tố cáo của nạn nhân, nhưng trong vụ việc này các nạn nhân rất khó lấy lại tiền vì tài sản của bà Y đang do ngân hàng quản lý”, 1 luật sư nói.

Bến Tre: Hàng trăm người dân uất nghẹn vì… hụi

Hùng Anh | 14/11/2017, 09:49

“Việc bà Y bỏ trốn khỏi địa phương đã có đủ cơ sở để khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo tố cáo của nạn nhân, nhưng trong vụ việc này các nạn nhân rất khó lấy lại tiền vì tài sản của bà Y đang do ngân hàng quản lý”, 1 luật sư nói.

Chủ hụi bỗng dưng… biến mất

Những ngày qua, căn nhà cấp 4 của bà Đặng Thị Y (50 tuổi, ngụ ấp Gia Thạnh, xã Thạnh Ngãi, H.Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) cửa đóng then cài. Trong khi hàng trăm người dân đang rất tức giận vì bị bà Y lừa tiền. Ông Nguyễn Văn Phong, 1 nạn nhân của bà Y, kể: “Bà Y làm chủ hụi ở khu vực này đã nhiều năm. Trong buổi sáng và trưa 1.11, tui và người dân trong ấp còn nhìn thấy bà Y chạy xe đi gom tiền hụi bình thường.

Nhưng đến chiều thì bà ta biến mất khỏi địa phương, mấy hôm sau cũng không thấy xuất hiện. Lúc bà con nghi ngờ bà Y giật hụi, tìm đến nhà thì thấy cửa khóa kín, hàng xóm cũng không biết bà ta đi đâu, điện thoại hỏi thì bà Y nghe máy nhưng nói đang ở TP.HCM, không biết chừng nào về vì… không còn tiền chung hụi. Gia đình tui chơi 8 dây hụi của bà Y với mức 2 triệu đồng/phần/dây, giờ coi như mất trắng”.

Theo ông Phong, gia đình ông chỉ là 1 trong hàng trăm nạn nhân của bà Y ở xứ dừa Bến Tre, bởi khi tin bà chủ hụi lớn nhất vùng bỏ trốn loan ra thì đã có nhiều hụi viên từ trong xã và các xã lân cận, thậm chí có nhiều người ở H.Mỏ Cày Nam, tìm tới nhà bà Y, gây huyên náo suốt nhiều ngày.

Theo khai báo của các nạn nhân, hiện tại số tiền nợ hụi viên của bà Y đã lên đến hơn 20 tỉ đồng và con số này còn tiếp tục tăng cao vì nhiều người đang làm đơn tố cáo bà Y lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến các cơ quan chức năng của H.Mỏ Cày Bắc.

Căn nhà của bà Y cửa đóng then cài từ ngày 1.11 đến nay - Ảnh: Hoàng Thanh

Hầu hết các nạn nhân của bà Y là người buôn bán nhỏ, bán vé số, nông dân, cán bộ viên chức, công nhân; người thấp nhất bị giật nợ gần 100 triệu đồng, người nhiều hơn 1 tỉ đồng, đa số bị mất 300 - 400 triệu đồng. Các nạn nhân cho biết, bà Y điều hành hàng trăm dây hụi, mỗi dây có từ 12 - 20 hụi viên với mức đóng góp duy nhất là 2 triệu đồng/phần.

Sau khi bà Y bỏ trốn, các hụi viên kéo đến nhà bà Y đòi nợ thì mới biết căn nhà và 8.000m2 đất vườn dừa của bà ta đã thế chấp vào ngân hàng để vay số tiền 600 triệu đồng, đến nay chưa được giải chấp.

Mất tiền vì quá tin người

Theo 1 cán bộ xã, hiện nay chưa thể biết chính xác số tiền vỡ hụi và số nạn nhân. Công an xã đã liên lạc với bà Y, yêu cầu bà về địa phương giải quyết vụ việc, đồng thời đề nghị người dân không nên tụ tập trước nhà bà Y gây mất an ninh trật tự.

“Bà con chỉ mong muốn cơ quan chức năng triệu tập bà Y về địa phương để nói rõ việc trả nợ như thế nào và phải bị pháp luật xử lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng đã có người quá khích đòi đập phá nhà bà Y cho hả giận, thậm chí ông Phi, 1 người tàn tật bán vé số bị bà Y giật hơn 100 triệu đồng, còn đòi mua xăng tìm bà Y cùng… tự thiêu để trừ nợ”, ông Phong cho biết.

Theo thông tin từ các nạn nhân, hiện nay bà Y có 2 con trai, 1 sống ở TP.HCM, 1 ở tại địa phương nhưng rất nổi tiếng trong chuyện cờ bạc, xài tiền như nước.

Bà Trần Thị Em, người chơi 2 dây hụi trị giá 2 triệu đồng/phần bị mất hơn 60 triệu đồng vốn lẫn lãi, cho biết trước đây bà Y tổ chức khui hụi, giao tiền hụi cho hụi viên rất đàng hoàng. Nhưng gần 1 năm qua bà Y sử dụng “chiêu” bỏ hụi dùm, nói các hụi viên bận việc thì cứ ở nhà, chỉ thông báo số tiền bỏ hụi qua điện thoại. Sau khi khui hụi thì bà Y báo tin đã có người hốt hụi, nhưng thực chất là bà ta tự bỏ và chiếm đoạt tiền của hụi viên.

“Vì tin tưởng bà Y nên ai cũng đinh ninh là mình sẽ hốt hụi chót, đến khi bà Y bỏ trốn thì hụi viên trong dây hụi mới tá hỏa vì chẳng ai hốt hụi được đồng bạc nào trong các kỳ khui hụi, tất cả đều do bà Y đạo diễn”, bà Em tức giận nói.

Giấy tờ chứng minh các dây hụi do bà Y điều hành - Ảnh: Hoàng Thanh

Ngoài việc tự khui hụi và hốt hụi, bà Y còn dùng thủ đoạn dụ nạn nhân “mua hụi” để khỏi phải giao tiền hốt hụi cho hụi viên. Bà Bích Thi, 1 nạn nhân của bà Y, kể: “Lúc hốt hụi chót thì bà Y vẫn đem tiền đến giao, nhưng không chịu đưa tiền mà dùng lời lẽ ngon ngọt thông báo có hụi viên ở mấy dây hụi khác kẹt tiền cần bán phần hụi, nếu dùng số tiền hốt hụi chót mua lại sẽ có lời, vì vậy nhiều người bị sập bẫy”.

“Việc bà Y bỏ trốn khỏi địa phương đã có đủ cơ sở để khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo tố cáo của nạn nhân, nhưng trong vụ việc này các nạn nhân rất khó lấy lại tiền vì tài sản của bà Y đang do ngân hàng quản lý”, 1 vị luật sư nói.

Trước đó, vào tháng 6, ở xã Châu Bình, H.Giồng Trôm (Bến Tre) cũng xảy ra vụ vỡ hụi hơn 10 tỉ đồng do bà Hồ Thị Kim Liên (40 tuổi, ngụ ấp Bình Xuân) làm chủ hụi. Hơn 270 nạn nhân của bà Liên là dân lao động nghèo bán vé số, bắp nướng, xôi, quầy rau cải nhỏ trong chợ, có cả những người già neo đơn sống nhờ trợ cấp của con cháu, ở xã Châu Bình. Sau khi vỡ hụi, các hụi viên xem như trắng tay vì toàn bộ tài sản của bà Liên đã bị tẩu tán.

Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Bến Tre, gần đây tình hình vỡ nợ tiền vay, bể hụi trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, với tổng số tiền trị giá trên 90 tỉ đồng. Công an các cấp trong tỉnh đã thụ lý 20 vụ vỡ nợ, bể hụi, nhưng gần như các nạn nhân đều không thể lấy lại được số tiền đã mất.

1 luật sư tại Tiền Giang cho biết, bản chất của việc chơi hụi là tốt, vì đây là 1 hình thức góp vốn tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn trên tinh thần tự nguyện giữa người dân. Trên thực tế vẫn có nhiều hình thức góp vốn chơi hụi an toàn nhiều năm, nhiều gia đình vượt qua lúc khó khăn nhờ nguồn vốn này.

Tuy nhiên, khi lãi suất của việc chơi hụi được đẩy lên cao và người cầm trịch (chủ hụi) có tà tâm muốn chiếm đoạt tiền của hụi viên bằng nhiều thủ đoạn tinh vi thì tất yếu sẽ xảy ra vỡ hụi.

Theo vị luật sư này, lẽ ra ngay từ đầu các hụi viên phải có ý thức bảo vệ đồng tiền của mình bằng cách có mặt đầy đủ trong các kỳ khui hụi để biết rõ ai là người được hốt hụi; đồng thời các kỳ khui hụi cần phải được lập biên bản có chữ ký xác nhận của chủ hụi, người hốt hụi và tất cả hụi viên.

Nhưng lâu nay các hụi viên không thực hiện việc này, nên đến lúc bể hụi thì trên tay mỗi người chỉ có vài tờ giấy ghi những dòng chữ, con số không có giá trị pháp lý để khởi kiện.

Hoàng Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bến Tre: Hàng trăm người dân uất nghẹn vì… hụi