Dịch bệnh bạch hầu đang bùng phát mạnh, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, trong đó có nhiều trường hợp nguy kịch và tử vong, Bộ Y tế đã ra công điện khẩn đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu.
Hơn 40 nhân viên y tế BV Quân y 175 uống thuốc dự phòng lây nhiễm bạch hầu
Người mắc bệnh bạch hầu xin về nhà chờ... chết vì không được bảo hiểm y tế
Đà Nẵng: Cách ly điều trị 7 bệnh nhi mắc bệnh bạch hầu
Ngày 3.7, Bộ Y tế cho hay đã có công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh: Đắk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông.
Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 6.2020 đến nay, trên địa bàn khu vực Tây nguyên đã ghi nhận 20 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp (tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, trong đó có 1 trường hợp tử vong) và tại tỉnh Kon Tum 8 trường hợp.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại đây, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu.
Trong đó, ngành y tế địa phương tập trung chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng; chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Bộ Y tế cũng lưu ý địa phương này trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu gửi văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành y tế Đắk Nông tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong cơ sở khám, chữa bệnh và trong cộng đồng để người dân hiểu và chủ động phòng, chống dịch bạch hầu; phối hợp với các Sở ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Riêng đối với các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương trên chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh bạch hầu do cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh Đắk Nông chuyển đến theo đúng quy định về thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm B, như tiếp nhận và xử lý điều trị cấp cứu.
Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân G.A.Ph. (13 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) điều trị bệnh bạch hầu tại đây đang có diễn biến xấu hơn sau một tuần điều trị tích cực. Bệnh nhân đang rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim lại nặng hơn, chức năng co bóp tim giảm, suy thận mức độ vừa.
Các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, dùng máy tạo nhịp tim nhân tạo, uống thuốc vận mạch và điều trị dinh dưỡng hỗ trợ. Các bác sĩ nhận định khả năng tử vong của bệnh nhân này lên đến 70-80%.
Hồ Quang