Từ ngày mùng 3 Tết Quý Mão 2023 tới nay, thời tiết miền Bắc trở rét khiến nhiều người nhập viện do viêm phổi, tim mạch, xương khớp, thậm chí đột quỵ.

Bệnh nhân gia tăng khi thời tiết lạnh và thói quen ăn uống không điều độ

Dạ Thảo | 31/01/2023, 18:47

Từ ngày mùng 3 Tết Quý Mão 2023 tới nay, thời tiết miền Bắc trở rét khiến nhiều người nhập viện do viêm phổi, tim mạch, xương khớp, thậm chí đột quỵ.

Thời tiết lạnh sâu như những ngày qua, cộng với việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống trong những ngày tết là nguyên nhân gia tăng nhiều bệnh lý liên quan đến tim mạch, rối loạn tiêu hóa.

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong các tháng mùa đông vừa qua, số lượng bệnh nhân nhập viện vào trung tâm tăng lên đáng kể, và số ca nặng cũng tăng cao. Nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột.

Bác sĩ Tôn cho biết, chỉ từ ngày 20 đến 27.1 đã có gần 2.000 lượt người đến khám chữa bệnh và nhập viện, tăng gấp 2 lần so với các năm trước đó, trong đó có nhiều ca bị đột quỵ nặng do thời tiết chuyển lạnh sâu đột ngột.

"Đặc biệt khi đón Tết Nguyên đán, với thói quen ăn uống không điều độ, có thêm rượu bia, ăn uống quá nhiều chất bổ khiến cơ thể càng trở nên rối loạn. Khi thời tiết xuống khoảng dưới 15 độ C thì nguy cơ đột quỵ tăng lên 80% so với những thời điểm nhiệt độ bình thường. Bệnh nhân thường bị đột quỵ vào thời gian đêm khuya và sáng sớm. Kèm theo đó là người mắc các bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh lý chuyển hóa khác… nên dễ bị đột quỵ. Để phòng tránh, ngoài việc người bệnh cần chú ý chế độ ăn uống, tránh ra ngoài trời lạnh đột ngột thì cũng cần ăn uống đủ chất, tăng cường ăn thêm rau củ quả" - bác sĩ Tôn chia sẻ.

Mùa lạnh là lúc nguy cơ đột quỵ tim cao hơn cả, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố gây nguy cơ như suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm… Khi thời tiết lạnh, các mạch máu co lại khiến áp lực trong mạch máu tăng lên, dẫn đến tăng huyết áp, đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn, gây ra đột quỵ tim. Ngoài ra, việc thiếu hoạt động thể chất do ngại ra ngoài trong tiết trời lạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ này.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, nếu người nhà thấy điều gì bất thường ở những bệnh nhân có bệnh nền thì cần kịp thời đưa ngay tới các cơ sở y tế. Việc ăn uống không kiểm soát vào ngày tết khiến quá trình hấp thụ và chuyển hóa của hệ tiêu hóa trở nên quá tải. Từ đó, dạ dày dễ kích ứng, khó tiêu và hình thành nhiều bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm. Ngoài ra, người bệnh có thể đối mặt với nhiều bệnh lý khác về tiêu hóa như: Ợ chua, tiêu chảy, viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh về gan.

Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trước và sau Tết, số lượng bệnh nhân từ người già đến trẻ nhỏ nhập viện đều tăng cao. Trẻ em thì bị các bệnh về hô hấp, còn người lớn thì bị nhiễm các bệnh về viêm phế quản, phổi, xương khớp, đột quỵ...

Theo bác sĩ Phùng Duy Hồng Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức), với thời tiết trở lạnh và thói quen ăn uống sinh hoạt không điều độ, rượu bia nhiều, hút thuốc lá liên tục, dùng các chất kích thích, đã có những bệnh nhân bị lóc động mạch chủ - một bệnh lý ngoại khoa nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân chính gây ra đột tử ở người khỏe mạnh. 

Theo ghi nhận, trong 1 tuần qua Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận tới 10 ca lóc động mạch chủ cấp tính. Bệnh có các biểu hiện như cơn đau đột ngột vùng ngực hoặc bụng phía sau cột sống thắt lưng, cơn đau đột ngột dữ dội có thể lan từ bụng lên ngực hoặc từ ngực xuống bụng gây choáng ngất vã mồ hôi lạnh. Các bác sĩ khuyến cáo cần loại bỏ các thói quen sinh hoạt có hại như hút thuốc lá, thuốc lào; kiểm soát tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao; hạn chế bia, rượu.

Theo các chuyên gia, mùa đông - xuân là thời điểm dễ mắc bệnh nhất trong năm bởi những tác động khắc nghiệt như gió rét, trời lạnh, thiếu năng lượng mặt trời. Đặc biệt sự sụt giảm đột ngột về nhiệt độ hay sự chênh lệch nhiệt độ lớn trong ngày là tác nhân đe dọa trực tiếp đến sức đề kháng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt ở những người có bệnh nền. Trong thời tiết lạnh, mọi người nên mặc nhiều lớp quần áo, vì khi mặc nhiều quần áo sẽ có lớp không khí ở giữa chắn nhiệt, do đó cơ thể giữ ấm được tốt hơn thay vì chỉ mặc một chiếc áo dày. Đặc biệt, khi trời lạnh mọi người nên vận động trong nhà, khi vận động sẽ tạo ra năng lượng và giữ ấm cho cơ thể tốt hơn so với ít hoạt động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân gia tăng khi thời tiết lạnh và thói quen ăn uống không điều độ