Hiện là thời điểm giao mùa thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, cộng thêm sự xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn, vi rút, khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh đường hô hấp.

Bệnh nhi tăng bất thường khi giao mùa, bác sĩ chỉ cách phòng ngừa

Dạ Thảo | 22/09/2022, 13:10

Hiện là thời điểm giao mùa thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, cộng thêm sự xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn, vi rút, khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh đường hô hấp.

Khoa nhi ở các bệnh viện phía bắc quá tải

Theo ghi nhận, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi trung ương những ngày gần đây tiếp nhận trung bình khoảng gần 300 lượt khám/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp. Trong đó, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Tương tự, tại Khoa Nhi các Bệnh viện E, Xanh Pôn, Thanh Nhàn... số trẻ em nhập viện do mắc các bệnh viêm đường hô hấp và tiêu chảy cấp cũng gia tăng.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), khoảng hơn 1 tháng nay, số bệnh nhi nhập viện gia tăng, chủ yếu mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, trong đó có một số trẻ mắc viêm phổi do vi rút Adeno. Do số bệnh nhân tăng nhanh, Khoa Nhi của bệnh viện đã phải mượn cả phòng của Khoa Ngoại tổng hợp để có chỗ cho bệnh nhân.

BS Vũ Thị Mai thuộc Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết, với trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại nhà, cha mẹ lưu ý cách vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ ở mũi, họng - nơi vi khuẩn, vi rút dễ bám đầu tiên; đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ như ăn đủ vi chất, cho trẻ ngủ đúng giờ, nên cách ly với các trẻ đã có triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, đối với những trẻ sốt cao tới 2-3 ngày thì cha mẹ nên đưa trẻ vào bệnh viện để thăm khám cẩn thận. 

"Có những thủ thuật vệ sinh đường họng nên thực hiện hằng ngày cho trẻ, trong đó có sử dụng xịt họng. Nếu trẻ đã có triệu chứng mũi màu xanh thì nên rửa mũi hằng ngày cho trẻ bằng nước muối. Nếu không có triệu chứng thì cũng không nên rửa, tránh tình trạng bơm rửa mũi nhiều cho trẻ nếu không biết cách sẽ vô tình đẩy các tác nhân sang các xoang bên trong như xoang mũi, vào tai giữa", BS Mai khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Mai, nếu cha mẹ nào chưa có kinh nghiệm và không có máy hút mũi, vùng họng thì có thể sử dụng dung dịch vệ sinh như muối, muối nước biển sâu; xịt họng có thể xịt 3-4 lần/ngày. Bên cạnh đó, không nên chiều theo ý trẻ là không đánh răng, không vệ sinh họng.

Để đề phòng bệnh trở nặng, bác sĩ Mai khuyến cáo các phụ huynh cần phải theo dõi sát các bé với triệu chứng bệnh tái đi tái lại nhiều lần, các bé chưa được tiêm phòng đầy đủ, các bé chưa được uống thuốc Vitamin A theo đợt...

benh-nhi.jpg
Số trẻ em nhập viện gia tăng do mắc các chứng bệnh về phổi, họng do giao mùa

Không tự ý điều trị tại nhà và cho trẻ uống kháng sinh

Bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, hiện nay vi rút Adeno chia làm 7 nhóm từ A-G, trong đó có hơn 50 type gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều nơi trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do vi rút này là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm não màng não…

Theo bác sĩ Hanh, trẻ nhiễm vi rút này thường có các biểu hiện như: sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có biểu hiện nặng xuất hiện tình trạng khó thở.

Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc vi rút Adeno sẽ được làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như: xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, xét nghiệm xác định căn nguyên bằng kỹ thuật Realtime PCR. Trẻ bị nhiễm vi rút này khi nhập viện sẽ được cách ly tại các phòng bệnh riêng biệt; hỗ trợ hô hấp (thở oxy hoặc thở máy) khi cần và dùng kháng sinh trong trường hợp bị bội nhiễm viêm phổi.

Vi rút Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Bệnh này có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm vi rút này do có sức đề kháng kém.

Trước những biến chứng nguy hiểm của bệnh, phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng, cần tỉnh táo để phát hiện kịp thời và phòng lây nhiễm cho trẻ.

"Các thuốc kháng sinh hay thuốc kháng vi rút không được chỉ định cho tất cả bệnh nhân. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra", bác sĩ Hanh chia sẻ. 

Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu riêng cho vi rút Adeno. Vì vậy, việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa vẫn là giải pháp cơ bản và cho trẻ em súc miệng nước muối, vệ sinh răng miệng cẩn thận hàng ngày.

Bài liên quan
Chàng trai 18 tuổi chết não đem lại sự sống cho 5 bệnh nhân đang nằm chờ chết
7 đơn vị tạng của chàng trai 18 tuổi (quê An Giang) đã được hiến để cứu sống 5 bệnh nhân đang nằm chờ chết và 2 người mù lòa được sáng mắt. Đó là một sự "ra đi" đã đem lại sự sống cho nhiều người.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhi tăng bất thường khi giao mùa, bác sĩ chỉ cách phòng ngừa