Nhiều khách hàng phản ánh rằng nhiều bên thu hồi nợ có những biện pháp đe dọa thu hồi nợ khiến họ cảm thấy rằng thân thể, tính mạng, uy tín của bản thân bị đe dọa. Trong những trường hợp này thì khách hàng có thể trình báo sự việc đến chính quyền địa phương, cơ quan công an để được can thiệp, giải quyết”, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp nói.
Thưa ông, hành lang pháp lý về hoạt động cho vay của công ty tài chính ở Việt Nam được quy định thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016 của Ngân hàng nhà nước, và Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 4.11.2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016.
Theo đó, công ty tài chính phải ban hành quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng, quản lý tiền vay phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của công ty tài chính. Trong đó phải có nội dung quy định về các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật; biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của công ty tài chính phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/1 ngày.
Hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng. Trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ…
Trường hợp công ty tài chính bán nợ cho bên thứ ba được phép mua nợ theo quy định của pháp luật. Trong hợp đồng mua bán nợ phải có cam kết của bên thứ ba về việc thực hiện các quy định đã thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng cho vay tiêu dùng (trong đó bao gồm cả các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ) phù hợp với quy định tại Thông tư trên và quy định của pháp luật có liên quan.
Mặc dù đã có quy định pháp luật nhưng hiện nay nhiều công ty tài chính vẫn đòi nợ không đúng, không phù hợp, làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, công việc và đôi khi còn xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín và thậm chí là sức khỏe của khách hàng. Ông nghĩ sao về điều này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện tại có 3 cách khác nhau để thu hồi khoản nợ từ khách hàng. Theo đó công ty tài chính có thể tự thu hồi khoản nợ từ khách hàng; thuê các công ty thu hồi nợ thu hồi khoản vay; hoặc bán khoản nợ cho các tổ chức mua nợ trên thị trường.
Pháp luật hiện hành công nhận kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hay nhiều người gọi là “đòi nợ thuê” như một loại dịch vụ tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14.6.2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Thông tư số 110/2007/TT-BTC ngày 12.9.2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp và đã quá hạn thanh toán. Còn các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Theo quy định thì bên đi đòi nợ phải thực hiện việc đòi nợ theo đúng thủ tục pháp luật quy định, không được dùng vũ lực, cưỡng ép, cướp tài sản của người bị đòi nợ mà không phải do con nợ tự nguyện giao tài sản trả nợ, không được thực hiện những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mặc dù đã có quy định pháp luật nhưng hiện nay nhiều công ty tài chính vẫn đòi nợ không đúng, không phù hợp, làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, công việc và đôi khi còn xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín và thậm chí là sức khỏe của khách hàng. Ví dụ như gọi điện đòi nợ trước hạn nộp, truy đòi nợ kiểu quấy rối, ráo riết, liên tục, làm phiền cuộc sống của khách hàng và gia đình, người thân; có lời lẽ, hành vi đe dọa khi đòi nợ; sử dụng hình ảnh của khách hàng trái phép để đòi nợ.
Để xảy ra tình trạng này cũng một phần là trách nhiệm thanh tra, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ còn chưa triệt để, chưa hiệu quả.
Liên quan đến vụ việc đòi nợ của Công ty tài chính FE CREDIT đối với khách hàng vay khiến người này phải tự tử gây bức xúc cho dư luận thời gian qua, FE CREDIT đã phát đi thông cáo khẳng định đó là khách hàng có 2 khoản nợ quá hạn với tổng dư nợ là 51 triệu đông tại công ty này, ngoài ra còn khoản nợ tại 3 công ty tài chính khác với tổng dư nợ hơn 83 triệu đồng.
FE CREDIT cho biết, các khoản nợ xấu sẽ được chuyển cho các đối tác thực hiện việc thu hồi nợ theo thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng tín dụng, tuân thủ theo quy định tại Luật bảo về quyền lợi người tiêu dùng. Ông bình luận gì về phản hồi này của FE CREDIT.
Luật sư Đặng Văn Cường: FE CREDIT có quyền phát thông cáo bày tỏ quan điểm về vụ việc để bảo vệ quyền lợi, uy tín của công ty tài chính.
Theo tôi được biết thì để nhằm làm rõ việc tuân thủ quy định của pháp luật và có đủ thông tin cung cấp cho tổ chức, cá nhân liên quan về sự việc đòi nợ của FE nêu trên, ngày 29.6.2020 NHNN đã ban hành công văn yêu cầu FE CREDIT khẩn trương thực hiện các việc như: Rà soát toàn bộ các quy định nội bộ của FE CREDIT về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ, các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ nợ, bán nợ để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 43 đã được sửa đổi, bổ sung và các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng của FE CREDIT, trong đó bao gồm việc xét duyệt, cấp tín dụng, theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ, thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận của FE CREDIT với các đối tác thu hồi nợ bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Như vậy FE CREDIT phải cung cấp được các văn bản, hợp đồng về khoản vay với khách hàng, quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng và việc chuyển giao thu hồi nợ, thủ tục thu hồi nợ, các văn bản có liên quan để chứng minh cho thông cáo FE credit phát hành là đúng.
Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, làm rõ về khoản vay của khách hàng với FE, hợp đồng vay thể hiện ra sao, khoản vay này đã quá hạn chưa, khách hàng đã thực hiện những nghĩa vụ gì, việc thu hồi nợ của FE diễn ra như thế nào, có tuân thủ quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng không; nếu FE chuyển giao thực hiện thu hồi khoản nợ cho đối tác khác thì đối tác đó có được kinh doanh đòi nợ theo quy định không, việc thực hiện đòi nợ đã phù hợp với quy định pháp luật chưa …
Nếu có sự vi phạm trong quá trình ký kết hợp đồng vay vốn hay thu hồi nợ thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Lãi suất cho vay tại các công ty tài chính khá cao, rơi vào 40-50%, thậm chí lên đến 80%. Theo ông, việc các công ty tài chính thu lãi mức cao thế này có vi phạm pháp luật không? Việc quản lý lãi suất của các công ty tài chính cần được thực hiện như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Bộ luật dân sự 2015 quy định về mức lãi suất cho vay không được quá 20% năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Theo quy định của Luật tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật có liên quan thì trên thực tế các ngân hàng vẫn cho vay vượt mức lãi suất trần nói trên, bởi luật chuyên ngành là luật các tổ chức tín dụng và thông tư 39/2016/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được thoả thuận mức lãi suất vay chứ không phụ thuộc vào quy định tại điều 468 BLDS.
Về bản chất, ngân hàng được phép cho vay lãi suất theo thỏa thuận do quan hệ cho vay của các tổ chức tín dụng là một quan hệ đặc biệt chứ không phải quan hệ dân sự thông thường. Nó chịu sự tác động của thị trường và quy luật cung cầu của nền kinh tế.
Tuy vậy, không phải các ngân hàng được cho vay với mức lãi suất bao nhiêu cũng được, mà theo quy định tại thông tư 39 thì mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn.
Còn đối với các công ty tài chính thì tại Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành và Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 4.11.2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, có quy định:
Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.
Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29.11.2010 của Thống đốc ngân hàng nhà nước quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm.
Căn cứ theo quy định trên thì các công ty tài chính sẽ căn cứ vào mức lãi suất cho vay cơ bản của NHNN để đề ra mức lãi suất áp dụng cho mình. Luật không có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa của các công ty tài chính là bao nhiêu, mà lãi suất tối đa cho việc cho vay mục đích tiêu dùng tại công ty tài chính do công ty tài chính tự điều chỉnh và phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng.
Thưa ông, trong trường hợp khách hàng vay tiền tại các công ty tài chính cảm thấy rằng thân thể, tính mạng, uy tín của bản thân bị đe dọa bởi các công ty đòi nợ, họ cần phải làm thế nào để tự bảo vệ mình?
Luật sư Đặng Văn Cường: Đúng là hiện nay mặc dù pháp luật đã có quy định về biện pháp thu hồi nợ như bên đi đòi nợ phải thực hiện việc đòi nợ theo đúng thủ tục pháp luật quy định, không được dùng vũ lực, cưỡng ép, cướp tài sản của người bị đòi nợ mà không phải do con nợ tự nguyện giao tài sản trả nợ; không được thực hiện những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thậm chí là tính mạng, sức khỏe của con nợ.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều khách hàng phản ánh rằng nhiều bên thu hồi nợ có những biện pháp đe dọa thu hồi nợ khiến họ cảm thấy rằng thân thể, tính mạng, uy tín của bản thân bị đe dọa. Trong những trường hợp này thì khách hàng có thể trình báo sự việc đến chính quyền địa phương, cơ quan công an để được can thiệp, giải quyết.
Ông có giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông? Ông có cho rằng việc đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm tại Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ hạn chế được tình trạng này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Thực tế thì liên quan đến việc bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Thực tế ngành nghề này đang gây ra nhiều hệ lụy tuy nhiên nguyên nhân vẫn xuất phát từ công tác quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn nhiều lỏng lẻo, gần như mất kiểm soát đã tạo ra lỗ hổng. Nhiều người cho rằng “không quản được thì cấm” là không nên.
Thực ra theo quan điểm của tôi thì cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng chưa hẳn đã khả thi bởi lẽ lâu này chúng ta vẫn đang quản lý, điều chỉnh bằng các quy định pháp luật hoạt động kinh doanh dịch vụ này, hoạt động đòi nợ thuê đã chính thức có hành lang pháp lý để quản lý từ năm 2007 với Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy nếu cấm sẽ tạo tiền lệ xấu về việc “cứ quản không được là cấm”.
Nếu cấm thì hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể bị buông lỏng, tạo lỗ hổng trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với dịch vụ đòi nợ, để xảy ra việc lạm dụng, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của công dân.
Có thể nói dịch vụ đòi nợ là nhu cầu tất yếu của xã hội phát sinh trong quan hệ dân sự vay nợ - trả nợ. Cấm không cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ là bước đi thụt lùi trong công tác quản lý, trong một xã hội văn minh thì nên hạn chế tối thiểu lệnh cấm, các quy định cấm đoán đối với người dân.
Hiện tại kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề có điều kiện do đó nên chăng nhà nước cần xây dựng các quy định và chế tài theo hướng thật chặt chẽ nhằm quản lý tốt vấn đề về an ninh trật tự và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.
Cần có những chế tài mạnh đối với hành vi vi phạm và tăng cường công tác quản lý sâu sát hơn với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này; đồng thời cần có quy định thêm trong xử lý hình sự hành vi gây mất trật tự và xâm phạm tính mạng người khác liên quan đến công việc đòi nợ. Để tránh nguy cơ gây mất an ninh trật tự thì theo tôi cần có các quy định siết chặt hoạt động đòi nợ của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên hiện nay Quốc hội đã thống nhất đưa dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Vì vậy quy định này liệu có hạn chế được tình trạng thu hồi nợ làm quá đà xảy ra thời gian qua hay không thì chúng ta cần đợi thực tiễn sẽ có câu trả lời.
Xin cảm ơn ông!
Lam Thanh (thực hiện)