Đang thụ án tù, tên tội phạm bỗng nhiên đổ bệnh nặng, phải vào bệnh viện cấp cứu. Trong những ngày hắn nằm điều trị, là những ngày các chiến sĩ công an khá vất vả.
Tội phạm nhập viện, dĩ nhiên không có người thân đi theo, xung quanh chỉ có công an.
Bước xuống chiếc xe đặc chủng, hắn ngồi chờ các chiến sĩ công an đi làm thủ tục. Tiền tạm ứng điều trị cho hắn, các chiến sĩ công an cũng phải mócví, sau đó về thanh toán lại với cơ quan.
Dù bệnh nặng, nhiều tên tội phạm quỷ quyệt, tranh thủ cơ hội ngàn vàng này đểtìm cách trốn trong thời gian điều trị. Vì vậy, mặc cho hắn có bệnh nặng đến mức đi không nổi, nhưng quy tắc bất di bất dịch là không thể tháo còng cho hắn.
Chăm sóc như… người thân
Trải chiếc chiếu mỏng bên ngoài hiên phòng, 4 anh công an trẻmặc thường phục thay nhau túc trực canh hắn ngày đêm, không dám rời mắt. Một người ngủ, ba người kia phải thức, trong khi hắn nằm ngủ ngon lành.
Nếu tay không bị còng vào giường, người xăm trổ chằng chịt, không ai biết hắn là một tên trọng phạm. Hàng ngày hắn vẫn được các bác sĩ thăm khám chu đáo, các y tá phát thuốc đúng giờ, chẳng khácnhững bệnh nhân khác.
Những ngày mới nhập viện, do tràn dịch màn phổi, phải thở oxy, cơ thể yếu, không thể tự ăn được, lại không có người thân bên cạnh, công an chính là người mớm thức ăn lỏng cho hắn. Yếu quá, hắn không đi vào nhà vệ sinh được, việc tế nhị như: tiểu tiện, đại tiện đều thực hiện tại giường bệnh, công an càng vất vả. Mỗi lần nghe hắn kêu là các anh công an phải chạy vào lo cho hắn.
Các chiến sĩ công an đưa một tên tội phạm về trại giam sau khi điều trị phổiở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch(TP.HCM) và xuất viện. Ảnh: Lê Thứ
Nửa đêm hắn than đói, các chiến sĩ công an phải cử người ra trước cổng bệnh viện tìm mua cháo cho hắn.Nhiều khi, đêm khuya nghe tiếng hắn rên do lên cơn sốt, các chiến sĩ phải chạy lên gõ cửa phòng trực của bác sĩ.
Canh chừng, chăm sóc hắn chu đáo như người thân. Gần như thức trắng đêm vì hắnsuốt gần 2 tuần hắn ở bệnh viện.
Những chuyện bi hài
Do bị còng vào thanh giường, mỗi lần hắn đi đại tiện hay tiểu tiện, các chiến sĩ công an phải vào mở khóa còng, dẫn hắn vào nhà vệ sinh. Đây là thời khắc tên trọng phạm nham hiểm dễ dàng tìm cách trốn khỏi sự kiểm soát. Trong khi hắn đi vệ sinh, một chiến sĩ công an phải ngồi bên ngoài canh.
Nhiều lúc hắn giả vờ ngồi trong đó gần một tiếng đồng hồ. Không thể hối thúc hắn, các chiến sĩ công an cũng phải kiên nhẫn đợi để dẫn hắn quay về giường và còng tay hắn lại, mới yên tâm ra chiếu nằm.
Theo lời một chiến sĩ công an, những ngày qua, tên tội phạm cố tình cứ 20 phút đòi đi vệ sinh một lần, viện cớ do tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi nên bị đau bụng. Phải gọi bác sĩ kiểm tra, “trấn yểm” thì hắn mới không còn đòi đi vệ sinh, “hành” các chiến sĩ công an nữa.
Trước ngày xuất viện, càng phải canh chừng hắn cẩn thận hơn vì sau những ngày điều trị, sức khỏe của hắn ngày tiến triển tốt, hắn đã “mọc lông mọc cánh”, có khả năng cưa còng hay lợi dụng sơ hở để nhanh chân “sổng chuồng”.
Theo lời một chiến sĩ công ancó kinh nghiệm đưa tội phạm vào bệnh viện nhiều lần: Có tên đã khỏe hẳn nhưng làm như yếu đi không nổi. Đòi mở còng đi vệ sinh. Khi mở còng, tự dưng hắn nhanh nhẹn hẳn.
Hàng hiên các phòng bệnh nhân về đêm ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Lê Thứ
Còng vẫn nằm trên cổ tay hắn, một đầu chiến sĩ công an cầm chặt, dẫn hắn đi. Nhưng khi hắn vào nhà vệ sinh thì phải để hắn vào một mình. Hắn ngồi trong đó, thời gian vô chừng, không biết khi nào ra, chỉ sợ là lợi dụng sơ hở, hắn bung cửa chạy nhanh khỏi phòng. Vì vậy, đối với trường hợp tội phạm nằm bệnh viện, thường các chiến sĩ công an đi “canh” từ 4 người trở lên, đề phòng bất trắc.
Ngày hắn khỏe mạnh trở về trại giam, cũng là ngày các chiến sĩ trẻ được “giải thoát” khỏi cảnh ăn dầm, nằm dề ở bệnh viện. Dẫn tên trọng phạm, hai tay bị còng ra chiếc xe đặc chủng, rời bệnh viện, các chiến sĩ công an thở phào nhẹ nhõm.
(Vì lý do tôn trọng danh tính nhân vật và bảo mật cho các chiến sĩ công an, chúng tôi không nêu tên cụ thể).
Lê Thứ