Hiện dư luận rất quan tâm đến việc ông Nguyễn Cà Rê (ngụ ở Cần Thơ) đổi 100 USD ở tiệm vàng và bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng, đồng thời tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được. Khi sự việc xảy ra, nhiều người mới ngỡ ngàng bởi số tiền phạt quá lớn. Thậm chí, nhiều người không hề hay biết việc đổi USD ở những tiệm vàng này là vi phạm pháp luật.
Đúng luật nhưng chưa hợp tình
Anh Nguyễn Văn Linh (ngụ quận 7, TP.HCM) nói rằng quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê của UBND TP. Cần Thơ vì đã đổi 100 USD tại một tiệm vàng không sai về lý, thế nhưng lại không hợp tình.
"Hầu như nhiều người dân khi bước vào tiệm vàng hay điểm thu đổi ngoại tệ nào đó thì chỉ đưa tờ 100 USD và cầm về 2,3 triệu là xong. Chẳng mấy ai biết và dám hỏi tiệm hoặc nơi thu đổi ấy có giấy phép hay không. Trên thực tế, chuyện ấy thường như người ta ra chợ mua rau mua cá. Đành rằng pháp luật quy định nếu vi phạm như ông Rê phải nộp phạt từ 80 đến 100 triệu và ông ấy đã được xem xét để ấn định mức 90 triệu nhưng về tình rất khó chấp nhận người dân phải nộp số tiền quá lớn cho một hành vi không đáng.
Luật pháp phải nghiêm minh nhưng hình phạt cũng cần tương xứng. Không thể gộp chung trong khung từ 80-100 triệu đồng. Điều đó vừa không sát thực tế, chưa hợp tình và cực kì khó thực thi với những trường hợp như ông Rê. Chỉ có người ít tiền, lâu lâu ai cho tặng mới làm như ông ấy, chứ đại gia hoặc người đổi số lượng lớn thì họ đã đến ngân hàng hay dịch vụ đem đến tận nhà", anh Linh nói.
Đồng quan điểm, anh Ngô Chí Quốc (ngụ quận Bình Thạnh) cũng cho rằng pháp luật phải có tình có lý. Vụ việc trên công an làm đúng luật nhưng quá cứng nhắc, bởi hiện nay ít người hiểu hết pháp luật nên mới cần tuyên truyền pháp luật.
"Nên xét về tình vì nhiều người nghĩ muốn đổi tiền thì ra tiệm vàng thôi chứ đâu có ai biết tiệm vàng này có phép, tiệm kia thì không. Từ việc này tôi nghĩ cơ quan nhà nước nên tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân hoặc đề xuất chủ tiệm vàng dán thông báo được cấp phép thu mua ngoại tệ để người đổi còn biết", anh Quốc nhận xét.
Trong khi đó, chị Nguyễn Ngọc Thảo (ngụ quận 2) đánh giá trên thực tế, nhiều người dân khi có ngoại tệ thì thường không biết tiệm vàng hay tổ chức nào có chứng nhận đăng ký đổi ngoại tệ. Do đó, cơ quan chức năng nên tăng cường đi kiểm tra các cơ sở xem họ có đăng ký hay không thay vì phạt nặng như vậy. "Chắn rằng luật về trao đổi ngoại tệ chưa được phổ biến rộng rãi và còn rất nhiều người không hề biết đến luật trao đổi tiền tệ này. Nhà nước cần công bố rộng rãi cơ sở nào được phép và cơ sở nào không để người dân còn tránh".
Đổi ngoại tệ ở đâu là hợp pháp?
Theo điểm a, khoản 3, Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP, hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng - 100 triệu đồng. Trong khi đó, Thông tư 20/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Riêng việc bán ngoại tệ còn có thể được thực hiện tại các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép. Các đại lý đổi ngoại tệ là các tổ chức kinh tế đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Nghị định 89/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng cũng phải thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng.
Như vậy, quy định của pháp luật đã khá rõ ràng song hoạt động mua bán ngoại tệ, trong đó phổ biến nhất là mua bán USD tại những tiệm vàng không được cấp phép thu đổi ngoại tệ vẫn diễn ra công khai và phổ biến.
Theo tìm hiểu của báo điện tử Một Thế Giới, hiện nay, nhiều người dân vẫn giữ thói quen đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng. Nguyên nhân là vì so với tỷ giá USD ở các ngân hàng thương mại, mức chênh lệnh thu đổi ngoại tệ ở thị trường tự do cao hơn khoảng 10.000 - 20.000 đồng/100 USD. Cạnh đó, một số người dân cho rằng việc đổi ngoại tệ ở các ngân hàng thường khó khăn, mất thời gian do nhân viên thường truy hỏi nguồn gốc, giấy tờ liên quan... đến số tiền cần đổi.
Chị Hoàng Thị Loan (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) có anh chị em định cư tại Mỹ nên thường gửi USD cho chị để lo công việc gia đình. Khi nhận tiền, thay vì đổi luôn ở các ngân hàng thương mại thì chị Loan lại chọn tiệm vàng để đổi bởi do thói quen và sự tiện lợi. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc nếu bị phát hiện bắt quả tang đang mua bán, thu đổi ngoại tệ ở các tiệm vàng, ngoài bị tịch thu, cả người mua và người bán đều xử phạt, thì chị lắc đầu không biết về quy định đó.
Tương tự như chị Loan, nhiều người dân khi được hỏi đều tỏ ra mù tịt về Nghị định 96 hay quy định xử phạt. Hầu như ai cũng cho rằng việc đổi USD ở tiệm vàng là bình thường và từ trước đến nay chưa thấy ai bị xử lý. Do vậy, sự việc ông Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng khiến không ít người hoang mang và sốc nặng.
Phan Diệu