Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư rất lớn vào Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương không thể thu hút được vốn từ quốc gia này. Với mong muốn tiến sâu vào thị trường Việt Nam, nhiều đại diện phía Nhật Bản đã nêu ra những “bí quyết” để Việt Nam thu hút được doanh nghiệp Nhật Bản.
“Về chiến lược công nghiệp hóa, Nhật Bản sẽ đầu tư vào 6 lĩnh vực là chế biến, chế tạo, năng lượng, công nghiệp ô tô, xây dựng, bất động sản… thông qua 6 kế hoạch hành động tương ứng”, ông Chikahiro Masuda nhấn mạnh.
Phía Nhật Bản cũng sẽ cung cấp thông tin về các ngành công nghiệp của Việt Nam, thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản để hỗ trợ đầu tư vào Việt nam.
Một số hạn chế về môi trường kinh doanh được phía Nhật Bản đưa ra là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện ở nhiều yếu tố, những quy định về thuế còn khá rườm rà. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn nặng nề, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Những hạn chế về môi trường kinh doanh này hiện nay là rào cản rất lớn trong việc thu hút đầu tư.
“Bí quyết” để các tỉnh thu hút đầu tư
Bên cạnh đó, ông Naoki Takeuchi cũng đưa ra một số “bí quyết” để các địa phương thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản.
Đó là cần phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng bởi hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương có đường cao tốc nối với thành phố lớn là lợi thế rất lớn đề thu hút đầu tư.
Hệ thống nhà ở, trường học, bệnh viện… đáp ứng được nhu cầu của người Nhật cũng là yếu tố quan trọng. Bởi hiện nay, số lượng người Nhật vào Việt Nam đầu tư, sinh sống ngày càng nhiều. Nếu các địa phương tạo được môi trường sinh sống phù hợp thì sẽ có được lợi thế hơn trong việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản.
Thêm nữa, các địa phương của Việt Nam cần quảng bá hơn nữa thế mạnh, sự hấp dẫn của địa phương mình để thu hút sự chú ý và đầu tư của không chỉ riêng Nhật Bản và còn của nhiều quốc gia khác.
Đồng thời, một yếu tố khá quan trọng đó là tăng cường sử dụng tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Nhật trong các hoạt động với phía Nhật Bản. Đây là lợi thế không nhỏ mà các địa phương cần tận dụng để có thể thu hút đầu tư, cạnh tranh với các địa phương khác.
Đồng tình với những nhận xét này, ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, các địa phương muốn có được đầu tư nước ngoài thì cần phải quan tâm hơn nữa đến họ và thông qua nhiều kênh khác nhau.
“Đối với các địa phương đã có đầu tư từ Nhật Bản cũng cần phải tăng cường thu hút đầu tư hơn nữa. Các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào Việt Nam cũng có nhiều tiếp xúc với các doanh nghiệp đang có đầu tư ở Việt Nam, nên thông qua kênh này, các địa phương có thể quảng bá được hình ảnh của địa phương mình”, ông Shimon Tokuyama nhận xét.
Bên cạnh đó, theo ông Shimon Tokuyama, ở tầm lớn hơn, việc ngoại giao, tiếp xúc, đối thoại xúc tiến đầu tư cấp cao giữa hai quốc gia cũng là cách để các doanh nghiệp nắm bắt tình hình đầu tư.
Song song đó, ông Shimon Tokuyama cũng cho rằng, ở Việt Nam, người Nhật cũng mong muốn được cung cấp các thông tin từ Nhật Bản thông qua các hệ thống truyền thông của Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) cho rằng, sắp tới Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Qua đó, Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến của làn sóng đầu tư mới nên mong muốn các địa phương có sự chuẩn bị và tận dụng được những làn sóng đầu tư này.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư), trong 11 tháng năm 2015, Nhật Bản đã đầu tư vào 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với nhiều lĩnh vực và lên tới gần 20 tỉ USD. Trong đó, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM… thu hút nhiều nhất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh không thu hút được vốn đầu tư Nhật Bản.
Hoàng Long