Sáng 1.4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2023.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'Sức khỏe' kinh tế TP.HCM chưa thực sự phục hồi sau bạo bệnh

Tú Viên | 01/04/2023, 14:40

Sáng 1.4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2023.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá thành tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 ước đạt 360.622,1 tỉ đồng (theo giá hiện hành), tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. TP.HCM có mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.

TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đánh giá tình hình phát triển kinh tế của TP.HCM chịu tác động rất lớn từ tình hình thế giới và trong nước. Ông đặt câu hỏi, đến thời điểm này, 2 yếu tố từng diễn ra vào quý 4/2022 đã giảm, nguy cơ đổ vỡ các ngân hàng trong nước đã qua, kiểm soát được lãi suất, tỷ giá. Sự tác động tiêu cực đến TP giảm, nhưng tại sao tăng trưởng lại thấp như vậy?

01-04-2023-tphcm-trien-khai-nhiem-vu-giai-phap-quy-ii-nam-2023-10ca498a-details.jpeg
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp

Theo TS Trần Du Lịch, có 3 động lực để thúc đẩy nền kinh tế là sử dụng công cụ đầu tư công, hấp thụ vốn và phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong quý 1/2023, TP.HCM giải ngân đầu tư công chỉ đạt 2%, xem như đã bỏ hoàn toàn công cụ này. Thứ 2 là việc gỡ các thể chế để hấp thụ vốn vẫn chưa được quyết liệt, phải công khai minh bạch trong kêu gọi các dự án. Thứ 3 là việc khai thác thị trường nội địa của TP chưa được hiệu quả. Như vậy, vấn đề là cả 3 trụ cột để thúc đẩy kinh tế, nói nôm na là “liều thuốc” để vực dậy TP chưa được sử dụng hiệu quả.

Từ đó, TS Trần Du Lịch cho rằng vấn đề quan trọng nhất là TP phải hấp thụ được vốn, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân. Dẫn chứng Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM đã khẳng định vị trí liên kết vùng của TP.HCM, theo ông Lịch, TP hoàn toàn có thể vực dậy nền kinh tế nếu giải quyết được các điểm nghẽn. Bên cạnh đó, TP phải công khai minh bạch toàn bộ vấn đề. Đây là mấu chốt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có niềm tin thì TP sẽ phát triển được.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm, tình hình sức khỏe doanh nghiệp vẫn còn khó, đầu ra của thị trường suy giảm nên nhu cầu vay vốn không nhiều.

"Về gói 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, sửa chữa nhà chung cư, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo để triển khai, 1 - 2 tuần tới sẽ triển khai gói này, khi có hướng dẫn thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM sẽ triển khai ngay đến người dân, doanh nghiệp có nhu cầu", đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định.

Phát biểu định hướng phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, 3 năm nay, tình hình diễn biến theo đúng tinh thần dự báo của các chuyên gia, đó là biến động, bất định, phức tạp và có những điều mơ hồ. TP.HCM hội nhập sâu rộng, bởi vậy, các hoạt động đều chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình thế giới và trong nước. Mặc dù đo lường trước được tình hình nên năm 2023, TP đề ra mục tiêu thấp hơn năm 2022, nhưng không ngờ kết quả quý 1 lại xuống sâu như thế.

“Có thể nói, sau “cơn bạo bệnh” của năm 2021, TP đã bật dậy rất vững mạnh, đem lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, sau đó TP lại tiếp tục “quằn quại” trở lại, vậy điều gì đã xảy ra, có đúng quy luật không? Nguyên do tác động từ bên ngoài là đương nhiên nhưng “sức khỏe” của TP rõ ràng vẫn còn có vấn đề. Một số chuyên gia cho rằng hậu quả của cơn bệnh chưa thực sự qua, TP bật dậy về tinh thần là chính nhưng vẫn còn hậu quả của căn bệnh COVID-19 để lại”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phân tích.

Từ đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị từng ngành, từng lĩnh vực nhìn nhận sát thực, khách quan nhất và nghiêm túc nhất những gì đã làm, đang làm và sẽ làm, để đề ra giải pháp cho quý 2 và những quý còn lại của năm, cũng như chuẩn bị cho những năm kế tiếp, để hoàn thành nhiệm kỳ một cách tốt nhất.

Bài liên quan
TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng, đã có 1 trường hợp tử vong
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM gia tăng và đã có 1 trường hợp tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
7 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'Sức khỏe' kinh tế TP.HCM chưa thực sự phục hồi sau bạo bệnh