Trao đổi với Một Thế Giới về việc chính quyền tỉnh đồng ý chủ trương cho triển khai dự án resort 70 ha ở đảo tiền tiêu Lý Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khẳng định: ‘Yên tâm, không quyết định vội vã được’.

Bí thư Quảng Ngãi: Không quyết định vội vã dự án resort ở Lý Sơn

Lê Đình Dũng | 19/01/2018, 17:36

Trao đổi với Một Thế Giới về việc chính quyền tỉnh đồng ý chủ trương cho triển khai dự án resort 70 ha ở đảo tiền tiêu Lý Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khẳng định: ‘Yên tâm, không quyết định vội vã được’.

Như Một Thế Giới đã thông tin, trong cuộc họp ngày 12.1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã "thống nhất về chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam được nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án resort, khách sạn và thương mại tại huyện Lý Sơn. Đề nghị Nhà đầu tư sớm hoàn chỉnh dự án, trình UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến".

Dự án resort, khách sạn và thương mại được Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam đề xuất triển khai tại phía tây huyện đảo Lý Sơn. Đây là khu vực tập trung nhiều danh lam, thắng cảnh của đảo Lý Sơn như chùa Hang, Cổng Tò Vò, miệng núi lửa Thới Lới… trên tổng diện tích khoảng 20 ha. Ngoài ra, Công ty​ cũng đề xuất cho phép phạm vi nghiên cứu ngoài âu tàu, trên diện tích khoảng 50 ha, là khu vực tiếp giáp với dự án.

Nhà đầu tư đề xuất các hạng mục đầu tư dự án như: Khu nhà Shophouse; khu Nhà hàng, Khách sạn; khu Spa, Yoga, Bar, Gym; khu bể bơi chung, bể bơi riêng, khu bể bơi lướt sóng; phun nước nghệ thuật; khu kỹ thuật - dịch vụ khác…

Vị trí dự án ở vùng thềm biển có san hô của Lý Sơn

Sau khi có thông tin này, nhiều nhà khoa học, chuyên gia và dư luận đã bày tỏ quan ngại cho đảo Lý Sơn nếu dự án được triển khai.

Từ Hội An, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh,chuyên giacủa Ban Quản lý Khubảo tồnbiển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cho rằng: “Tôi cũng ra Lý Sơn nhiều rồi, theo tôihiện nay không gian cho du khách ở lại Lý Sơn đã đủ rồi. Cái hướng nên phát triển là homestay, gắn liền cho du khách ở trong nhà dân và làm thế nào để các homestay đó phát triển lên và người dân ở đó dần dần đầu tư mạnh lên trên chính ngôi nhà của họ. Còn những mảnh đất kianên giữ lại để có không gian công cộng, hài hòa với văn hóa”.

Cũng lo lắng cho sự phát triển của Lý Sơn, PGS.TS. Võ Văn Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trưởng nhóm NhómNghiên cứu - Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật,Đại học Đà Nẵng(DN-EBR)đã có bài phân tích và cảnh báo trên Một Thế Giới. Trong đó, ông lưu ý: “Muốn phát triển bền vững thì xin đừng biến Lý Sơn thành một đô thị hiện đại, đừng thêm resort, đừng thêm khách sạn 4, 5 sao và đừng khiến cộng đồng bản địa mất bản sắc. Phải thay đổi cách tiếp cận làm du lịch, không cần tăng lượt khách, không cần tăng cơ sở lưu trú, nhưng doanh thu vẫn tăng, thuế vẫn thu đủ và cộng đồng bản địa phải được hưởng lợi. Xin đừng theo “vết chân” Sa Pa (Lào Cai), Bản Lác (HòaBình) hay kể cả một bản quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng) gây nhiều tranh cãi…”.

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết: “Về khu resort hiện nay tỉnh mới cho chủ trương nghiên cứu khảo sát thôi. Về phía huyện mong muốn nhà đầu tư nên phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức một cuộc hội thảo để cho các nhà nghiên cứu về địa chất, bảo tồn biển và địa phương có thể tham gia góp ý một cách thẳng thắn và công khai về dự án này. Nếu phù hợp thì triển khai thực hiện”.

"Về dự án khách sạn 10 tầng thì hiện nay UBND huyện mới cho ý kiến chứ Ban thường vụ Huyện ủy chưa cho ý kiến về dự án này. Tuy nhiên theo quy hoạch xây dựng 1/2000 đã duyệt thì hiện nay ở Lý Sơn không có chỗ nào cho phép xây dựng 10 tầng hết, chỉ khống chế đến 3 tầng nên quy mô xây dựng như vậy không phù hợp".

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy

"Quan điểm của huyện là làm sao trong quá trình phát triển du lịch của Lý Sơn phải đi theo hướng cộng đồng là chủ yếu, làm sao để người dân Lý Sơn tham gia làm dịch vụ, có thu nhập và giảm nghèo bền vững. Đối với một số vị trí đất ở Lý Sơn hiện nay tương đối có giá trị, quan điểm của Ban thường vụ Huyện ủy Lý Sơn là phải có một cơ chế để không làm thất thoát giá trị quyền sử dụng đất. Người dân Lý Sơn cũng mong muốn đối với những vị trí theo quy hoạch là đất thương mại dịch vụ thì nhà nước nên có hình thức là đấu giá quyền sử dụng đất để mọi ngườiđược tham gia đấu giá kinh doanh dịch vụ theo các tiêu chí do nhà nước quy định.Theo cách này sẽ hạn chế được việc thất thoát giá trị quyền sử dụng đất. Chứ nhà đầu tư nào đến chỉ chỗ nào cũng giao thì người dân Lý Sơn không được hưởng lợi mà lại thất thoát giá trị sử dụng đất nữa, việc này rất bất hợp lý", ông Vy cho hay.

Phải đong đếm hết sức cẩn thận

Cũng liên quan đến dự án resort đang dự định triển khai, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT) nhận định: “Với một hòn đảo nhỏ như Lý Sơn thì 70 ha mặt biển và mặt đất là rất lớn, cần rất thận trọng khi ra quyết định. Nhất là khi đây lại là khu bảo tồn biển và đang chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đấy là chưa kể đến những giá trị kiểu như một quần thể núi lửa, rạn san hô, rồi các giá trị văn hóa, lịch sử khác...”.

Có thể chính quyền các cấpthấy rằng đây là một dự án đầu tư phát triển rất lớn, rất quan trọng và phù hợp với quy hoạch, rằng nếu không phát triển thì bảo tồn để làm gì... Nhưng theo ông Văn phân tích: “Có thể là dự án đang phù hợp với quy hoạch hiện nay, nhưng cần biết rằng nó sẽ phải được rà soát, điều chỉnh lại một khi được công nhận (Công viên địa chất toàn cầu)”.

“Hai nữa, đầu tư phát triển có nhiều cách, không nhất thiết phải mời gọi nhà đầu tư lớn từ Hà Nội vào hay từ TP.HCM ra.Một Công viên địa chất cần hướng tới tạo sinh kế cho đông đảo cộng đồng địa phương. Đầu tư tư nhân từ bên ngoài vào tất nhiên cũng được khuyến khích nhưng nếu lợi ích phần lớn về tay nhà đầu tư bên ngoài trong khi cộng đồng địa phương không được mấy thì cũng không phải là ưu tiên”.

“Thứ ba, đương nhiên là địa phương cần đầu tư phát triển du lịch nhưng trước hết hãy phân tích xem đối tượng du khách sẽ là ai. Theo tôi du khách sẽ đến với Lý Sơn vì những giá trị di sản của nó chứ không vì tiện nghi 5 sao hay vì nó là một trung tâm shopping. Vì thế cần hướng đến gìn giữ một môi trường tốt, một hệ sinh thái tốt, nguyên sơ nữa thì càng tốt”.

“Cũng vì diện tích nhỏ như vậy, các giá trị di sản đậm đặc như vậy... nên khả năng lưu giữ du khách ở lại lâu có lẽ không khả thi. Chưa kể du lịch ở đây khó có thể diễn ra quanh năm được vì lý do thời tiết”.

Vị này cảnh báo: “Với diện tích nhỏ, dân số hiện tại đã khá lớn, việc hấp dẫn thêm một lượng du khách đến đây sẽ chỉ chất thêm gánh nặng cho môi trường, cho cơ sở hạ tầng. Có thể người dân địa phương sẽ phải di dời đi chỗ khác, nhường chỗ cho nhà đầu tư mới... Và những giá trị di sản văn hóa bản địa sẽ nhạt dần... Những tác động tiềm năng này sẽ cần phải được cân đo đong đếm hết sức cẩn thận”.

“Theo tôi, việc cần làm lúc này là làm thế nào để được UNESCO công nhận, sau đó rà soát điều chỉnh quy hoạch, rồi xây dựng Công viên địa chất toàn cầu theo định hướng phát triển bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, khuyến khích du lịch sinh thái, du lịch di sản... mới là định hướng bền vững, lâu dài”, ông Trần Tân Văn khuyến cáo.

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
29 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Quảng Ngãi: Không quyết định vội vã dự án resort ở Lý Sơn