Con đường nằm kẹp giữa một bên là những nhà kho bỏ trống và một bên là một bức tường bê tông, kết thúc đột ngột trong một bãi đậu xe hoang vắng. Những người đàn ông bước ra khỏi xe của họ và đi vào trong bóng tối rồi lách ra đằng sau cánh cửa lùa của một nhà kho.
Bên trong, họ ngồi bên nhau và chờ đợi. Chiếc đồng hồ trên tường tích tắc đến mười giờ ba phút sáng.
“Sẵn sàng chưa? Sẵn sàng chưa? Sẵn sàng chưa?” một người đàn ông có cánh tay tra vào một túi nylon đen dài đến khuỷu, hỏi lớn. Từng người một, những người đàn ông bước về phía trước và bàn tay của họ biến mất trong chiếc túi.
Và thế là bắt đầu cuộc đấu giá siêu thực ở thành phố cảng phía tây nam nước Nhật. Những người buôn nắm chặt bàn tay người giao dịch, và sau vài giây diễn ra những cử chỉ bí mật chỉ có người bán đấu giá cảm nhận được, anh ta hô to giá đắc thắng.
“13.000!” Mười ba ngàn yen, tức là 114USD một ký.
Cuộc đấu giá lén lút, một tàn dư của một thời khi những người buôn cá mặc kimono với những cánh tay áo che bàn tay của họ khi họ ra giá. Đó là một phần của giới cá nóc hải đảo, tiếng Nhật gọi là fugu, một loại cá khét tiếng về khả năng giết chết một mạng người chỉ trong vài giờ.
Mặc dù những cái chết cực kỳ hiếm, nhưng mối nguy hiểm liên quan đến độc tố của con cá là một yếu tố quan trọng của món ngon hấp dẫn lâu đời trong văn hóa Nhật Bản.
Một ký cá kiếm được 30.000 yen tại chợ ở đây, và vào mùa nghỉ tháng mười hai, khi fugu đặc biệt nhiều, một người bán cá cao cấp ở Tokyo có thể bán cá nóc với doanh thu 88.000USD vào bất kỳ ngày nào.
Tin tức ngộ độc loan đi gây sốt cho cả nước. Khi một siêu thị miền tây Nhật Bản vô tình bán năm gói cá mà không cắt bỏ lá gan độc hồi tháng giêng, thị trấn đã dùng hệ thống cảnh báo tên lửa để cảnh báo cư dân.
Và bây giờ, biến đổi khí hậu tạo thêm một yếu tố nguy cơ mới: ngư dân phát hiện ra một số loài lai chưa từng thấy trong các mẻ cá bắt ở vùng biển xung quanh vùng đảo – cụ thể là ngoài khơi phía đông bắc – nơi chứng kiến tốc độ ấm lên nhanh nhất thế giới.
Với những con cá nóc quay đầu về hướng bắc để tìm những dòng nước mát, các loài anh chị em của cá bắt đầu giao phối lẫn nhau, gây ra một sự gia tăng đột ngột về lượng cá lai.
Cá lai không nguy hiểm bằng giống cá nóc tử thần trung bình. Vấn đề là chúng có thể khó phân biệt với những loài đã ổn định.
Để tránh tai nạn ngộ độc, Nhật Bản cấm buôn bán và phân phối. Với sự gia tăng các giống lai không thể phân loại này, ngư dân và rổi cá phải loại bỏ một phần khá lớn sản lượng đánh bắt của họ.
Kaniya, một công ty chế biến thủy sản ở Shimonoseki, là một trong nhiều công ty trong ngành thất vọng vì quy định của chính phủ buộc loại bỏ cá loại cá lai, vì cho rằng hầu hết các phân loài cá nóc thường tìm thấy ở vùng nước đông bắc của Nhật Bản có độc trong cùng các phủ tạng và có thể ăn an toàn nếu xử lý đúng.
“Nhưng chúng tôi phải tuân thủ quy định, vì e rằng có thể có bất kỳ vấn đề nào gây kích động,” Naoto Itou, tộc trưởng thô lỗ của công ty, nói.
Trong số hơn 50 loài cá nóc tìm thấy ở Nhật Bản, 22 loài được chính phủ phê duyệt là ăn được. Các đầu bếp và người bán xử lý cá nóc được đào tạo và cấp phép đặc biệt để lấy gan và các cơ quan sinh sản chứa tetrodoxin, một chất độc thần kinh mạnh.
Có điều khó hiểu và vị trí của chất độc thần kinh gây chết người khác nhau ở một số loại cá nóc; đôi khi có thể tìm thấy trong da hoặc cơ, cũng như trong các cơ quan sinh sản.
Mỗi buổi sáng vào lúc 8g, Kaniya nhận các thùng cá nóc từ ngư dân phía đông Nhật Bản. 9g, một người xử lý cá giàu kinh nghiệm mang tạp dề và đội nón lưới ngồi vào vị trí của ông ta, phân loại từ bảy đến tám nhóm cá nóc khác nhau tại một quầy kim loại.
Đôi tay trần của ông ta chuyển động thoăn thoắt, người đàn ông nhặt hết con cá trơn trợt này đến con khác, giữ nó trong vài giây, xem kỹ vây và kiểm tra các gai. Ông ta dừng ở một con, bỏ qua một bên, dùng tay vuốt lên lưng con cá, rồi vất nó vào đống đồ bỏ.
Toàn bộ quá trình gây ra một cảm giác nguy hiểm: công nhân đeo găng tay cao su, mặt nạ trắng và tạp dề bằng nhựa móc ruột cá và lấy đi các bộ phận độc hại và đổ chúng vào trong một hộp có nắp đậy. Các đồ thải đó sau đó được thu gom và thiêu.
Được hỏi tại sao ông tiếp tục xử lý những con cá vốn nguy hiểm bất chấp những chuyện đau đầu xung quanh cá lai, Itou chỉ vào hai nhân viên bán hàng của ông ta đang lượn gần đó để trao đổi các cuộc gọi từ người mua.
“Có phải là không phước đức khi có thể xử lý thứ mà khách hàng yêu thích và muốn nhiều như thế? Không có nhiều loài cá khác giống như cá này.”
Sự gia tăng các loài lai là một ví dụ khác nữa về tác động quét của biến đổi khí hậu đối với các sinh vật biển. Chúng trải qua một cuộc di dân hàng loạt khi nhiệt độ nước biển tăng.
Hiroshi Takahashi, phó giáo sư Đại học Thủy sản Quốc gia, lần đầu tiên để ý đến sự gia tăng các loài cá nóc lai cách đây sáu năm. Ông bắt đầu nhận được các cuộc gọi từ một cơ sở khoa học ở bờ biển đông bắc của đảo chính của Nhật Bản đang có những thùng cá nóc mà cơ sở không thể xác định.
Vào mùa thu năm 2012, gần 40% cá nóc đánh bắt được trong vùng không thể nhận dạng được, so với dưới 1% được nghiên cứu trước đó.
“Không phải là một trong số một ngàn như trong quá khứ; bây giờ là một quy mô hoàn toàn khác,” ông nói. Đối với một con mắt chưa qua huấn luyện, cá lai hầu như không nhận ra.
Ngay cả những tay kỳ cựu trong ngành cũng cho rằng gần như không thể phân biệt thế hệ con thứ hai của cá lai. Hồi cuối tháng sáu, hơn 20% cá nóc bắt được trong nội một ngày ngoài khơi Thái Bình Dương của hạt Miyagi, cách Tokyo 460km về phía đông bắc, là cá lai.
Các xét nghiệm về di truyền phát hiện cá nóc không xác định được là một con lai giữa Takifugu stictonotus và Takifugu snyderi. Mặc dầu chúng là họ hàng gần, cá T. stictonotus thường bơi khắp vùng Biển Nhật Bản và T. snyderi ở Thái Bình Dương.
Takahashi tin rằng T. stictonotus đã thoát khỏi môi trường sống đang dần ấm lên của chúng bằng cách theo dòng hải lưu Tsushima phía bắc và băng qua eo biển ngay phía dưới đảo Hokkaido phía bắc để nổi lên ở Thái Bình Dương. Ở đó, chúng giao phối với các loài anh em và nhân lên. Con lai có những đốm nhỏ và những cái vây màu vàng trắng, có thể được chấp nhận là một trong hai loài bố mẹ của nó.
Một cơ quan của bộ Y tế Nhật Bản phụ trách an toàn thực phẩm cho biết cơ quan bắt đầu thu thập thông tin về việc gia tăng cá nóc lai hồi tháng chín. Mỗi hạt có xét nghiệm riêng để cấp giấy phép cho các đầu bếp và những người liên quan khác, và một nhóm trong ngành đã thúc đẩy chính phủ tiêu chuẩn hóa các thí nghiệm đó.
Trước bình minh vào một ngày cuối tuần mới đây, hàng chục người đi câu các giải trí đổ về một ụ tàu bỏ hoang ở cảng Ohara, cách Tokyo hai giờ lái xe, để thử thời vận bắt con vật này. Họ trở về Shikishima-maru vào khoảng đứng bóng, cháy nắng và vật vờ, mang theo những chiếc xô trắng đựng đầy cá nóc.
Trong khi những “Lã Vọng” hút thuốc và còng lưng trên những tô mì, Yoko Yamamoto lấy một con dao, ngồi xuống trên một chiếc ghể đẩu bằng nhựa thấp. Bà làm việc chóng vánh, trước tiên chọc vào tủy sống con cá, rồi lột da cá để loại bỏ lớp độc hại ở lớp ngoài.
Con bà, người chỉ huy con thuyền, sau đó nhận lấy và rạch bụng cá để lấy gan và ruột bỏ đi trong khi một tàu đánh cá đang neo gần đó với ghế băng ngồi màu hồng nhạt phát nhạc “Bohemia Rhapsody” qua những cái loa.
“Bây giờ chúng tôi phải đi xa hơn một chút để tìm thấy cá,” Yukio Yamamoto, 49, vừa nói vừa cúi xuống bên cạnh mẹ. “Lúc này bạn thấy tất cả đều là các giống lai; chuyện này đã xảy ra trong vài năm qua.”
Toshiharu Enomoto, một người câu cá giải trí 71 tuổi, đi đến sau bữa ăn trưa và cột một túi nhựa chứa đầy đá cùng một ít cá nóc. Cười cười, ông nói chuyện về cảm giác mạnh đối với chất độc. “Một số người thích thú khi họ cảm thấy chút lăn tăn trên môi họ,” ông kể.
Người Nhật đã ăn cá nóc hàng mấy ngàn năm. Sau khi bị Toyotomi Hideyoshi, một vị tướng samurai có công thống nhật Nhật Bản vào thế kỷ 16, ra lệnh cấm, nông dân vẫn lén lút ăn và chết hàng loạt. Lệnh cấm fugu cuối cùng được dở bỏ sau Thế chiến II, qua nhiều năm kiến nghị của những người hâm mộ cuồng nhiệt.
Mặc dầu nguy hiểm chết người, con cá có khuôn mặt buồn cười và, với đôi má phúng phính và cái miệng mở hoác, trông như thể nó luôn ngạc nhiên khi bị săn tìm vào những dịp đặc biệt.
Ở Tokyo, các nhà hàng cao cấp phục vụ cá nóc phụ thuộc vào Otsubo Suisan, một nhà bán buôn sang chảnh tại chợ cá Toyosu. Tại quầy cá rộng lớn của công ty, Koichi Kyshida gõ lên chiếc đồng hồ thông minh của mình và trả lời các cuộc gọi trên chiếc Sony Bluetooth. Trong vòng một giờ, người đàn ông 34 tuổi bán được hàng ngàn đô la cá nóc.
“Ngon lắm phải không? Hàng sang cả và có đẳng cấp; mọi người đều mê như điếu đổ,” anh ta nói. “Chúng tôi chẳng thấy bất kỳ vấn đề nào”.
Khởi Thức(Reuters)