Chính quyền có mục đích chỉnh trang đô thị qua việc đồng bộ hóa biển quảng cáo cũng là đáng mừng, nhưng chỉ nên quy định đồng nhất về kích thước mà thôi, còn màu sắc đồng nhất thì hoàn toàn không phù hợp. Điều này thậm chí còn vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về nhận diện thương hiệu.

Biển quảng cáo đồng bộ: Vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về nhận diện thương hiệu?

Trí Lâm | 13/05/2016, 11:01

Chính quyền có mục đích chỉnh trang đô thị qua việc đồng bộ hóa biển quảng cáo cũng là đáng mừng, nhưng chỉ nên quy định đồng nhất về kích thước mà thôi, còn màu sắc đồng nhất thì hoàn toàn không phù hợp. Điều này thậm chí còn vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về nhận diện thương hiệu.

Đó là quan điểm của họa sĩ, chuyên gia thương hiệu Phạm Xuân Hải đưa ra khi trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc quận Thanh Xuân thực hiện đồng bộ biển quảng cáo trên “tuyến đường kiểu mẫu” Lê Trọng Tấn.

Ảnh hưởng lớn đến nhận diện thương hiệu

- Ông bình luận gì về việc áp dụng đồng loạt một hình thức cho tất cả biển quảng cáo trên tuyến phố Lê Trọng Tấn?

Đây là việc thí điểm mang tính thử nghiệm của chính quyền,mong muốn đem lại một hình ảnh quy hoạch phố phường văn minh, gọn gàng, sạch sẽ và đồng bộ cho một tuyến phố mới. Xét về mặt hiệu quả về tính đồng nhất, quy định về kích thước biển, chiều cao, chất liệu…là nên làm nhưng cách làm này chỉ phù hợp trong từng khu vực cụ thể.

Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng cách làm này cho những khu vực có mật độ kinh doanh cao, lộn xộn như: chợ, khu vực bán lẻ, dãy phố bán hàng xén… hoặc những địa điểm đặc biệt như: phố cổ, bảo tàng, các khu du lịch….

Còn nếu thành phố Hà Nội có chủ trương đồng bộ hóa các biển quảng cáo cho tất cả các tuyến phố, có chăng chỉ nên quy định đồng nhất về kích thước và tỷ lệ chữ mà thôi. Còn quy định màu sắc đồng nhất thì hoàn toàn không phù hợp.

Tôi chỉ nói riêng về tuyến phố Lê Trọng Tấn, đây được coi là tuyến phố kiểu mẫu, có tầm nhìn rộng, thoáng nên xét về thị giác và mỹ quan thì không nhất thiết phải bó hẹp các biển quảng cáo theo một kiểu dáng, chất liệu hay màu sắc nhất định.

Việc thực hiện đồng bộ biển quảng cáo không chỉ gây nhàm chán và triệt tiêu sự sáng tạo của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến việc nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp.

Nếu nhìn nhận dưới góc độ quy hoạch và quản lý đô thị, quy chế hoặc quy định về biển hiệu quảng cáo là rất cần thiết để xây dựng và chỉnh trang thành phố. Nhưng hiện tại chúng ta đang sống trong thế giới phát triển nhanh chóng, rất cần sự phong phú, đa dạng và sáng tạo.

Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đồng thời quy hoạch đô thị gọn gàng, lịch sự, văn minh thì nên có một lộ trình cụ thể và có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia cho các cấp ngành thực thi đề án này.

- Việc áp dụng này có ảnh hưởng gì đến việc nhận diện thương hiệu? Thưa ông?

Việc áp dụng đồng bộ hóa biển hiệu quảng cáo cho các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội có ảnh hưởng lớn đến việc nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp. Trước hết, mỗi doanh nghiệp muốn phát triển đều phải xây dựng cho mình một cá tính riêng, đó chính là bộ nhận diện thương hiệu.

Tùy theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà họ có logo, phông chữ, màu sắc phù hợp, làm sao truyền tải hết nội dung, giá trị của doanh nghiệp đến với khách hàng. Có doanh nghiệp phải đầu tư cả triệu đô làm thương hiệu.

Vì vậy, để thu hút sự chú ý của khách hàng hoặc du khách nhiều thành phố trên thế giới đã đa dạng hóa việc thiết kế và treo biển hiệu quảng cáo, điển hình như Hong Kong, phố mua sắm nổi tiếng nhất của London là Oxford hay quảng trường Times Square.

Theo cá nhân tôi, cơ quan chức năng chỉ nên quy định kích cỡ của biển quảng cáo, chứ không thể bắt buộc về màu sắc và phông chữ cũng như các yêu cầu khác vì mang tính áp đặt và ảnh hưởng tới bộ nhận diện thương hiệu.

Theo tôi được biết, trong nguyêntắc quy hoạch đô thị cũng không có quy định khống chế về màu sắc của các công trình mà chỉ quy định về độ dày, kích thước.

Vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ

- Màu sắc là 1 thành tố quan trọng của nhãn hiệu.Ví dụ như: Việt Nam Airline có màu xanh rất đặc trưng, màu xanh tím của SAMSUNG, cafe Trung Nguyên, KFC, vietcombank nếu muốn treo biển trên tuyến phố này sẽ vi phạm đăng ký thương hiệu đối với Cục Sở hữu trí tuệ. Ông nhận định thế nào về điều này?

Như tôi nói ở trên, trong bộ nhận diện thương hiệu của một doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn thì quan trọng nhất là logo và màu sắc chủ đạo. Một số thương hiệu thậm chí còn quy định không được phép đặt logo của mình trên một số nền màu nhất định.

Do vậy các doanh nghiệp phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi cho lựa chọn. Không ít doanh nghiệpbỏ ra cả tỉ đồng để làm nhận diện thương hiệu. Việc áp dụng hai màu nền xanh đỏ như vậy sẽ mất đi tính chuyên nghiệp, ấn tượng của của các thương hiệu và còn tạo sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, tạo cơ hội cho các cửa hàngkinh doanh hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng.

Không những vậy, việc quy chuẩn màu sắc như vậy đã đẩy doanh nghiệp vi phạm các quy định về Luật Sở hữu trí tuệ đối với nhận diện thương hiệu (trade mark), logo của chính doanh nghiệp mình.

Điều 72, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện như: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.

Như vậy, màu sắc đã là một thành tố của nhãn hiệu, việc quy định biển quảng cáo chỉ sử dụng hai màu xanh đỏ chắc chắn sẽ buộc các doanh nghiệp như: Việt Nam Airline, Coca - Cola, Yahoo, Google, Cadbury, Cà phê Trung Nguyên, KFC, Vietcombank hay Thế giới di động… nếu muốn treo biển quảng cáo tại tuyến đường này không thể giữ màu sắc thương hiệu đã đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ.

Nếu tuân thủ quy định 2 màu của Hà Nội, họ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính khi logo, biển quảng cáo dùng màu mới không giống như trong đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ, với Sở Thông tin Truyền thông.

Nói cách khác, quy định của Hà Nội đã đẩy doanh nghiệp đến tình trạng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ hoặc buộc phải thay đổi nhận diện thương hiệu khi treo biển quảng cáo trên tuyến phố Lê Trọng Tấn.

- Nếu tất cả các tuyến phố được áp dụng thiết kế kiểu này thì sẽ ảnh hưởng gì đến hoạt động của các công ty thiết kế biển hiệu nói chung? Thưa ông?

Việc thay đổi biển hiểu theo kiểu đồng phục này thì có ảnh hưởng khá lớn đến các công ty thiết kế bộ nhận diện thương hiệu. Bạn cũng biết để thiết kế thương hiệu hoặc một biển quảng cáo thì cần có sự đầu tư về chất xám trong các khâu tư vấn logo, màu sắc, phông chữ, chất liệu làm biển hiệu sao cho phù hợp với từng khu vực treo biển.

Vì vậy, nếu áp dụng việc đồng bộ hóa biển hiệu thì khâu gia công, lắp ráp, treo biển sẽ nhanh chóng, thuận tiện hơn nhưng sự sáng tạo trong việc tư vấn, thiết kế thương hiệu hoặc biển quảng cáo sẽ hạn chế và lúng túng trong việc sử dụng màu sắc.

Hơn nữa màu sắc ảnh hưởng rất lớn tới các giác quan của con người vì vậy một số nghành nghề như SPA, y tế hoặc sản phẩm nông nghiệp sạch thì hai màu xanh đỏ như quy chuẩn như vậy sẽ không phù hợp, ảnh hưởng tới khâu bán hàng.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển quảng cáo đồng bộ: Vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về nhận diện thương hiệu?