Vu lan là mùa đi lễ chùa, cúng Phật, báo hiếu. Khắp nơi trong cả nước, chùa nào cũng đông nghẹt khách thập phương, cảnh khói nhang nghi ngút, người người chen nhau vái lạy, cầu khẩn với sự thành kính theo văn hóa tâm linh của mỗi người là chuyện bình thường.

Biến tướng trong mùa Vu lan báo hiếu

17/08/2016, 03:35

Vu lan là mùa đi lễ chùa, cúng Phật, báo hiếu. Khắp nơi trong cả nước, chùa nào cũng đông nghẹt khách thập phương, cảnh khói nhang nghi ngút, người người chen nhau vái lạy, cầu khẩn với sự thành kính theo văn hóa tâm linh của mỗi người là chuyện bình thường.

Ảnh minh họa

Nhưng ngày nay người đi lễ chùa, lạy Phật, báo hiếu không chỉ có nhang đèn, vàng mã, hoa quả làm mâm cúng mà có cả tiền. Nhiều người muốn chứng tỏ “lòng thành” hay sự giàu có, ăn nên làm ra, cửa nhà thịnh vượng đã không tiếc tiền vung vãi nơi cửa chùa, nhét tiền vào bất cứ chỗ nào của các tượng phật đang trầm ngâm, chiêm nghiệm thế sự đã làm mất đi không chỉ nét đẹp tâm linh của Phật mà còn báng bổ nhà chùa, khiến cho người nước ngoài có thể hiểu lầm những nơi chốn thâm nghiêm, u tịnh ấy là nơi để người ta… buôn thần bán thánh bằng việc rải tiền. Thường ở các ngôi chùa nổi tiếng ở nước ta, mùa này người đi hành hương, lễ Phật, báo hiếu đông nghìn nghịt.

Ở đây có những “cửa hàng” bán nhang đèn, hoa quả kiêm luôn dịch vụ đổi tiền chẵn ra tiền lẻ theo tỷ giá 100.000 đồng ăn 70 ngàn hoặc 80 ngàn tiền lẻ gồm giấy bạc loại 200 đồng, 500 đồng hoặc 1.000 đồng. Có người đổi cả bao tiền lẻ để vào rải khắp nơi, và hầu như tượng phật nào cũng bị nhét tiền vào tay. Một dạo, không chỉ trong mùa Vu lan mà các ngày lễ lớn tất cả các vị La hán ở chùa Mía (miền Bắc) đều bị “bá tánh” nhét tiền đầy tay. Bất cứ người nào chứng kiến cảnh này (tất nhiên là không phải người nhét tiền) cũng đều thấy vừa bất nhẫn, vừa phản cảm. Nhưng hầu như khách thập phương đều vô tư vung vãi tiền với cảm nghĩ càng vung vãi thật nhiều tiền cho Phật thì lời khẩn cầu của họ mới linh nghiệm, việc báo hiếu mới trọn vẹn. Thiết nghĩ, việc đi hành hương, viếng chùa, lễ Phật, báo hiếu trong mùa Vu lan mà biến tướng bởi những người mê tín, vung vãi tiền kiểu hối lộ Phật để mua lòng tin như hiện nay là một hoạt cảnh chướng tai gai mắt cần phải chấm dứt.

Nhưng việc chấm dứt không phải dễ bởi một người làm thì có nhiều người bắt chước làm theo thành một tục lệ phát triển mỗi ngày, mỗi mùa lễ hội. Nhưng nếu không có biện pháp nào hữu hiệu để giải quyết triệt để tệ nạn này mà để nó ngày một phát triển thì không chỉ báng bổ nơi chốn thâm nghiêm của nhà chùa mà báng bổ luôn nét văn hóa tâm linh lễ hội, đặc biệt là mùa Vu lan vốn là truyền thống báo hiếu tốt đẹp của người Việt Nam. Một kiểu biến tướng trong văn hóa tâm linh trong mùa Vu lan nữa là việc “cúng cô hồn” và nạn đốt vàng mã hay gọi nôm na là “giấy tiền vàng bạc”. Đây là một loại sản phẩm bằng giấy dùng để đốt, gửi xuống cho người thân, hoặc người không nơi nương tựa, vất vưởng (cô hồn) ở cõi âm sử dụng, đã tồn tại trong tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, theo quan niệm “trần sao âm vậy” từ xa xưa.

Dần dần, theo trí tưởng tượng phong phú của con người, việc đốt giấy tiền vàng bạc kèm theo các loại đồ hàng mã làm bằng khung tre, giấy bồi, sơn phết lòe loẹt mô phỏng các vật dụng trong gia đình, phương tiện phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống đời thường của con người hay cộng đồng xã hội. Giấy tiền vàng bạc biến tướng từ tiền đồng Việt Nam đến tiền các nước trong khu vực hay rộng ra thế giới gọi là “ngoại tệ”, trong đó có “ngoại tệ mạnh” như đồng euro, USD, kỹ thuật in ấn ngày càng tinh vi, có loại giống y như tiền thật. Đồ hàng mã thì không thiếu thứ gì, từ quần áo, giầy dép, mũ mão, xe ô tô, nhà lầu, xe máy xịn cỡ SH hay máy bay Boeing, thậm chí cả “osin” trẻ đẹp đều có tất và được mua bằng tiền thật, không chỉ nhiều tiền mà rất nhiều tiền, có món hàng triệu hoặc cả chục triệu bạc.

Việc đốt giấy tiền vàng bạc, đồ hàng mã gọi vắn tắt là “vàng mã” không chỉ biến tướng trong phạm vi gia đình, mà đã lan rộng ra ngoài xã hội, ở khắp mọi nơi. Quá trình từ “văn hóa tâm linh” biến tướng sang mê tín dị đoan theo trí tưởng tượng phong phú của con người chỉ là một sợi tóc mỏng manh nhưng thật sự nặng nề trong cuộc sống và vô cùng lãng phí về tiền bạc, bởi tiền thật đã đem đổi tiền giả, mua đồ hàng mã để đốt ra tro còn góp phần làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc đốt vàng mã, đồ hàng mã quá mức hiện nay là một tệ nạn xã hội, khuyến khích mê tín dị đoan và mỗi năm đã tiêu tốn hàng chục tỉ đồng vào việc này. Đáng chú ý là trên lĩnh vực bài trừ mê tín dị đoan, trong đó có tệ nạn đốt đồ hàng mã và vàng mã, từ năm 2006 đã có nghị định 56 của Chính phủ. Nhưng nhiều năm đã trôi qua, mê tín dị đoan đã không giảm mà ngày càng phát triển đến mức đáng lo ngại. Hiện tượng mê tín dị đoan nổi cộm nhất là vào dịp lễ hội, mà đặc biệt là vào dịp rằm tháng 7, mùa Vu lan.

Từ Kế Tường

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến tướng trong mùa Vu lan báo hiếu