Đài CNN cho biết nhiều binh sĩ Israel đến Dải Gaza chiến đấu phải chống chọi với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hay các vấn đề tâm thần khác sau khi trở về, thậm chí có trường hợp tự tử.
Quốc tế

Binh sĩ Israel bị cuộc chiến Gaza ám ảnh

Cẩm Bình 16:36 23/10/2024

Đài CNN cho biết nhiều binh sĩ Israel đến Dải Gaza chiến đấu phải chống chọi với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hay các vấn đề tâm thần khác sau khi trở về, thậm chí có trường hợp tự tử.

Trở về từ cuộc chiến như một con người khác, lính dự bị 40 tuổi Eliran Mizrahi bị sốc trước những gì mình chứng kiến tại Gaza. Ông mắc PTSD và đã tự kết thúc cuộc đời trước lúc quay lại chiến trường.

Quân đội Israel (IDF) cho biết họ đang chăm sóc hàng ngàn binh sĩ phải chống chọi với PTSD hay các vấn đề tâm thần khác. Không rõ có bao nhiêu trường hợp lựa chọn tự tử.

Cuộc chiến Gaza kéo dài hơn 1 năm và chưa có dấu hiệu kết thúc. Không những vậy, chính phủ Israel còn phát động chiến dịch quân sự nhắm vào nhóm Hezbollah ở Lebanon, khiến không ít binh sĩ lo sợ họ lại sắp phải ra chiến trường.

“Nhiều người trong chúng tôi rất sợ bị triển khai một lần nữa đến Lebanon. Binh sĩ không tin tưởng chính phủ”, theo một bác sĩ quân y giấu tên.

Israel ít cho nhà báo nước ngoài đi vào Gaza nên toàn bộ nỗi thống khổ của người Palestine cũng như tình cảnh của binh sĩ Israel không được phản ánh đầy đủ. Vài người lính từng chiến đấu nói với CNN rằng họ đã chứng kiến nỗi kinh hoàng mà thế giới bên ngoài không bao giờ có thể thực sự hiểu được.

2024-10-22-183654.png

Tổn thương về tinh thần

Mizrahi đến Gaza vào ngày 8.10 năm ngoái, phụ trách lái xe ủi đất D-9 chịu được thuốc nổ. Trong hầu hết cuộc đời ông chỉ là dân thường làm việc cho một công ty xây dựng. Ông quyết tâm tham gia chiến đấu khi thấy loạt vụ thảm sát do nhóm Hamas thực hiện.

Người lính dự bị này ở lại Gaza 186 ngày cho đến khi bị thương ở đầu gối, sau đó là tổn thương thính giác vào tháng 2 do một quả lựu đạn đánh trúng xe của Mizrahi. Ông được đưa về để điều trị, vào tháng 4 nhận chẩn đoán mắc PTSD cần tiến hành trị liệu bằng cách trò chuyện mỗi tuần. Nhưng trị liệu vô dụng. Jenny Mizrahi - mẹ của ông - chia sẻ: “Họ không biết cách đối xử với binh sĩ. Binh sĩ nói cuộc chiến rất khác biệt, họ chứng kiến điều chưa từng thấy ở Israel”.

Khi được nghỉ phép, Mizrahi phải chịu đựng cảm xúc tức giận, tình trạng đổ mồ hôi, mất ngủ và xa lánh xã hội. Ông nói với gia đình mình rằng chỉ người ở Gaza mới hiểu những gì ông từng trải qua. Bà Jenny nghĩ rằng có thể con trai mình dằn vặt vì thấy quá nhiều người bị giết, tồi tệ hơn là chính ông đã sát hại ai đó.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Israel vào tháng 6, Guy Zaken - đồng đội của Mizrahi - kể lại nhiều lúc lực lượng nước này tại Gaza gặp phải số lượng chiến binh Hamas (cả chết lẫn sống) nhiều hơn dự kiến. Cảnh tượng kinh hoàng ngoài chiến trường khiến ông không thể ăn thịt, và mất ngủ vào ban đêm.

2024-10-22-183709.png

Zaken cho biết chiến binh Hamas bắn cả binh sĩ Israel đang mang nước và thức ăn cho dân thường. Ngoài ra còn có nguy cơ chiến binh Hamas trà trộn.

Vị bác sĩ quân y giấu tên nói rằng khi gặp dân thường, nhiều binh sĩ cảm thấy khó xử về đạo đức.

Giữa binh sĩ Israel với người Palestine ở Gaza tồn tại ngờ vực rất lớn, đặc biệt lúc cuộc chiến mới bắt đầu. Suy nghĩ chung là cư dân Gaza ủng hộ Hamas, giúp đỡ Hamas. Tuy nhiên nhiều binh sĩ thay đổi suy nghĩ khi nhìn thấy cư dân Gaza ngoài thực tế.

Số binh sĩ chịu tổn thương về tinh thần khá lớn. Liên Hợp Quốc cùng một số nhóm cứu trợ từng cảnh báo hậu quả thảm khốc về sức khỏe tâm thần mà cuộc chiến gây ra với người Palestine ở Gaza.

Sau khi Mizrahi tự tử, hình ảnh ông làm nhiệm vụ tại Gaza xuất hiện trên mạng xã hội. Người chị Shir cho biết có rất nhiều bình luận chửi rủa ông là “kẻ giết người”.

Tiến sĩ chính trị học Ahron Bregman (Đại học King) từng phục vụ IDF trong 6 năm, gồm cả lúc chiến tranh Israel - Lebanon 1982 diễn ra. Ông chỉ ra cuộc chiến Gaza khác với các cuộc chiến trước.

“Cuộc chiến kéo dài mà lại diễn ra trong khu vực đô thị. Vì vậy binh sĩ phải đụng độ nhiều người, phần lớn là dân thường. Lính lái xe ủi đất nằm trong số người tiếp xúc với sự tàn khốc của cuộc chiến trực tiếp nhất. Họ nhìn thấy người chết và phải dọn sạch thi thể cùng đống đổ nát”, theo tiến sĩ Bregman.

Với không ít binh sĩ, quá trình quay lại cuộc sống thường nhật vô cùng khó khăn, đặc biệt sau khi chứng kiến phụ nữ và trẻ em thiệt mạng. Tờ The Haaretz dẫn dữ liệu quân sự tiết lộ từ ngày 7.10 đến ngày 11.5 có 10 binh sĩ đã tự tử.

Vào tháng 8, đơn vị phục hồi chức năng thuộc Bộ Quốc phòng Israel cho biết mỗi tháng có hơn 1.000 binh sĩ bị thương được đưa về điều trị, 35% báo cáo tình trạng tâm thần của bản thân, 27% chịu rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Dự tính đến cuối năm số binh sĩ rút khỏi chiến trường trị thương có thể lên đến 14.000, khoảng 40% gặp vấn đề sức khỏe tâm thần.

Tiến sĩ Bregman lưu ý rằng ngày nay PTSD và loạt vấn đề sức khỏe tâm thần khác dễ được nói ra hơn những năm 1970 hay 1980 nhờ tâm lý kỳ thị giảm bớt, nhưng binh sĩ sẽ phải mang theo trải nghiệm ở Gaza đến cuối đời.

Bài liên quan
Tổng thống Biden hay ông Trump: Ai là người đứng sau thành công của thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas?
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhanh chóng ghi nhận công lao cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, dù thỏa thuận này được chính quyền của Tổng thống Joe Biden làm trung gian.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Binh sĩ Israel bị cuộc chiến Gaza ám ảnh