Theo Bộ Công an, việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ CCCD để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ CCCD.

Bộ Công an giải đáp thắc mắc về mẫu thẻ CCCD mới

Nhã Thanh | 27/03/2023, 11:00

Theo Bộ Công an, việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ CCCD để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ CCCD.

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (CCCD) (sửa đổi). Trong dự thảo Luật CCCD (sửa đổi), phần "quê quán" được ghi thành "nơi đăng ký khai sinh"; "nơi thường trú" thành "nơi cư trú". Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng phía sau thẻ CCCD.

Trước thắc mắc của nhiều người dân về những điểm mới này, Bộ Công an đã có giải đáp cụ thể.

Theo Bộ Công an, những thông tin về vân tay, đặc điểm nhận dạng không được thể hiện trên bề mặt thẻ CCCD, tuy nhiên vẫn sẽ được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ CCCD (chip điện tử).

Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ CCCD, Bộ Công an cho biết điều này nhằm bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ CCCD. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin trong chip điện tử thông qua các phương tiện nghiệp vụ, không phát sinh vướng mắc.

bo-cong-an-giai-dap-thac-mac-ve-mau-the-cccd-moi.jpg
Bộ Công an đề xuất thay đổi một số thông tin trên thẻ CCCD gắn chip mới

Việc thay đổi thông tin "nơi thường trú" thành "nơi cư trú", thay đổi thông tin "quê quán" thành "nơi đăng ký khai sinh", Bộ Công an cho biết điều này để bảo đảm thuận lợi cho công dân trong quá trình cấp, sử dụng thẻ CCCD.

Bộ Công an lấy ví dụ đối với mẫu thẻ CCCD cũ, công dân bắt buộc phải có thông tin về nơi đăng ký thường trú mới được cấp thẻ CCCD. Quy định mới giúp cho công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ CCCD.

“Khi công dân có sự thay đổi thông tin sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, do vậy cơ quan quản lý CCCD hoàn toàn có thể quản lý được công dân”, Bộ Công an nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bộ Công an, dự thảo luật quy định chuyển tiếp theo hướng chứng minh nhân dân (CMND) còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, thì được sử dụng đến hết ngày 31.12.2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến CMND, thẻ CCCD trong các giấy tờ đã cấp.

Hiện nay về cơ bản Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ CCCD cho người đủ điều kiện cấp thẻ, nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của CMND không mấy tác động đến công dân.

Bộ Công an nhận định quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng CMND cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ CCCD và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Việc thay đổi mẫu thẻ CCCD (sau khi luật có hiệu lực thi hành) không tác động đến những người đã được cấp thẻ CCCD hiện nay; những thẻ CCCD đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ (không tác động đến các thẻ CCCD đã cấp).

Bài liên quan
Ý nghĩa 12 con số trên thẻ căn cước công dân gắn chip
Những con số trên thẻ căn cước công dân đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thông tin của chủ thẻ đồng thời giúp việc quản lý người dân được dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công an giải đáp thắc mắc về mẫu thẻ CCCD mới