Bộ GTVT vừa có Công văn số 4950/BGTVT-QLXD trả lời chất vấn đại biểu quốc hội Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đối với Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội.

Bộ GTVT trả lời chất vấn ĐBQH về việc chậm tiến độ đường sắt Nhổn – ga Hà Nội

Lam Thanh | 20/05/2022, 19:53

Bộ GTVT vừa có Công văn số 4950/BGTVT-QLXD trả lời chất vấn đại biểu quốc hội Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đối với Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT tại phiên họp thứ 9 Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan đến các dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội.

Nội dung chất vấn về nguyên nhân chậm tiến độ xây dựng dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và trách nhiệm các bên liên quan; đồng thời đại biểu Long cũng cho biết đường từ Nhổn đến Cầu Giấy (gồm đường Hồ Tùng Mậu, đường Xuân Thủy, đường Cầu Giấy - là tuyến đường song song với tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông do ảnh hưởng của việc thi công dự án đường sắt trên cao, trách nhiệm của Bộ GTVT thế nào?

Trả lời chất vấn, Bộ GTVT cho biết dự án án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do UBND TP.Hà Nội là cấp quyết định đầu tư và Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án đã được khởi công từ tháng 9.2010 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, cho đến nay khối lượng thi công của các nhà thầu mới chỉ đạt 74,36% theo khối lượng hợp đồng xây dựng. Trong đó, đoạn tuyến trên cao đạt được 95,1%; còn đoạn tuyến đi ngầm mới chỉ đạt khoảng 33%.

Về những nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ dự án và việc xử lý trách nhiệm của các bên liên quan đã được UBND TP.Hà Nội báo cáo, giải trình làm rõ trong Văn bản số 1146/UBND-ĐT ngày 19.4.2022.

Về việc thi công dự án làm mặt đường bộ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, Bộ GTVT đồng thuận với phản ánh của đại biểu về ảnh hưởng của việc thi công dự án đường sắt trên cao đoạn Nhổn - Ga Hà Nội làm mặt đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu bị hư hỏng, tiềm ẩn mất an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

nhon.jpg
Bộ GTVT trả lời chất vấn ĐBQH về việc chậm tiến độ đường sắt Nhổn – ga Hà Nội

Theo đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và nhà thầu thi công kiểm tra, rà soát khắc phục ngay tình trạng hư hỏng mặt đường, bổ sung hệ thống rào chắn, biển cảnh báo, tập trung công tác điều tiết, chỉ dẫn giao thông vệ sinh môi trường… nhằm đảm bảo êm thuận, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Năm 2021, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội. Hiện nay, UBND TP.Hà Nội đang tập trung chỉ đạo Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Dự án để sửa chữa, hoàn thiện lại mặt đường đoạn tuyến nêu trên, đảm bảo an toàn, êm thuận cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Thông tin về tiến độ dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, dự án đang triển khai 10/10 gói thầu chính. Tiến độ tổng thể chung đạt khoảng 74,36% (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,1%, đoạn ngầm đạt 33%). Hiện đang tập trung triển khai đoạn trên cao để có thể khai thác vào cuối năm 2022, đồng thời tiếp tục xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đoạn đi ngầm.

Theo MRB, hiện dự án hiện đang gặp 5 vấn đề khó khăn gây ảnh hưởng đến tiến độ. Thứ nhất, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 làm chậm trễ, gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí.

Thứ hai, việc chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Trong đó có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5-6 năm so với kế hoạch.

Đặc biệt, có 50 tòa nhà không trong diện thu hồi đất bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm nhưng quy trình bồi thường cho các hộ dân chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo quy định pháp luật.

Thứ ba, việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng quy định để giải quyết tranh chấp.

Thứ tư, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Hợp đồng Tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói). Tư vấn dự án Systra được chỉ định thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu dự án nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn. Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

Thứ năm, các vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.

Do gặp phải những vướng mắc trên nên đến nay có tới 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Để tháo gỡ khó khăn, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP.Hà Nội báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội. Cụ thể là xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009-2022 thành 2009-2029.

Trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022; vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029. Điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 34.532 tỉ đồng, tăng khoảng 4.905,24 tỉ đồng (tương đương khoảng 202,81 triệu Euro).

"Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do sự biến động của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền đồng) khi thanh toán khối lượng thực hiện; do điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công và phương án vận hành; do chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư...", đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GTVT trả lời chất vấn ĐBQH về việc chậm tiến độ đường sắt Nhổn – ga Hà Nội