Sổ hộ khẩu thể hiện một số thông tin về nhân thân của công dân như tên tuổi, giới tính, mối quan hệ với chủ hộ, các thành viên trong gia đình… Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy thì công dân sẽ xác định nhân thân như thế nào?

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, công dân xác định nhân thân như thế nào?

P.V | 09/04/2021, 10:46

Sổ hộ khẩu thể hiện một số thông tin về nhân thân của công dân như tên tuổi, giới tính, mối quan hệ với chủ hộ, các thành viên trong gia đình… Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy thì công dân sẽ xác định nhân thân như thế nào?

Liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, tại Nghị quyết 112/NQ-CP thì Chính phủ đã thông qua phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú, tạm trú bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú. Thay vào đó, việc quản lý nơi cư trú của công dân sẽ thông qua mã số định danh cá nhân.

Cụ thể hóa điều này, tại dự thảo Luật cư trú sửa đổi gần đây, Bộ Công an cũng đã bỏ quy định về đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu:

Điều 18. Đăng ký thường trú (Luật cư trú 2006)

Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ.

Điều 23. Thủ tục đăng ký thường trú (Dự thảo Luật cư trú sửa đổi)

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú nơi tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo bằng văn bản cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, khi Luật cư trú sửa đổi được thông qua, sổ hộ khẩu giấy không còn, câu hỏi được nhiều người đặt ra là khi công dân muốn xác định thông tin nhân thân (ví dụ như quan hệ giữa các thành viên trong gia đình) thì phải làm sao?

Để giải đáp điều này, tại dự thảo Luật cư trú sửa đổi đã quy định các thông tin có trong sổ hộ khẩu giấy hiện nay sẽ được số hóa, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin về mối quan hệ của công dân với chủ hộ gia đình và các thành viên trong hộ gia đình cũng sẽ được cụ thể hóa bằng trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể là tại Điều 41 dự thảo Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân đã bổ sung trường thông tin “Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình”.

Những dữ liệu này dự kiến sẽ được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân, công dân và cơ quan nhà nước chỉ cần dùng thẻ Căn cước và cơ sở dữ liệu đã thu thập để xác định những thông tin nhân thân cần thiết.

Đăng ký khai sinh đơn giản hơn khi bỏ sổ hộ khẩu giấy

Hiện có 2 thủ tục liên quan đến đăng ký khai sinh có yêu cầu sổ hộ khẩu giấy gồm khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân và đăng ký lại khai sinh.

Cụ thể Điều 8, 9 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định các loại giấy tờ khi đăng ký khai sinh:

"Điều 8. Đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hiện tại thực hiện việc đăng ký khai sinh cho công dân Việt Nam cư trú trong nước, sinh trước ngày 1.1.2016, chưa đăng ký khai sinh nhưng đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân (bản chính hoặc bản sao hợp lệ) như: giấy tờ tùy thân theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; Sổ hộ khẩu; Sổ tạm trú; giấy tờ khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp...

Điều 9. Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh

Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm:

1. Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ.

2. Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.

3. Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ sau đây là cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh:

a) Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

b) Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú;

c) Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, hồ sơ học tập do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận;

d) Giấy tờ khác có thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân…

Theo Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), sổ hộ khẩu giấy sẽ chấm dứt sứ mệnh sau khi các thông tin có trong sổ hộ khẩu giấy được số hóa, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Như vậy, thủ tục đăng ký khai sinh trong 2 trường hợp nêu trên sẽ đơn giản hơn khi giảm bớt 1 loại giấy tờ trong hồ sơ. Người dân sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, photo, chứng thực sổ hộ khẩu.

Bài liên quan
 9 trường hợp bị xóa hộ khẩu từ 1.7
Từ 1.7.2021, công dân bị xóa hộ khẩu trong 9 trường hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
8 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ sổ hộ khẩu giấy, công dân xác định nhân thân như thế nào?