Hôm nay, 20.6, giá xăng có thể tiếp tục điều chỉnh. Trong khi đó, Bộ Tài chính và Bộ Công thương vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền.
Bộ Tài chính vừa gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ để nêu ý kiến về cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền của quý trước áp dụng cho quý sau đang áp dụng hiện nay. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn này, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất, giải quyết hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Khó theo dõi, giám sát
Văn bản này nhằm phúc đáp các kiến nghị mà Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng trước đó. Bộ Công thương cho rằng phương pháp tính thuế bình quân gia quyền chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành của Nghị định 83, chưa đúng diễn biến giá thế giới và có thể ngược chiều với giá thế giới. Ngoài ra, cách tính này gây dư luận là việc điều hành thiếu tính công khai, minh bạch và số liệu cụ thể để tính toán mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, cách tính này cũng chưa giải quyết hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, người tiêu dùng, các DN sản xuất, kinh doanh xăng dầu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lý giải nếu thuế nhập khẩu trong công thức cơ sở của giá xăng được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi trước kia thì DN được hưởng lợi còn quyền lợi người dân bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu thuế nhập khẩu tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất trong các biểu thuế thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng lại ảnh hưởng đến quyền lợi của các DN kinh doanh xăng dầu.
Trước hai luồng ý kiến trên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lại đề xuất hạ thuế nhập khẩu xăng xuống mức thấp nhất theo cam kết ưu đãi đặc biệt với Hàn Quốc là 10% thay vì tính theo sản lượng nhập bình quân của 2 mức thuế 10% và 20% như hiện nay. Đồng thời với phương án này, cần tăng thu nội địa để bù thu ngân sách.
Giải pháp tạm thời
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, giải thích đáng lẽ có 2 mức thuế thì phải có 2 mức giá cơ sở nhưng Bộ Tài chính không thể làm được điều này. Còn áp dụng thuế bình quân gia quyền vẫn không đúng bởi Nghị định 83 quy định lấy thuế nhập khẩu để tính giá xăng dầu chứ không phải thuế bình quân. Hiệp hội này nhận định năm 2017 sẽ không tránh khỏi việc tăng thuế môi trường lên kịch trần là 4.000 đồng/lít, đồng thời thuế tiêu thụ đặc biệt sắp tới có thể sẽ tăng. Hơn nữa, khoảng năm 2018, 2019 sẽ tiến tới mở cửa thị trường xăng dầu, đưa thuế về 0%. Do vậy, sớm thực hiện theo cách hạ thấp nhất có thể đối với thuế nhập khẩu trong công thức giá và tăng các khoản thu khác sẽ phù hợp với xu thế, không làm thay đổi giá cả các mặt hàng và thị trường sẽ lành mạnh hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng lượng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc của các DN lớn khá nhiều bởi những DN này có khả năng chọn được giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi. Theo Hiệp định Thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc, nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc sẽ chỉ phải nộp thuế 10%, trong khi đó mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức 18,3%. Như thế, với những phần xăng nhập khẩu ở Hàn Quốc, DN sẽ được lời thêm 8,3% tiền thuế. Các DN nhỏ không tìm được nguồn C/O Hàn Quốc thì phải chọn nhập khẩu từ nguồn hàng có thuế 20%, song lượng này không lớn.
Như vậy, bài toán ngân sách thâm hụt khiến cho Bộ Tài chính có ý “níu kéo” bằng cách duy trì cách tính giá theo thuế bình quân khiến DN không quá ngại khi nhập khẩu ngoài thị trường Hàn Quốc. Do đó, cần khắc phục bằng cách hạ thuế để kích thích DN tìm hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc, giúp giá bán lẻ thấp hơn và việc công khai giá minh bạch hơn.
Bộ Tài chính thừa nhận việc áp thuế bình quân gia quyền chỉ là giải pháp tạm thời, trong tình hình hiện nay không thể có giải pháp nào tốt hơn nữa. Đặc biệt, an ninh năng lượng là vấn đề cần quan tâm không kém gì vấn đề giá cả bởi xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất cũng như là nhu cầu thiết yếu của người dân.
Phương Nhung - Người lao động