Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: 5 năm tới, tranh chấp trên biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp. VN kiên trì theo đuổi giải pháp chính trị - ngoại giao đấu tranh bảo vệ chủ quyền, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao cảnh báo tranh chấp biển Đông gay gắt

Một Thế Giới | 23/01/2016, 11:51

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: 5 năm tới, tranh chấp trên biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp. VN kiên trì theo đuổi giải pháp chính trị - ngoại giao đấu tranh bảo vệ chủ quyền, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Tham luận tại Đại hội 12 sáng nay, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu những vấn đề lớn trong đối ngoại, trong đó có đấu tranh chính trị - ngoại giao xử lý vấn đề tranh chấp trên biển Đông.

Lập đối tác chiến lược với hầu hết nước lớn

Điểm lại thành tựu đối ngoại nhiệm kỳ 5 năm qua, Phó thủ tướng nhấn mạnh nét nổi bật: Lần đầu tiên hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước láng giềng, với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với 8 nước, quan hệ đối tác toàn diện thêm với 3 nước, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước và đối tác toàn diện lên 10 nước, trong đó Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

tranh chap bien Dong gay gat
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phạm Hải

Một thành tựu đáng kể, đó là ký kết hoặc kết thúc đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do ta đã tham gia và đang đàm phán.

Vận động được thêm 38 trong tổng số 59 đối tác chính thức công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường…

Kiên trì giải pháp ngoại giao

Không thể không nhắc đến vai trò đối ngoại đóng góp vào việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông, chúng ta đã sử dụng triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề biển Đông, đồng thời vẫn duy trì đoàn kết trong ASEAN, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Việt Nam tranh thủ được công luận quốc tế lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Một dấu mốc nổi bật, đó là việc đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại đa phương với phương châm chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng”, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

“Việt Nam được các nước tin cậy, tín nhiệm, và luôn được bầu với số phiếu cao nhất tại tất cả các cuộc bầu cử vào các cơ chế của Liên Hợp Quốc”, Phó thủ tướng cho biết.

5 năm tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thế giới thay đổi nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt… Đặc biệt, tranh chấp trên biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp.

“Trong bối cảnh đó, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”, ông Minh nhấn mạnh.

tranh chap bien Dong gay gat
Đại biểu dự Đại hội.Ảnh: Phạm Hải

Để đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, Phó thủ tướng nhấn mạnh 4 nhóm vấn đề lớn.

Trong đó, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế.

Tập trung thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến 2020, tầm nhìn 2030 và các đề án, kế hoạch triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế...

Theo Xuân Linh/VNN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Ngoại giao cảnh báo tranh chấp biển Đông gay gắt