Chiều 14.9, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về công tác chuyển đổi số của địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh như: chất lượng mạng viễn thông; thành lập tổ công nghệ số cộng đồng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường thực hiện công tác truyền thông về chuyển đổi số; kỹ năng cần trang bị cho công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện chuyển đổi số; những vấn đề trong triển khai phần mềm quản lý đất đai…
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, với quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội, trong đó có chuyển đổi số, coi đó là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm triển khai đến đại biểu những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong chuyển đổi số của tỉnh.
Qua đó, huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa chủ trương, quy định của chuyển đổi số vào đời sống. Đồng thời, hy vọng với kiến thức chuyên sâu của các chuyên gia nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, những gợi mở, tư vấn của lãnh đạo Bộ TT-TT cùng các chuyên gia về chuyển đổi số tại hội nghị sẽ góp phần giúp tỉnh Cà Mau thực hiện chuyển đổi số đi đúng hướng, đạt mục tiêu đề ra.
“Trên cơ sở các định hướng, gợi mở tại hội nghị, các cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác định các điểm đột phá, những công việc cần triển khai ngay để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới”, ông Việt nói.
Thực tế hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng hệ thống vận hành của chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc triển khai, ứng dụng các hệ thống, phần mềm quản lý dữ liệu khác nhau nên việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn khó khăn; hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn nhiều công đoạn thực hiện thủ công, dựa trên văn bản giấy; kết quả xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh còn thấp…
Qua đó, tỉnh Cà Mau đã đề ra mục tiêu từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh; phấn đấu Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhấn mạnh: “Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, cả hệ thống chính trị của tỉnh cần vào cuộc một cách tích cực, khoa học và có trách nhiệm”.
Ông Hải cũng đề nghị từng cấp, từng ngành, cá nhân cần xác định lại trách nhiệm công việc của mình. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh cần tính toán cụ thể công việc phải làm trên từng lĩnh vực. Qua đó, góp phần dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân cùng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Trả lời các đại biểu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã có, được xây dựng giống như những nền tảng mạng xã hội đã thông dụng nên không phải là cái gì quá ghê gớm. Điều cần lưu ý và quan trọng nhất là quá trình bảo mật thông tin khi sử dụng.
“Công nghệ thông tin cơ bản phục vụ cho những người trong hệ thống chính quyền, còn chuyển đổi số chuyển trọng tâm từ người quản lý sang người dùng cuối cùng, là nhân viên trong tổ chức đó. Cho nên tư duy về chuyển đổi số thì phải tư duy theo hướng người dân được hưởng lợi gì, nhân viên được lợi gì”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cần có tư duy, không dùng phần mềm riêng lẻ để đảm bảo trong kết nối. Bên cạnh đó, việc đưa cáp quang đến từng hộ gia đình là nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số. Tỉnh Cà Mau cần phát huy vai trò của người đứng đầu để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới.