Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Nhịp đập khoa học

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn

Lam Thanh 24/04/2024 17:55

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.

Chiều 24.4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

2 hướng đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh. Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng… sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

“Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn”, Thủ tướng nêu.

Theo Thủ tướng, nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

ban-dan-3.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư bán dẫn.

Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho biết, về đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có hai hướng. Một là đào tạo ngắn hạn chuyển đổi sang lĩnh vực này; hai là phải có sự dài hơi dựa trên lĩnh vực chúng ta đang đầu tư trong nhiều năm nay.

Theo ông, thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đào tạo và có nhiều hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này. Hiện nay, trường đang cung cấp nguồn nhân lực khoảng hơn 3.000 sinh viên mỗi năm trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực này. Trường cũng có hệ thống phòng thí nghiệm, tuy nhiên những phòng thí nghiệm này chưa tích hợp được công đoạn của công nghiệp bán dẫn…

Về các giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực, ông Sơn nhấn mạnh đội ngũ giảng viên là vấn đề quan trọng.

“Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đào tạo các chuyên gia, nhưng sẽ có 2 nhóm chuyên gia. Đó là nhóm có thể giảng dạy được và nhóm chuyên gia đầu ngành. Điều này cần sự định hướng dài hơi bởi phải gắn với các chương trình nghiên cứu, đào tạo dài hạn. Ngoài ra, cần có cơ chế không chỉ là bồi dưỡng mà phải thu hút được các chuyên gia”, ông Sơn nêu.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh: "Hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm cũng rất quan trọng. Trường cũng đã đề xuất Dự án Trung tâm hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch quốc gia đặt tại Đại học Quốc gia Hà Nội, tích hợp với các giai đoạn của công nghiệp bán dẫn, đã gửi Bộ KH-ĐT".

ban-dan-1.jpeg
Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn

"Điểm đặc biệt của trung tâm là cơ chế hợp tác công-tư để hợp tác với các doanh nghiệp, chia sẻ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu; thu hút các sinh viên giỏi tham gia trong lĩnh vực này", ông Sơn nêu.

Việt Nam có lợi thế là người Việt có gien về khoa học công nghệ

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, khi làm Chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, bộ có đánh giá về lợi thế của Việt Nam.

Thứ nhất là lợi thế địa chính trị liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu như lấy Việt Nam làm tâm quay vòng tròn thì sẽ gồm 80% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Nghĩa là Việt Nam là trung tâm toàn cầu.

Thứ hai, Việt Nam có lợi thế là người Việt Nam có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.

Thứ ba, thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng (X+1), tức là toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn chứ không chỉ là sản xuất. Hiện Mỹ cũng có nhu cầu thêm nguồn sản xuất nhân lực thiết kế chip từ các quốc gia khác, Việt Nam là một trong số ít nước này. Thế giới đang thiếu nguồn nhân lực về công nghiệp bán dẫn; sự thiếu hụt này trên toàn cầu nhưng là ngắn hạn, không phải dài hạn.

ban-dan-2.jpeg
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Ngoài ra, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, sau Trung Quốc. Việt Nam cũng là một trong số ít nước có 20 năm làm công nghiệp bán dẫn, có những nền tảng bước đầu.

Ông Hùng cho rằng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam một cách hoàn chỉnh nhưng phải có lộ trình, gần 30 năm. Trong lộ trình này, công nghiệp bán dẫn Việt Nam không chỉ làm một số công đoạn mà sẽ tự chủ đầy đủ các công đoạn bán dẫn và Việt Nam là thị trường chủ lực.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hùng cho rằng phát triển công nghiệp bán dẫn đi cùng phát triển công nghiệp chủ lực và công nghiệp chuyển đổi số. Chip bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, ai làm chủ thị trường thiết bị điện tử thì mới thực sự làm chủ công nghiệp bán dẫn.

"Một nghiên cứu gần đây cho thấy, không có bất kỳ quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành công nghiệp điện tử và gần đây còn có khái niệm về ngành công nghiệp chuyển đổi số. Nếu chúng ta chỉ làm chip bán dẫn thì sẽ phụ thuộc vào đầu ra, phụ thuộc vào người mua, chính là các doanh nghiệp thiết bị điện tử", ông Hùng nêu.

Ông Hùng cũng đề nghị trước mắt xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Từ tháp nhân lực này tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Tháp nhân lực sẽ như nam châm thu hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam.

"Khả năng đáp ứng các nhu cầu về nhân lực chủ yếu là đi vào đào tạo lại và đào tạo trực tiếp trong ngắn hạn. Các nước khác muốn đào tạo một kỹ sư điện tử làm về công nghiệp bán dẫn phải đào tạo trong khoảng 2 năm nhưng ở Việt Nam chỉ cần 3-6 tháng hoặc 12 tháng", ông Hùng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hùng cũng đề cập đến sự kết hợp giữa FDI và tự cường. Việt Nam đang tiến tới tự cường trong dài hạn, vẫn thu hút đầu tư nước ngoài vào các công đoạn của công nghiệp bán dẫn, kể cả sản xuất. Việt Nam đang làm tốt FDI những chưa làm tốt tự cường nên chúng ta cần đi đều cả hai chân.

Thêm nữa, cần xây dựng hệ sinh thái về công nghiệp bán dẫn. Nếu chúng ta không phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ về chip bán dẫn hay không tạo điều kiện cho họ "ngốn" nguồn nhân lực kia thì đề án về nguồn nhân lực cũng sẽ gặp khó khăn.

"Đang có chiến dịch chạy đua toàn cầu về thu hút FDI. Chúng ta nên lấy lợi thế địa chính trị, nhân lực, hạ tầng là chính để tạo ra sức cạnh tranh của mình", ông Hùng nêu.

Bài liên quan
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từ chối gặp người đồng cấp Mỹ
Hãng Reuters đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân từ chối gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin bên lề một hội nghị cấp cao tại Lào vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn