Giải trình trước Quốc hội ngày 3.11, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, ngoài 5 dự án thua lỗ nghìn tỉ dư luận đang chú ý còn một số dự án khác tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc, nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ gây ra nguy cơ mất vốn đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội.
Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, báo cáo giải trình của Bộ Công Thương về 5 dự án nghìn tỉ "đắp chiếu"còn ở mức độ khái quát chứ chưa đi vào cụ thể. Lý giải điều này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thực tế không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác còn tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ kém hiệu quả, gây ra nguy cơ mất vốn đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội.
Tuy nhiên, những dự án giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ và các dự án ethanol, cồn sinh học đều diễn ra trongmột thời gian rất dài so với quá trình đầu tư của dự án đã được phê duyệt. Đồng thời trong quá trình thực hiện có rất nhiều các vướng mắc, các thay đổi cả về bối cảnh của thị trường cũng như cả các vấn đề cụ thể trong từng dự án và đã có sự chỉ đạo của các cơ quan các cấp của Nhà nước cũng tháo gỡ, tuy nhiên vẫn chưa đạt được hiệu quả.
Vì vậy, tổng hợp lại để báo cáo với đại biểu quốc hội thì không đầy đủ được trong báo cáo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đang tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằngphải rạch ròi và làm rõ hơn nữa trong công tác về quản lý các nguồn lực đầu tư của nhà nước, không chỉ đầu tư công mà còn đầu tư của các DNNN. Đặc biệt phải làm rõ vai trò của DNNN cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tham gia trong các phát triển về thị trường và phát triển sản xuất gắn với thị trường.
Theo đó, qua những dự án này đã bộc lộ những sự khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng về mặt thể chế là vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý. Giữa các bộ chủ quản, các bộ quản lý về đồng vốn và hiệu quả vốn của nhà nước cũng như các bộ quản lý về các quy trình, thủ tục đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và đầu tư của xã hội nói chung. Vì vậy, rất cần phải làm rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với các phần vốn trong doanh nghiệp nhà nước thời gian tới.
Về trách nhiệm của các bộ chủ quản cũng như các bộ chuyên ngành, Bộ trưởng BộCông Thương cho rằng cần phải xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nhà nước, nhất là trong khâu chất lượng của các dự án đầu tư. Trong đó từ khâu chiến lược, quy hoạch cho đến các chủ trương đầu tư và các nội dung cụ thể của đầu tư, gắn và làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý của nhà nước cũng như của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật của nhà nước trong quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại DNNN.
Đại biểuTrương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằngBộ Công Thương phải lập danh mục những dự án này, bởi những thiệt hại từ những dự án này là rất lớn. “Chỉ cần mỗi một ngày qua lỗ vài ba tỉ, mỗi một năm lỗ năm, bảy chục tỉ chứ không đến 1.000 tỉ như một số nhà máy "đắp chiếu" thì con số cũng đã khổng lồ, trong khi những vùng sâuvùng xa, hàng chục triệu đồng bào ở diện nghèo đang rất cần những khoản kinh phí đang bị tiêu tốn vào những dự án ấy”, ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Trong phiên họp hôm qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan và xử lý nghiêm đến những dự án thua lỗ này.
“Tôi vô cùng lo lắng khi mà 4 dự án gồm nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, lọc dầu Dung Quất, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình đã lỗ 7.300 tỉ đồng còn nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vốn đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng nay nâng lên thành 8.104 tỉ đồng. Việc cần làm là tập trung xử lý sớm nếu không nợ chồng lên nợ, đồng thời phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này”, ông Cầu nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo giải trình chi tiết về các dự án nghìn tỉ bị thua lỗ vì là nguyên nhân kéo lùi đà phát triển của nền kinh tế. Do đó, cần quy trách nhiệm rõ người chỉ đạo, làm rõ quá trình thực hiện và các bước xử lý tiếp theo nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Trí Lâm