Ngày 10.2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn phác đồ điều trị COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi, đặc biệt các trẻ em dưới 12.

Bộ Y tế chuẩn bị kỹ càng kế hoạch tiêm chủng và phác đồ điều trị COVID-19 cho trẻ em

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 11/02/2022, 06:00

Ngày 10.2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn phác đồ điều trị COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi, đặc biệt các trẻ em dưới 12.

Trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 ngày 10.2, Phó thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại, không để bị động, lúng túng, bất ngờ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị COVID-19 đối với người dưới 18 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho các bệnh viện trên toàn quốc về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhi mắc COVID-19; chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa khả năng xảy ra việc khoa nhi trong bệnh viện bị lây nhiễm COVID-19 hoặc quá tải. Bộ Y tế cần chủ động, hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch huy động các tình nguyện viên tham gia thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết.

Theo Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi. Bộ đã trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học, học hỏi kinh nghiệm triển khai của các nước về việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.

Bộ Y tế cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11 tuổi và những phản ứng có thể xảy ra. "Khi có vắc xin, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

tiem-tre-1.jpg
Việc tiêm chủng và điều trị COVID-19 cho trẻ em cần tiến hành thận trọng

Hiện vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer đã được WHO chính thức cấp phép tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Và ngày 5.2 vừa qua, Chính phủ đồng ý mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ nhóm tuổi này. Chính phủ đã giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Tới ngày 9.2, Bộ Y tế công bố kết quả khảo sát trực tuyến do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành trên 415.000 phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố. Qua khảo sát, có 60,6% đồng ý tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ và có 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc. Có 29,1% cân nhắc và 1,9% phụ huynh không đồng ý.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, việc sử dụng vắc xin, đặc biệt là vắc xin cung ứng, cấp phép trong tình huống khẩn cấp cần chú ý tới vấn đề có cần thiết phải tiêm hay không. Trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vắc xin thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.

Đã mắc COVID-19, dù ở lứa tuổi nào, bệnh cũng có các biểu hiện từ không triệu chứng, có triệu chứng đến nhập viện nặng, tử vong. Qua theo dõi, trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

"Vì vậy, việc tiêm chủng có ý nghĩa rất lớn, giúp hạn chế lây nhiễm cho trẻ và những người trong gia đình, đặc biệt là người có nguy cơ cao diễn tiến nặng, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động", GS Lân nhấn mạnh.

Được biết, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai tiêm chủng cho lứa tuổi từ 5-11 tuổi, mục tiêu đạt độ bao phủ vắc xin, vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Trước khi triển khai, cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng một lần nữa được tập huấn về sử dụng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, thực hành tiêm chủng cũng như hướng dẫn xử trí các phản ứng bất thường có thể xảy ra sau tiêm chủng.

Đồng thời, cán bộ y tế sẽ được tập huấn những nội dung tư vấn hướng dẫn cho cha mẹ, thầy cô giáo, học sinh… về theo dõi sức khỏe đúng cách sau tiêm để họ cùng tham gia đảm bảo an toàn tiêm chủng; phát hiện sớm nhất biểu hiện bất thường sau tiêm.

TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho rằng trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm.

Hơn nữa, theo hướng dẫn của Pfizer thì trẻ từ 5-11 tuổi sử dụng vắc xin với liều 10 mcg, bằng 1/3 so với người lớn và thanh thiếu niên. Tiêm cho trẻ em liều như thế gần như không có các phản ứng phụ bất lợi nên được đánh giá là mũi tiêm an toàn.

Còn về vấn đề viêm cơ tim như nhiều người hiện nay vẫn đang lo ngại, ông Thái khẳng định, với liều tiêm 10 mcg ở trẻ nhỏ, gần như không thấy trường hợp nào gặp phải vấn đề với cơ tim.

"Hiện thế giới đã có 44 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin Pfizer, tuy nhiên số liều vắc xin được tiêm chỉ có 17 quốc gia báo cáo với khoảng 12 triệu liều vắc xin. Ngoài sốt, sưng đau tại chỗ, mệt mỏi 1-2 hôm sau đó hết, các nước đã tiêm vắc xin cho đối tượng trẻ độ tuổi này và không gặp biến cố bất lợi nào ghê gớm hay viêm cơ tim. Đó là lý do vì sao vắc xin được tiêm giảm liều một cách an toàn nhưng vẫn có hiệu lực bảo vệ”, ông Thái khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế chuẩn bị kỹ càng kế hoạch tiêm chủng và phác đồ điều trị COVID-19 cho trẻ em