Chiều 8.1, Sở TTTT đã tổ chức họp báo để thông báo kết quả buổi làm việc giữa Bộ GTVT, UBND TP.Cần Thơ và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, về việc xử lý những vướng mắc tại Trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 1 (Km2078 + 317,73 - Km2100) đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp theo hình thức BOT do Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đầu tư với tổng vốn 1.836 tỉ đồng, thời gian thu phí là 10 năm 2 tháng, được đưa vào sử dụng năm 2016, và bắt đầu thu phí vào tháng 4.2016.
Ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở TTTT TP.Cần Thơ, cho biết, cuộc họp sáng nay có đại diện Tổng cục Đường bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng lãnh đạo TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Trước hết, phía Bộ đánh giá cao việc chủ động, tích cực của địa phương trong việc giải quyết kịp thời sự việc xảy ra tại trạm thu phí này.
Lý do làtrong ngày 4.1và 5.1, khi nhiều tài xế tập trung phản đối gây kẹt xe, đích thân ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã có mặt tại trạm, chỉ đạo xả trạm khi kẹt xe, đối thoại với chủ đầu tư và doanh nghiệp.
"Những đề xuất miễn giảm giá, Bộ GTVT cơ bản đồng ý và yêu cầu Cần Thơ, Hậu Giang rà soát, có danh sách cụ thể, gửi về Tổng cục Đường bộ để giải quyết trước ngày 15.1. Sau đó, Tổng cục sẽ chuyển lên Bộ GTVT để có ý kiến giải quyết trước ngày 20.1", ông Trung nói.
Trước đó, ngày 5.1, UBND TP.Cần Thơ đã có văn bản gửi đến Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, báo cáo về tình hình phức tạp, các tài xế tụ tập phản đối gây kẹt xe tại Trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp từ ngày 4.1.
Theo đó, đề nghị cần sớm xem xét có chính sách miễn giảm 100% cho phương tiện không kinh doanh ở P.Ba Láng (Cần Thơ), xã Tân Phú Thạnh, TT.Cái Tắc (Hậu Giang); giảm 50% cho ô tô từ 10 chỗ trở lên và xe tải trên 1 tấn ở 3 địa phương trên.
Đối với hộ dân, doanh nghiệp có hợp đồng vận chuyển cụ thể, cố định trên 3 tháng, có sử dụng quãng đường dưới 5km tính từ trạm, đề nghị có chính sách miễn giảm. 23 phương tiện không đăng ký xe chính chủ ở P.Ba Láng, đề nghị cho hưởng chính sách miễn giảm.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, nói rằng, mức miễn giảm này xuất phát từ các đơn kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, và qua các buổi đối thoại lấy ý kiến. "Từ ngày mai (9.1), Sở sẽ phối hợp UBND Q.Cái Răng để có danh sách các chủ xe, số xe... cụ thể, để tổng hợp gửi lên Tổng cục Đường bộ...", ông Dũng nói.Trong thời gian này, chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp, chấp hành chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.Cần Thơ khi phát sinh kẹt xe, bất ổn về trật tự tại khu vực trạm, xả trạm để bảo đảm giao thông thông suốt nếu bị ùn tắc xe cộ...
Trước đó, tháng 12.2017, Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất về nguyên tắc giảm giá cho các hộ dân, doanh nghiệp ở xã Tân Phú Thạnh (H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) và P.Ba Láng (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), và Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đã bắt đầu giảm giá chung cho tất cả các xe qua trạm từ 0 giờ ngày 20.12.2017, giảm giá đối với vùng lân cận từ 0 giờ ngày 1.1.2018.
Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 4.1, nhiều chủ xe vẫn tập trung đậu xe tại BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp để phản đối, vì cho rằng họ chỉ đi vài trăm mét đườngmà phải trả vé cho toàn tuyến là quá cao.
Về việc xử lý các chủ xe có biểu hiện như vậy trong những ngày qua, trước mắt các cơ quan chức năng Cần Thơ không có đề xuất gìmà tập trung giải quyết theo nguyện vọng của người dân. Sở GTVT cũng không tập hợp, ghi nhận biển số các xe hay đậu phản đối quanh trạm!
Vì sao cứ phản đối là giảm giá vé, liệu chủ đầu tư có kê khống mức đầu tư, nâng cao thời hạn thu phí để thu lãi quá cao trước đó? Ông Dũng nói: "Phía Bộ cho biết, dự án này đang được kiểm toán, tính toán lại thời gian thu phí".
Về việc xử lý hành vi thiếu hợp tác, không chấp hành yêu cầu xả trạm của Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ trong ngày 4.1, phía Sở GTVT Cần Thơ cho biết, đã lập biên bản vào 14 giờ cùng ngàynhưng chủ đầu tư không ký, lấy lý do chưa xác định được điểm kẹt xe cuối cùng, và trạm đã xả nhưng các xe không chịu di chuyển nên không giảm ùn tắc.
Tuy nhiên, theo ông Dũngbiên bản và đề xuất xử lý đã được gửi đến Thường trực UB TP.Cần Thơ.
Thanh Hồ