Ghi nhận tại các bệnh viện hơn 1 tuần nay, số lượng bệnh nhân nhập viện tại các khoa - các bệnh viện Nhi tăng đột biến khiến các chuyên gia y tế lo bùng dịch trong giai đoạn hiện nay.

Bùng phát bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, các bệnh viện quá tải

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 01/10/2022, 08:00

Ghi nhận tại các bệnh viện hơn 1 tuần nay, số lượng bệnh nhân nhập viện tại các khoa - các bệnh viện Nhi tăng đột biến khiến các chuyên gia y tế lo bùng dịch trong giai đoạn hiện nay.

Bệnh nhi nhập viện tăng đột biến, nhiều bệnh viện ở Hà Nội quá tải

Suốt hơn 1 tuần qua, các trẻ em đến bệnh viện khám và xin nhập viện tại các bệnh viện tăng cao, đặc biệt là ở các bệnh viện đầu ngành về nhi như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn... khiến những nơi này trở nên quá tải. Các bệnh nhân bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết, cúm A hay mắc Adenovirus tăng mạnh và đang có xu hướng lây lan nhanh trong cộng đồng thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên về tình hình bệnh nhân nhi tăng đột biến trong thời gian gần đây, bác sĩ Vũ Thị Mai - khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trẻ nhập viện tăng mạnh trong khoảng một tháng nay, chủ yếu mắc các bệnh về viêm đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, cúm. Đặc biệt tăng đột biến vào những ngày gần đây, khoa tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhi nhập viện. Trong đó, đã ghi nhận một số trẻ bị viêm phổi do nhiễm vi rút Adeno. Trước tình hình bệnh nhân đông như hiện nay, Bệnh viện Thanh Nhàn đã phân loại bệnh nhân, nếu bác sĩ chỉ định trẻ có thể điều trị tại nhà thì cho ngoại trú để bố mẹ theo dõi tại nhà, khi có vấn đề có thể gọi trực tiếp đến số hotline của khoa Nhi để được hỗ trợ kịp thời.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng bệnh nhân tới khám tăng rất cao và có hiện tượng quá tải. Nhiều phụ huynh thấy con sốt, khó thở, viêm phổi đã vội vàng đưa con em đến bệnh viện vì lo lắng, khiến cho bệnh viện càng đông.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, tình hình bệnh nhi mắc Adenovirus tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng nhanh từ tháng 8.2022 cho đến nay. Tính từ ngày 1.1 đến 22.9.2022, đã có hơn 1.000 ca mắc đến khám và điều trị tại bệnh viện, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc trung tâm hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết hiện nay vào đúng thời tiết giao mùa là thời điểm nhập học của học sinh nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám. Do đó, bệnh viện đã bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp, không nằm chung với nhóm bệnh khác, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, như: đeo khẩu trang, khử khuẩn… không để lây lan dịch bệnh.

Bệnh nhân tăng, ca bệnh nặng cũng tăng khiến nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh hô hấp và tiêu hóa luôn rình rập. Trong môi trường đông đúc, các y bác sĩ luôn phải tích cực quan sát và nhắc nhở thân nhân cố gắng giữ gìn vệ sinh chung, hạn chế người thăm nuôi... Đồng thời, thường xuyên tiến hành khử khuẩn, làm tấm che ngăn giữa các giường bệnh nặng, ưu tiên cho những trẻ nhỏ,  đang phải thở máy, có bệnh nền…

tiem-vacxin-tre-em-4.jpg
Trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ để tránh lây nhiễm bệnh

Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa thu - đông, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh do Adenovirus.
CDC Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động giám sát bệnh Adenovirus khi 30/30 quận huyện đều ghi nhận ca mắc.

Các bệnh viện hiện nay của Hà Nội đều ghi nhận ca bệnh Adenovirus kèm các bệnh khác. Đây là hiện tượng tăng đột biến, và các chuyên gia lo ngại nếu như trẻ mắc các bệnh lý nền, bệnh nặng kèm theo mà đồng nhiễm Adenovirus sẽ khiến bệnh nhân thêm trầm trọng, thậm chí tử vong.

Các biện pháp phòng tránh

Chia sẻ với phóng viên về những biện pháp phòng tránh cho trẻ em giữa lúc giao mùa và dịch bệnh gia tăng, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường (khoa Nhi, Bệnh viện 103 Hà Nội) khuyên các bậc cha mẹ thay vì tìm lý do con ốm thì nên biết cách phòng bệnh cho con thì sẽ tốt hơn.

Bác sĩ Cường cho rằng thời gian này cha mẹ nên hạn chế cho trẻ tới chơi chỗ đông người như các trung tâm thương mại, vui chơi, hạn chế cho bé ngậm đồ chơi, mút tay. Cha mẹ nên đeo khẩu trang cho con ở những nơi đông người, khi cho con tới bệnh viện khám cố gắng giữ khoảng cách cho con. Để phòng viêm hô hấp, trẻ cần được xúc họng bằng nước muối 0,9%, xịt rửa mũi bằng nước muối biển sâu sau đi chơi hoặc đi học về.

Các phụ huynh cũng cần tăng sức đề kháng cho bé như chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng đủ các nhóm chất. Cho trẻ uống đủ nước giúp thanh thải chất độc, làm loãng đờm bù nước sau sốt, sau nôn, đi ngoài. Đặc biệt trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngay cả với người lớn cũng cần giữ vệ sinh, như đi ra ngoài về cần rửa tay, khử khuẩn tay trước khi bế ẵm trẻ nhỏ để tránh mầm bệnh lây lan cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh không nên tự ý làm “bác sĩ”, cho trẻ uống thuốc theo tư vấn khi thấy trẻ "có biểu hiện giống bệnh trước". 

Theo các chuyên gia y tế, nếu trẻ em bị nhiễm cùng lúc 2-3 bệnh, nguy cơ trẻ bị bệnh nặng hơn là rất cao và khó khăn trong việc điều trị bởi lẽ thuốc chữa trị được ở bệnh này nhưng lại khó dùng được ở bệnh khác. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bùng phát bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, các bệnh viện quá tải