Chính phủ Đức - quốc gia được cho là đóng vai trò quan trọng nhất “Bộ tứ Normandy” trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột cho Ukraine - đã làm một việc chưa từng có tiền lệ trong hoạt động ngoại giao quốc tế của mình, đó là cảnh báo Kiev về nguy cơ sụp đổ của quốc gia này.

Bước ngoặt cho ván cờ Ukraine sau khi chính quyền Kiev phong tỏa khu vực ly khai

22/03/2017, 11:04

Chính phủ Đức - quốc gia được cho là đóng vai trò quan trọng nhất “Bộ tứ Normandy” trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột cho Ukraine - đã làm một việc chưa từng có tiền lệ trong hoạt động ngoại giao quốc tế của mình, đó là cảnh báo Kiev về nguy cơ sụp đổ của quốc gia này.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Chính quyền Ukraine phong tỏa lực lượng ly khai bằng quyết định không sáng suốt

Ngày 20.3, khi tham dự phiên họp của Hội đồng Bảo an các khu vực được phát sóng trên kênh 112 của truyền hình Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko đã thừa nhận những hậu quả từ việc phong tỏa của các lực lượng ly khai tại Donbass khiến Kiev mất đi tầm ảnh hưởng với khu vực này.

"Do hậu quả của việc phong tỏa, Ukraine đã mất đi ảnh hưởng trong khu vực này, đồng thời điều đó đánh vào ngành công nghiệp năng lượng, luyện kim và ngân sách đất nước”, ông Poroshenko lên tiếng trong cuộc họp. Đồng thời, nhà lãnh đạo Ukraine cũng khẳng định việc Kiev phong tỏa giao thông vận tải với khu vực Donbass là điều bắt buộc.

​Cũng nên nhắc lại là kể từ 13 giờ ngày 15.3.2017, quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (NSDC) cấm bất kỳ hoạt động, dịch vụ vận chuyển hàng hóa nào tới vùng Donbass. Theo Kyiv Post dẫn lời Tổng thống Poroshenko: "Sau khi cắt đứt các tuyến giao thương, Kiev sẽ không có bất kỳ mối quan hệ thương mại nào với Donbass, đồng thời kiên quyết ngăn chặn tất cả các hoạt động của khu vực này tới Kiev".

Giao thông tới Donbass đã bị phong toả theo lệnh của Tổng thống Poroshenko

Ông Poroshenko kêu gọi các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế ủng hộ quyết định này, cùng với đó là đề nghị EU tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ngay lập tức các nước từng đứng về phía chính quyền Kiev trong cuộc xung đột tại Ukraine đã lên tiếng cảnh báo chính phủ Ukraine về hậu quả của quyết định được cho là sai lầm rất tai hại này.

Theo đó, chính phủ Đức - quốc gia được cho là đóng vai trò quan trọng nhất “Bộ tứ Normandy” trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột cho Ukraine - đã làm một việc chưa từng có tiền lệ trong hoạt động ngoại giao quốc tế của mình, đó là cảnh báo Kiev về nguy cơ sụp đổ của quốc gia này.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer đã thể hiện quan điểm của Berlin: "Sự chia rẽ ở Ukraine đang có xu hướng ngày càng gia tăng, thực tế đó đòi hỏi cần phải được quan tâm thực sự nghiêm túc. Song quyết định phong tỏa Donbass thì chỉ càng làm cho sự chia rẽ ngày tăng thêm mà thôi", theo tường thuật của báo Süddeutsche Zeitung (Đức).

Theo nhà ngoại giao Đức, thay vì chống lại hành động phong tỏa của các tổ chức mang tư tưởng bài ngoại thì chính quyền Ukraine lại quyết định cấm vận giao thương với Donbass. Điều đó chẳng khác nào cộng hưởng sự phong tỏa cho các đối thủ của Kiev. Hậu quả hành động của chính quyền Poroshenko là giúp cho đối thủ có được cả lợi thế lẫn ưu thế.

Phong tỏa giao thông tới Donbass luôn phản tác dụng với Kiev trong mọi tình huống

Việc cắt đứt giao thông, phong toả kinh tế với các khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát tại vùng Donbass ở miền đông Ukraine không thể giúp chính quyền Poroshenko giành chiến thắng, ngược lại Kiev đã thua ngay từ khi quyết định được thực thi. Có thể nhận diện điều đó qua 3 hậu quả mà Ukraine phải nhận lãnh:

Thứ nhất, chính quyền Kiev đã trở thành “kẻ thù” của người dân Ukraine đang sinh sống tại khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát chứ không chỉ là đối trọng với lực lượng ly khai mà thôi. Trong cuộc nội chiến không phải tất cả người dân Ukraine tại khu vực Donbass đều đứng về phía lực lượng ly khai nhưng nay thì điều đó sẽ xảy ra qua việc “giận cá chém thớt” của Kiev.

Hành động của Kiev muốn lực lượng ly khai phải “chết” nhưng vô tình khiến người dân Ukraine tại Donbass cũng phải “chết” theo khi lệnh của Tổng thống Poroshenko được thực thi. Bởi lẽ cắt đứt giao thông không khác gì cắt đứt huyết quản của cơ thể, nghĩa là triệt nguồn sống. Như vậy, chính quyền Kiev đã mất dân - đây là điều tối kỵ với bất cứ lực lượng nào trong mọi cuộc đối trọng.

Thứ hai, sau khi mất dân thì hành động của chính quyền Kiev vô hình trung đã chuyển cuộc nội chiến giữa lực lượng ly khai với chính quyền trung ương thành cuộc đối trọng giữa các thực thể chính trị. Khi Kiev trở thành “kẻ thù” của người dân Ukraine tại Donbass thì khi đó chiến tuyến giữa Kiev với lực lượng ly khai đã trở thành giới tuyến.

Có thể hiểu lệnh phong toả của Kiev lúc này giống như lệnh trừng phạt của một quốc gia đối với một quốc gia khác. Đây là điều cực kỳ tệ hại với Kiev khi họ đang tìm mọi cách để cố níu giữ Donbass. Kiev luôn không chấp nhận hai thực thể chính trị tại Donbass nhưng nay thì hành động của chính quyền Poroshenko lại vô hình trung đã công nhận điều đó.

Lệnh phong toả Donbass luôn phản tác dụng với chính quyền Kiev trong mọi tình huống

Thứ ba, tăng cơ hội cho Donbass độc lập khỏi Ukraine. Có thể thấy lực lượng ly khai chưa thể thực hiện việc độc lập với Kiev là do địa vị các thực thể chính trị của lực lượng ly khai và lòng dân Ukraine đang sinh sống tại khu vực ly khai. Nay thì nhờ hành động của Kiev, lực lượng ly khai đã được nâng cao vị thế - phù hợp cho việc tuyên bố độc lập, và có thể tập hợp được ý chí toàn dân - biểu hiện của một chính thể.

Trước những bất lợi, thiệt hại do lệnh phong toả của chính quyền Kiev, không loại trừ việc lực lượng ly khai có thể công khai mở cửa biên giới phía Tây để kết nối với Nga. Khi đó cả Kiev và cộng đồng quốc tế không dễ phản đối và ngăn chặn hành động của lực lượng ly khai vì họ hành động là nhằm cứu dân - một hành động nhân danh lợi ích của nhân dân.

Như vậy là chính quyền Kiev đã tạo ra cả lợi thế lẫn ưu thế cho đối phương sau khi cắt đứt giao thông với Donbass, siết chặt phong tỏa kinh tế với khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Trong lịch sử nhân loại, khi một chính quyền trung ương thể hiện quyền lực với các thực thể muốn ly khai, thường là gia tăng kiểm soát và hạn chế lưu thông, chứ không chính quyền nào chọn biện pháp phong tỏa như chính quyền Poroshenko, bởi nó luôn phản tác dụng trong mọi trường hợp.

Mọi sự ủng hộ quốc tế với Ukraine sẽ đảo chiều hoặc hạ tầm

Với những yếu kém trong quản lý và điều hành đất nước - nhất là nạn tham nhũng và đấu đá nội bộ - chính quyền Tổng thống Poroshenko đã khiến cho các nước phương Tây đi từ bất ngờ đến thất vọng, từ đó những trợ giúp mà họ dành cho Ukraine cũng sụt giảm. Điều đó được thể hiện rõ qua quyết định của Mỹ và EU tạm dừng viện trợ tài chính cho Ukraine vào tháng 3.2015, theo Reuters.

Vậy nhưng dường như Kiev không có những thay đổi sau động thái đó của phương Tây. Họ vẫn kỳ vọng quá nhiều vào “những người anh em xa” và họ hiện thực hoá kỳ vọng bằng việc gia tăng xung đột với phe ly khai, tăng cường gây hấn với người láng giềng Nga. Điều đó đã biến Ukraine trở thành mặt trận đối trọng với Nga tuyệt vời cho phương Tây và Kiev nhận được rất nhiều lời hứa trợ giúp, song qua thực tế cho thấy đó chỉ là những chiếc bánh vẽ của phương Tây.

Hậu quả từ những yếu kém của chính quyền Poroshenko khiến người dân và đất nước Ukraine phải nhận lãnh. Nội chiến thì không thể chấm dứt và phải quốc tế hóa với nhiều hệ luỵ, kinh tế thì suy giảm cả về quy mô và tiềm lực, cuộc sống của người dân thì chậm được cải thiện.

Sự trợ giúp quốc tế với Ukraine có thể đảo chiều hay hạ tầm sau quyết định không chuẩn xác của chính quyền Poroshenko

Trong bối cảnh tệ hại đó thì lệnh cắt đứt giao thông mà chính quyền Poroshenko vừa thực thi với Donbass sẽ khiến những thực thể hay định chế quốc tế thêm thất vọng. Nó phản tác dụng với Kiev trong mọi tình huống và đặc biệt nguy hiểm là nó tạo ra ưu thế cho phe ly khai tại miền đông Ukraine.

Thực tế này khiến cho Mỹ và phương Tây, những thực thể và định chế ủng hộ chính quyền Kiev, rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu tăng cường hỗ trợ chính quyền Poroshenko thì sẽ đẩy phe ly khai nghiêng mạnh về Moscow, nhất là khi địa vị chính trị của các thực thể ly khai đã được nâng cao sau lệnh phong tỏa của Kiev.

Nếu muốn kéo phe ly khai về với Kiev thì Mỹ và phương Tây phải giảm nhẹ các hình phạt hoặc thậm chí là trợ giúp, điều đó sẽ làm hại Kiev. Như vậy trong bất cứ trường hợp nào thì sự trợ giúp của “những người anh em xa” với Kiev đều lợi bất cập hại. Do đó dừng trợ giúp hoặc hạn chế cứu giúp Kiev có thể được nhận diện là những phản ứng tiếp theo của Mỹ và phương Tây sau khi giao thông với Donbass bị Kiev cắt đứt.

Ngọc Việt

Bài liên quan
Hòa bình tại Ukraine: Ông Trump đối mặt với sự quyết liệt từ Moscow và Kyiv
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa hẹn sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine, thậm chí khẳng định có thể giải quyết vấn đề trong vòng 24 giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
13 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước ngoặt cho ván cờ Ukraine sau khi chính quyền Kiev phong tỏa khu vực ly khai