Bộ Tài chính đề xuất cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, chứng từ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế.

Buôn bán nhỏ lẻ cũng phải kê khai, nộp thuế như doanh nghiệp?

tuyetnhung | 28/08/2018, 15:22

Bộ Tài chính đề xuất cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, chứng từ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế.

Tại buổi làm việc về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết về phạm vi điều chỉnh luật, đa số các ý kiến thống nhất phạm vi điều chỉnh của dự án Luật quy định việc quản lý thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các khoản thu khác thuộc ngân sách không do cơ quan thuế quản lý cũng cần được quản lý chặt chẽ hoặc băn khoăn về tính phù hợp của việc quản lý các khoản thu khác của ngân sách.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà báo cáo tại buổi làm việc

Về vấn đề điều tra thuế, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt chưa bổ sung chức năng này cho các cơ quan thuế để nghiên cứu kỹ hơn, lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình nên chưa đưa nội dung này vào dự thảo Luật.

Bên cạnh đó có nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, chứng từ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng trong khi các hộ, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện được chế độ kế toán thì việc ấn định thuế, khoán thuế vẫn cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, để tăng cường quản lý, hạn chế rủi ro tiệu cực trong ấn định thuế, thuế khoán, dự thảo Luật xác định rõ các trường hợp ấn định thuế, nguyên tắc ấn định thuế, làm rõ vai trò trách nhiệm của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường trong khoán thuế. Mặt khác, dự thảo Luật làm rõ tiêu chí xác định các hộ, cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ áp dụng thuế khoán để phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc quy mô nhỏ thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai theo chế độ quy định, sẽ thúc đẩy các hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Về việc quản lý doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phòng chống chuyển giá, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nguyên tắc quản lý thuế với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; áp dụng cơ chế đơn giản hoá kê khai, xác định giá giao dịch liên kết với người nộp quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, việc xác định đúng doanh thu của các hộ khoán là một vấn đề, vì có nhiều hộ kinh doanh được khoán số thuế thấp hơn so với doanh thu, do đó để quản lý được mức thuế của hộ kinh doanh thì cần phải gắn code cho các máy bán hàng, hóa đơn của các hộ kinh doanh, mỗi đơn hàng bán ra đều phải có code, khi đó mới có thể phản ánh đúng doanh thu của các hộ khoán này.

"Có thể phát sinh trường hợp các doanh nghiệp cấu kết với nhau để mua hóa đơn, chuyển tiền qua ngân hàng theo quy định, sau đó họ có thể rút tiền ra theo tỷ lệ phần trăm ăn chia như đã thống nhất giữa các doanh nghiệp. Khi đó, cơ quan thuế không thể kiểm soát được việc mua bán hóa đơn giữa các doanh nghiệp, do đó cần có sự kết nối thông tin trong thanh toán luồng tiền, luồng hàng giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại", bà Cúc cho biết.

Đồng tình với quan điểm của bà Cúc, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại trong giao dịch thương mại điện tử, khi đó mới tạo được sự công khai, minh bạch trong quản lý thuế.

Đối với vấn đề ấn định thuế và khoán thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh, ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, hiệntỷ lệ thu thuế của các hộ kinh doanh này còn thấp do không nắm được doanh thu chính xác của các hộ kinh doanh. Do đó cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và thực hiện cơ chế tự khai tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính cần thuyết minh, trình bày rõ các nội dung, phạm vi sửa đổi của Luật, trong đó nhấn mạnh việc kế thừa các quy định hiện hành còn giá trị; bảo đảm tinh thần vừa quản lý chặt chẽ việc quản lý thuế, vừa tạo thuận lợi cho các bên liên quan trong thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế để tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao minh bạch, năng lực quản lý; thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ để quản lý thuế tốt, nhất là quản lý khu vực kinh doanh phi chính thức.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ thêm các nội dung quy định liên quan tới chống chuyển giá của các công ty đa quốc gia theo hướng xây dựng các biện pháp chống xói mòn lợi nhuận, quản lý chặt chẽ việc khấu trừ chi phí lãi vay quá mức để giải quyết tình trạng công ty con ở Việt Nam chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua các khoản vay của công ty mẹ mà thực chất là các khoản góp vốn; quyền đánh thuế của Việt Nam với các giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp của các công ty nước ngoài sở hữu tài sản tại Việt Nam, bổ sung công cụ xử lý đối tượng nộp thuế thành lập công ty danh nghĩa mà không có hoạt động kinh doanh thực chất.

Ngoài ra, các quy định của dự án Luật cần bảo đảm các doanh nghiệp liên kết phải nộp thuế tương xứng với phần giá trị tạo ra tại Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu, áp dụng các thông lệ quốc tế đang thực hiện như: phân bổ rủi ro, giao dịch độc lập... Quy định rõ hơn trong luật về việc cung cấp số liệu hồ sơ thuế của công ty liên kết và nghiên cứu bổ sung xử phạt hành chính đủ hiệu lực với hành vi không kê khai và cố tình không tuân thủ điều chỉnh chuyển giá.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá lại các chính sách quản lý hoá đơn trong thuế VAT (doanh nghiệp tự in hoá đơn) khi có tình trạng doanh nghiệp không xuất hoá đơn, mua hoá đơn từ doanh nghiệp “ma” để gian lận hoàn thuế và gian lận khấu trừ thuế VAT, đồng thời việc bỏ bản kê hoá đơn mua hàng tạo ra kẽ hở trong quản lý hoá đơn và tình trạng trốn lậu thuế.

"Việc sửa đổi Luật phải hướng đến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, nhưng cũng phải chặt chẽ, chống thất thu ngân sách nhà nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Buôn bán nhỏ lẻ cũng phải kê khai, nộp thuế như doanh nghiệp?