“Những người đánh ông Tường đến chết là những bệnh nhân tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự gây ra, trong thời gian bệnh viện trực tiếp quản lý nên Bệnh viện Tâm thần TP.HCM phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Mức bồi thường thực tế sẽ do các bên thỏa thuận trên cơ sở các khoản tiền, chi phí theo quy định”.
>> Bênh nhân tâm thần bị đánh tử vong, BV không chấp nhận bồi thường 100 triệu đồng
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho biết như thế xung quanh vụ việc gia đình bệnh nhân Huỳnh Văn Tường (49 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) không chấp nhận mức bồi thường 50 triệu đồng mà Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đưa ra.
Theo luật sư Hậu, trong Quy chế bệnh viện (được ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19.9.1997 và đã được sửa đổi, bổ sung), khi có những vụ việc diễn biến bất thường: thảm họa, dịch bệnh, tai nạn điều trị, mất an ninh trật tự… giám đốc bệnh viện và các cấp quản lý cần trực tiếp giải quyết kịp thời sự việc theo chức năng, nhiệm vụ và các quy định hiện hành, đồng thời phải báo cáo lên cấp trên quản lý trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo. Vì vậy, nếu phía bệnh viện có sự chậm trễ, không phát hiện ra sự việc hoặc phát hiện nhưng không có biện pháp ngăn cản, để xảy ra hậu quả thì bệnh viện đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Trong trường hợp này, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM để xảy ra cái chết của bệnh nhân Tường, bệnh viện phải chịu trách nhiệm như thế nào, thưa ông?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2005, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Khoản 2 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện trực tiếp quản lý thì bệnh viện phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Nếu bệnh viện chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người mất năng lực hình vi dân sự phải bồi thường.
Như vậy, nếu những bệnh nhân tâm thần đã bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM không chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý những bệnh nhân này thì bệnh viện phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.
|
Luật sư Nguyễn Văn Hậu. |
Trong buổi làm việc mới đây, Bệnh viện tâm thần TP.HCM đưa ra mức hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân là 50 triệu đồng, nhưng gia đình không chấp nhận. Theo ông trong trường hợp này, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM bồi thường cho bệnh nhân dựa trên cơ sở nào?
Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự 2005, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm sẽ bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Ngoài ra, số tiền bồi thường còn bao gồm một khoản tiền khác (tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu) để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Vì vậy, trong trường hợp bệnh viện phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại như đã phân tích thì mức bồi thường thực tế sẽ do các bên thỏa thuận trên cơ sở các khoản tiền, chi phí nêu trên; từ đó mới có cơ sở để kết luận mức 50 triệu đồng là hợp lý hay không.
Mức bồi thường trên của bệnh viện là không thỏa đáng, gia đình bệnh nhân không chấp nhận. Vậy gia đình bệnh nhân phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?
Để đảm bảo quyền lợi trong trường hợp này, người nhà nạn nhân cần xác định được chính xác ai là người có trách nhiệm bồi thường đối với cái chết của nạn nhân để khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Từ sự việc đau lòng trên, theo ông, với những bệnh viện nhất là các bệnh viện tâm thần, cần phải làm gì để bảo vệ tính mạng của bệnh nhân trong quá trình điều trị?
Dưới góc độ pháp luật Hình sự, tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Tuy nhiên, trách nhiệm dân sự vẫn được đặt ra đối với những thiệt hại do người tâm thần gây ra. Cụ thể, khi người mắc bệnh tâm thần bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự mà họ đang điều trị trong bệnh viện thì bệnh viện có trách nhiệm quản lý những bệnh nhân này. Nếu họ gây ra thiệt hại thì bệnh viện phải bồi thường, trừ trường hợp bệnh viện chứng minh được rằng mình không có lỗi trong việc quản lý.
Do đó, để giảm thiểu đến mức thấp nhất những sự việc đau lòng có thể xảy ra, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong bệnh viện, nâng cao trách nhiệm của bệnh viện trong việc quản lý những bệnh nhân này thì tôi cho rằng bệnh viện cần tăng cường hơn nữa các biện pháp đảm bảo an ninh và đội ngũ nhân sự đảm bảo công tác này; thường xuyên kiểm tra tình trạng của bệnh nhân và cần có những phản ứng nhanh chóng, kịp thời khi có sự việc xảy ra.
Xin cám ơn luật sư!
Hồ Quang (thực hiện)